Sửa chính tả và điều chỉnh lại nội dung: 22/3/2025;
Sâm đại quang là một loài thảo dược quý và hay bị đem ra so sánh với sâm ngọc linh (Panax vietnamensis) truyền thống, tuy nhiên quý như nào thì hiện vẫn còn đang gây tranh cãi.
Tìm hiểu về sâm đại quang
Dạo qua các bài báo online có đề cập đến thông tin về loài sâm này, chúng tôi tìm được một websie có mô tả khá chi tiết là samdaiquang.vn (link này có thể chết hay sống tùy thời điểm), từ nguồn gốc, dược tính, thành phần hóa học, công dụng và đặc biệt là hình ảnh của sâm đều được nêu khá đầy đủ. Về nguồn gốc, thế kỷ XIV, Đại thiền sư Tuệ Tĩnh (1330 – 1400) đã tìm ra một loại cây thuốc rất bổ dưỡng và dược tính cao tại núi Dành (Tân Yên, Bắc Giang). Thiền sư Tuệ Tĩnh có viết “ngoài tác dụng bồi bổ cơ thể nó còn tái tạo gan và làm sáng mắt …” nên ông đặt tên loại sâm này là Sâm Đại quang (Đại quang là sáng mắt). Cụ thể hơn thì nó liên quan đến một bản Word với nội dung “Lần tìm về một nguồn gốc một loài sâm trên đất núi Dành – Chuyện về một loài Sâm chữa bệnh mù lòa cho mẹ Vua Tự Đức !” cũng được gắn trực tiếp lên webiste này.
Tuy nhiên theo như chúng tôi thấy, nguồn gốc này có vẻ khá mơ hồ và đặc biệt chuyện sâm chữa bệnh mù lòa cho mẹ vua Tự Đức cũng có khá nhiều dị bản và chưa được chứng thực, nên cũng không dám chắc loài sâm này liệu có quý như lời đồn. Bởi đến bản thân tên khoa học của loài cây trên thì website này cũng thiếu, do vậy rất khó để xác minh.
Ngoài ra bản thân Website trên cũng đăng tải kết quả kiểm nghiệm mẫu Sâm đại quang của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia thuộc Bộ Y tế, cụ thể thì sâm đại quang còn có gần đầy đủ các axit amin thiết yếu cho cơ thể. Đặc biệt có 9 loại axit amin cơ thể con người không tự tổng hợp được thì sâm Đại quang có tới 8 axit amin trong số đó. Tuy nhiên đây cũng chỉ là bản kết quả về thành phần hóa học, chưa thấy nhiều tài liệu về dược tính (vì website không có trích dẫn nguồn nghiên cứu) nên mọi thứ mới chỉ dừng ở mức tham khảo.
Vậy sâm đại quang thực tế là cây gì ?
Hiện thông tin xác thực về loài sâm này cũng đã được đề cập trong một bài báo mang tên Sự thật ngã ngửa về “Sâm Đại quang”; tác giả là GS.TSKH Trần Công Khánh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc Dân tộc cổ truyền).
Bài báo có ghi, “Sâm Đại quang” thực ra là cây thuộc chi chút chít (Rumex), họ rau răm (Polygonaceae). Chi Rumex ở Việt Nam có 7 loài. Theo mô tả và hình vẽ trong sách “Cây cỏ Việt Nam” thì cây này có tên là dương đề nhăn, tên tiếng Anh là curly dock, tên khoa học là Rumex crispus L..
Bài báo cũng nêu khá rõ về đặc điểm cây dương đề nhăn và cũng trả lời cho câu hỏi rằng loài cây này có họ hàng gì với cây nhân sâm không. Kết luận rằng “Sâm Đại quang” không có họ hàng gì với các loài sâm trong chi Panax, thuộc họ nhân sâm (Araliaceae). Nó cũng không thể có chất ginsenosid. Hiện nay, trên thị trường dược liệu có sự lạm dụng từ “sâm” khá phổ biến, gây ra sự hiểu nhầm đáng tiếc cho người mua và cả người bán.
Kết luận
Sau khi dạo một vòng các bài viết về bản thân sâm đại quang, cả những ý kiến tích cực lẫn những nhận định còn hoài nghi, chúng tôi nhận xét rằng, đã là thảo dược Việt Nam thì cây nào cũng quý, mỗi loài cây, tùy thuộc vào điều kiện địa phương và nét văn hóa đặc thù, lại có những ứng dụng và giá trị riêng biệt. Tuy nhiên, cần tránh hết sức việc thổi phồng giá trị của các sản phẩm dược liệu khi chưa có đủ các nghiên cứu khoa học đáng tin cậy chứng minh. Bản thân Sâm Đại Quang là một thảo dược có giá trị, nhưng vấn đề không nằm ở cây bởi nó mang trong mình chữ “sâm”, mà chính là ở cách chúng ta thiếu sót trong việc tìm hiểu hoặc tiếp cận thông tin một cách hời hợt. Nên cũng mong quý bạn đọc và khách hàng hết sức lưu ý.