Cây hương thảo chuẩn hàng tại khu vực Hà Nội.
Sửa chính tả và điều chỉnh lại nội dung: 22/3/2025;
Hình ảnh cây hương thảo






Phân loại và gọi tên
Hương thảo (香草) hay Mê điệt hương (迷迭香). tên tiếng Anh là rosemary, compass plant, … danh pháp khoa học là Rosmarinus officinalis L., là một loài thực vật có hoa trong họ Hoa môi Lamiaceae. Loài này được L. mô tả khoa học đầu tiên năm 1753. Cây có nguồn gốc tại khu vực Địa Trung Hải và châu Á.
Mô tả cây
Cây nhỏ cao 1 – 2 m, phân nhánh và mọc thành bụi. Lá nhiều, hẹp, hình dải, dai, có mép gập xuống, không cuống, màu xanh sẫm và nhẵn ở trên, phủ lông rải rác màu trắng ở mặt dưới. Hoa xếp 2 – 10 ở các vòng lá, dài cỡ 1 cm, màu lam nhạt hơi có màu hoa cà với những chấm tím ở phía trong các thuỳ. Toàn cây có mùi rất thơm.
Hương thảo chịu hạn tốt; các giống cây trồng (cultivar) đặc biệt như ‘Arp’ có thể chịu được nhiệt độ trong mùa đông xuống dưới -20oC. Nhân giống hương thảo ít khi thực hành từ hạt bởi hạt giống thường khó nứt nanh, tỷ lệ nảy mầm thấp và sinh trưởng tương đối chậm; bù lại một cây có thể sống lâu đến 30 năm.
R. officinalis ra hoa vào mùa xuân và mùa hè ở vùng khí hậu ôn đới, hoa có thể có màu trắng, hồng, tím hoặc xanh đậm. Hương thảo cũng có xu hướng ra hoa ngoài mùa hoa thông thường của cây; cụ thể khi muộn nhất là vào đầu tháng 12, và sớm nhất là vào giữa tháng 2 (ở Bán cầu Bắc).
Thông tin thêm
1. Nơi sống và thu hái
Cây của vùng Địa Trung Hải, được trồng nhiều ở Nam Âu châu, Tây Á và Bắc Phi trước đây, được nhập trồng ở nước ta, tại một số tỉnh miền Trung và miền Nam (theo A. Pételot). Thường trồng bằng cách giâm cành hay gieo hạt. Khi thu hoạch, dùng các ngọn cây có hoa, đem phơi hay sấy khô, đập lấy lá. Lá tươi được dùng làm gia vị.
2. Hóa thực vật (phytochemical)
Thông tin tham khảo từ bài báo “Rosemary | Professional”. Nguồn: Drugs.com.
Hương thảo có rất nhiều thành phần dễ bay hơi và có mùi thơm. Lá của cây chứa 0,5% – 2,5% tinh dầu, với các thành phần chính bao gồm các monoterpene (α- và β-Pinen), Camphene, Limonene, Long não (10 – 20 %), Borneol, Eucalyptol, Linalool và Verbinol. Các flavonoid trong cây hương thảo bao gồm Diosmetin, Diosmin, Genkwanin, Luteolin, Hispidulin và Apigenin. Các thành phần terpenoid khác trong cây hương thảo bao gồm các triterpene như Axit oleanolic và Axit ursolic và một diterpene là Carnosol. Các phenol trong cây hương thảo bao gồm các Axit (caffeic, chlorogenic, labiatic, neochlorogenic, rosmarinic và salicylic).

Theo tài liệu “Khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính kháng Ôxy hóa của tinh dầu cây hương thảo (Rosmarinus officinalis L.)“. Theo Nguyễn Ngọc Yến, Bùi Nguyễn Anh Thư và Nguyễn Minh Kha ( 2019 ). Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế Trường Đại học Tây Đô. Số 06 – 2019.
Bằng phương pháp sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS) các thành phần hóa học trong tinh dầu được xác định và ghi trong bảng sau:
STT | Tên chất | Hàm lượng |
1 | 1R-α-Pinene | 26,13 |
2 | Camphene | 2,43 |
3 | β-Pinene | 2,24 |
4 | β-Myrcene | 0,99 |
5 | α-Terpinene | 0,55 |
6 | D-Limonene | 2,04 |
7 | Eucalyptol | 19,44 |
8 | γ-Terpinene | 1,36 |
9 | Terpinolene | 0,86 |
10 | Linalool | 2,84 |
11 | Long não ( Camphor ) | 2,73 |
12 | Verbenol | 0,56 |
13 | Borneol | 3,97 |
14 | Isocamphopinone | 1,02 |
15 | (-)-4-Terpineol | 1,57 |
16 | α-Terpinol | 2,60 |
17 | Myrtenol | 0,5 |
18 | cis-Verbenone | 17,34 |
19 | trans-Geraniol | 3,00 |
20 | Bornyl acetate | 4,42 |
21 | Caryophyllene | 1,38 |
22 | Caryophyllene oxide | 0,24 |
Từ kết quả trên cho thấy thành phần hóa học trong tinh dầu hương thảo thu được có 22 hợp chất, trong đó các chất có hàm lượng cao nhất làα-Pinene (26,13 %), Eucalyptol (hay 1,8-Cineole) (19,41 %), cis-Verbenone (17,34 %). Kết quả nghiên cứu có sự khác biệt so với kết quả nghiên cứu về thành phần tinh dầu hương thảo Tây Ban Nha theo nghiên cứu của Rascovis và cộng sự (2014). Cụ thể nghiên cứu này công bố tìm ra 29 hợp chất, trong đó các hợp chất chính được xác định là 1,8-Cineole (43,77 %), Camphor (12,53 %), α-Pinene (11,51 %). Trong khi nghiên cứu của Huỳnh Thị Ngọc Sương (2014) cho kết quả thành phần chính là Camphor (22,47 %), 1,8-Cineole (19,3 %), α-Pinen (12,53 %). Nguyên nhân của sự khác nhau này có thể do sự khác nhau về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hoặc điều kiện thực nghiệm nên thành phần tinh dầu khác nhau.


Hương thảo có công dụng gì ?
1. Trang trí
Hương thảo rất hay được trồng làm cảnh, nhất là các tiểu cảnh kiểu Xeriscape (một kiểu thiết kế cảnh quan áp dụng cho những khu vực khô cằn, giảm thiểu đến mức tối đa nhu cầu tưới tiêu) nhờ hình dáng đẹp cùng khả năng chịu hạn đỉnh cao, nhất là ở các vùng khí hậu Địa Trung Hải. Cây dễ trồng và kháng được nhiều loại sâu bệnh. Một cây hương thảo tốt có thể phát triển khá lớn và giữ được sức hấp dẫn trong nhiều năm. Cây có thể được trồng dễ dàng trong chậu với đủ mọi kích thước.
♦♦♦ Xeriscape: Thuật ngữ được đề xuất bởi Denver Water vào năm 1981. Trong đó tiền tố Xeri– bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ ξηρός (xērós, “dry“, khô); -scape là viết tắt của landscape (tạm dịch: phong cảnh).
Hương thảo ưa trồng trên đất giàu mùn, thoát nước tốt ở vị trí thoáng, nhiều nắng. Cây không chịu được úng và một số giống rất dễ mẫn cảm với sương giá. pH đất thích hợp là từ trung tính đến kiềm (7 – 7,8) với hàm lượng dinh dưỡng vừa phải. Nhân giống hương thảo chủ yếu bằng cách giâm cành, bằng cách cắt một nhánh (từ cây mẹ) dài 10 – 15 cm, tước một vài lá ở phía dưới và trồng trực tiếp vào đất.
Một số giống được phát triển từ hương thảo có thể kể ra như:
- ‘Albus’ – Sắc hoa trắng;
- ‘Arp’ – Lá màu xanh lục nhạt, có mùi thơm của chanh cùng khả năng chịu lạnh tốt;
- ‘Aureus’ – Trên lá có nhiều đốm vàng;
- ‘Benenden Blue’ – Lá hẹp, màu xanh đậm;
- ‘Blue Boy’ – Cây lùn, lá nhỏ;
- ‘Blue Rain’ – Sắc hoa hồng;
- ‘Golden Rain’ – Lá xanh cơ bản, kèm vệt vàng;
- ‘Gold Dust’ – Lá xanh thẫm, kèm vệt vàng nhưng rõ nét hơn ‘Golden Rain’;
- ‘Haifa’ – Cây thấp và nhỏ, sắc hoa trắng;
- ‘Irene’ – Cây thấp, khó đứng vững, có xu hướng bò lan, hoa màu xanh đậm;
- ‘Lockwood de Forest’
- ‘Ken Taylor’ – Dạng cây bụi;
- ‘Majorica Pink’ – Sắc hoa hồng;
- ‘Miss Jessopp’s Upright’ – Dáng cao, thon đầu, lá rộng;
- ‘Pinkie’ – Sắc hoa hồng;
- ‘Prostratus’ – Dạng cây phủ mặt đất;

- ‘Pyramidalis’ (or ‘Erectus’) – Thon đầu, hoa màu xanh nhạt;
- ‘Roseus’ – Sắc hoa hồng;
- ‘Salem’ – Hoa màu xanh nhạt, chịu lạnh tương tự như ‘Arp’;
- ‘Severn Sea’ – Lan rộng, mọc thấp, cành uốn cong, hoa màu tím đậm;
- ‘Sudbury Blue’ – Sắc hoa xanh dương;
- ‘Tuscan Blue’;
- ‘Wilma’s Gold’ – Lá vàng;
Các giống cây trồng sau đây đã vinh dự nhận được Giải thưởng Công trạng Làm vườn của Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia:
- ‘Benenden Blue’

- ‘Miss Jessopp’s Upright’

- ‘Severn Sea’

- ‘Sissinghurst Blue’

Cây lựu lùn – khi xu hướng làm tiểu cảnh lên ngôi
2. Chữa bệnh
Tính vị, tác dụng: Hương thảo có vị chát, nóng, mùi thơm nồng, hơi se, có tính tẩy uế và chuyển máu, dùng với liều thấp, nó gây sự dồn máu ở các cơ quan vùng bụng và kích thích sự tiết dạ dày và ruột; nó cũng lợi tiểu. Với liều cao, nó gây co thắt và chóng mặt. Tinh dầu có tác dụng thông ruột, lợi mật và lợi tiểu. Người ta biết được tác dụng của Hương thảo là do sự có mặt của Axit rosmarinic và các flavonoid, nó cũng có những tính chất chống Ôxy hoá cũng do có Axit rosmarinic.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở châu Âu, người ta cũng dùng lá hương thảo làm pommat, thuốc xoa trị thấp khớp và đau nửa đầu. Nước hãm (nấu một nắm lá trong 1/2 lít nước để chiết hết thuốc) dùng rửa các vết thương nhiễm trùng và lâu khỏi. Dùng trong nước hãm này dùng lợi tiểu và gây tiết mật.
Người ta dùng nước hãm để điều trị viêm giác mạc nhẹ bằng cách rửa mắt 3 – 4 lần trong ngày. Người ta cũng dùng nấu nước cho phụ nữ mang thai tắm và dùng để tắm hơi trị thấp khớp, xuất tiết và bại liệt. Toàn cây gây kích thích và lợi trung tiện trong trường hợp trướng bụng, khó tiêu.
Tinh dầu hương thảo được sử dụng ở Ấn Độ làm thuốc lợi trung tiện. Tinh dầu này tham gia vào thành phần Eau de Cologne; người ta nói rằng nó giữ độ bóng của tóc và cũng là một chất kích thích khuếch tán. Có thể dùng trong với liều 3 – 5 giọt, nhưng thông thường chỉ dùng đắp ngoài.
3. Ẩm thực
Lá tươi hay lá khô đều được dùng làm gia vị trong ẩm thực. Cành cây được sử dụng làm que xiên trong các món nướng BBQ, lá được gia vào món bít tết (beefsteak), đặc biệt thích hợp khi khử mùi các loại thịt đỏ như thịt cừu, thịt bò thậm chí các loại thịt rừng có mùi như thịt nai, heo mọi. Các món thuần Âu như cừu nướng áp chảo, đút lò, nướng nguyên tảng, đến cừu hầm đều có thể sử dụng hương thảo. Các loại thịt trắng như thịt lợn, thịt gà, các loại rau củ quả như khoai tây, cà rốt cũng có thể sử dụng hương thảo cho ra các món rất thơm ngon. Ở Việt Nam, hương thảo còn dùng cho món luộc, sốt, nấu, hấp.
Cây móc mật – vận tài lộc đầy nhà – tìm hiểu và mua ngay


Cách trồng hương thảo tại nhà
Hương thảo nên được nhân giống bằng cách giâm cành thay vì bằng hạt giống, do vậy chúng ta cần tuyển chọn ra những nhánh cây bánh tẻ phát triển tốt để ưu tiên làm giống. Khi đã chọn được cành giống thích hợp, ta tiến hành sử dụng dao, kéo sắc cắt thành từng nhánh dài khoảng 10 cm để tăng tỷ lệ sống và sau đó tiến hành nhân giống. Hầu hết các cành đã được chiết ra sẽ hoàn toàn cho ra cây giống hệt mẹ cả về chất và lượng.
Đất trồng: Do cây hương thảo sở hữu bộ rễ khá nhạy cảm với úng ngập nên phải chọn đất trồng đảm bảo vừa tơi xốp, thoát nước tốt, cũng vừa đủ ẩm để lá cây không bị xơ xác. Hỗn hợp đất sạch trồng cây hương thảo tiêu chuẩn bao gồm: 2 phần tro trấu + 0,3 phần trấu sống + 0,3 phần xơ mùn dừa đã xứ lý vi sinh + 1 phần phân bò hoai mục + 1 muỗng canh chế phẩm Bima sử dụng nấm đối kháng Trichoderma spp.. Đem tất cả đi trộn đều rồi trồng cây trong chậu. Mỗi một chậu đất như vậy sẽ trồng được một nhánh cây
Vị trí đặt chậu: Đặt chậu trồng ở những nơi mát mẻ, có bóng râm mát hoặc độ ẩm phù hợp. Nếu đặt ở chỗ nắng nóng rát thì lá sẽ bị cháy, teo dần, tinh dầu bay hơi. Do vậy cây sẽ chậm phát triển hoặc có thể chết. Vị trí nên để cây ở nơi có ánh nắng nhẹ vào buổi bình minh sẽ giúp lá cây hương thảo xanh hơn. Cây hương thảo rất thích hợp trồng trong nhà, nhất là ở chỗ có nhiệt độ phòng mát mẻ.
Sau khi nhánh cây đã bén rễ thì bạn tiến hành chuyển chậu hoặc đem trồng ra vườn. Loài cây này có thể sống ở nhiều điều kiện môi trường khác nhau và luôn luôn khỏe mạnh. Sau khi chuyển cây đi nơi khác các bạn cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng trong đất để cây phát triển tốt hơn.



Chăm sóc hương thảo
Bón phân: Cây hương thảo thích hợp với chế độ phân bón đều đặn theo định kỳ nhưng với liều lượng thấp. Một tuần ngâm phân bón rồi chan vào gốc và một tuần phun phân bón lá cho cây. Bón phân ngâm chan gốc cho cây nên áp dụng phân có hàm lượng đạm vừa phải và lượng kali cao. Phân bón lá thì ngoài N3M ra có thể dùng vitamin B1 và phân NPK 20-20-20 hoặc 30-10-10 (loại dùng cho hoa phong lan) kết hợp với một loại thuốc trừ nấm và vi khuẩn sinh học khác như Kasugamycin, Valydamicin, … pha theo hướng dẫn nhà sản xuất ghi trên bao bì. Tiến hành phun phân bón lá lúc chiều mát hay sáng sớm sau khi tưới nước cho cây.
Tưới nước: Bạn chỉ cần tưới đẫm vào buổi sáng, nếu thời tiết hanh khô thì xử lý tiếp bằng cách tưới nhẹ thêm một lần vào chiều giúp làm mát cây. Chú ý không để nước đọng dưới đáy chậu sẽ làm bộ rễ cây hương thảo nhanh bị thối.
Mua cây hương thảo uy tín ?
Địa chỉ: Ngách 68/45, ngõ 68, đường Nguyễn Văn Linh, Long Biên. Đối diện với Tổng công ty may 10, Hà Nội.
- Quý khách xin vui lòng liên hệ với Cây cảnh Hải Đăng để được các chuyên viên của chúng tôi tư vấn lựa chọn sản phẩm giống cây hương thảo phù hợp.
- Chúng tôi sẽ chụp ảnh sản phẩm cho quý khách nếu có yêu cầu.
- Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ hàng hóa đảm bảo chất lượng và đúng quy cách trước khi giao.
- Quý khách ở xa vui lòng tiến hành chuyển khoản trước. Nếu quý khách ở nội thành có thể áp dụng ship nhanh với chi phí 40k một lần ship.
Tài liệu tham khảo
- Hương thảo – Wikipedia Tiếng Việt;
- Rosemary – Wikipedia Tiếng Anh;
- Rosmarinus officinalis – Wikipedia Common;
Tìm kiếm liên quan
- Tác hại của cây hương thảo
- Mua cây hương thảo ở Hà Nội
- Nơi bán cây hương thảo
- Cách chăm sóc cây hương thảo
- Trồng cây hương thảo
- Chỉ số Bovis cây hương thảo
- Cây hương thảo giá bao nhiều
- Cây hương thảo an được không
Sản phẩm liên quan: Hoa tử đằng
