Sửa chính tả và điều chỉnh lại nội dung: 21/3/2025;
Cỏ xước hay ngưu tất nam, tên tiếng Anh là chaff-flower, prickly chaff flower, devil’s horsewhip (danh pháp khoa học là Achyranthes aspera L.) là một loài thực vật thuộc họ Dền Amaranthaceae.







Mô tả cây cỏ xước
Cây thảo, cao gần 1 m, có lông mềm nhiều hay ít. Thân cứng, phình lên ở những mấu. Lá mọc đối, hình trứng hay mũi mác, nhẵn hoặc hơi có lông, gốc thuôn, đầu tù hoặc nhọn, dài 3 – 12 cm, mép lượn sóng; cuống lá dài. Cụm hoa mọc thành bông đơn ở ngọn thân, dài 20 – 30 cm; lá bắc con hình gai; hoa mọc rủ xuống áp sát vào cuống cụm hoa; đài gồm 5 phiến hình mũi mác nhọn, những phiến phía trong rất nhỏ; nhị 5, nhị lép có nhiều tua viền ở đầu; bầu hình trụ. Quả nang có lá bắc còn lại, nhọn thành gai dễ mắc vào quần khi đụng phải; vỏ rất mỏng, dính vào hạt; hạt hình trứng dài, dày 1 mm. Mùa hoa quả: Tháng 7 – 12.
Thông tin thêm
1. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây cỏ xước – Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập I – Đỗ Huy Bích cùng các tác giả khác (đã sủa chính tả):
Achyranthes L. là một chi nhỏ trong họ Amaranthaceae. Ở Việt Nam, ước tính có tới 4 loài, trong đó có cỏ xước. Trên thế giới, cỏ xước là cây của vùng nhiệt đới. Ở châu Á, cây phân bố ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước khác. Ở Việt Nam, cỏ xước phân bố rải rác ở hầu hết các tỉnh vùng đồng bằng, trung du và một số tỉnh vùng núi thấp dưới 1000m.
Cỏ xước ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc ở nơi đất ẩm ven đường đi, quanh vườn và bãi hoang. Đôi khi còn gặp ở vùng nương rẫy và ven đồi. Cây mọc từ hạt vào cuối mùa xuân, sinh trường nhanh trong mùa hè, sau đó có hoa quả. Quả có lá bắc tồn tại, nhờ gió phát tán đi khắp nơi. Nhìn chung, sau khi có hoa quả, cỏ xước thường tần lụi vào mùa đông. Song, cá biệt có những cây mọc nơi bị che bóng hoặc mọc muộn chưa kip ra hoa quả trong năm, có thể tồn tại qua đông và trở thành cây sống nhiều năm.
Có thể trồng cỏ xước bằng hạt vào mùa xuân.
Cỏ xước ưa đất ẩm, nhiều mùn. Trồng trên đất khô cằn, cây thấp nhỏ, rễ ngắn. Cây phát triển mạnh vào mùa hè, tào lụi rụng lá vào mùa đông.
Khả năng tái sinh vô tính của cỏ xước rất cao, chỉ cần cắt cành cắm xuống đất cũng có thể mọc thành cây, nhưng cây thường được nhân giống bằng hat. Hạt cỏ xước nhiều, rất dễ nảy mầm, có thể gieo thẳng hoặc gieo trong vườn ươm vào tháng 2 – 3, sau đó đánh cây con đi trồng. Hiện nay, cây chưa được sản xuất lớn, mới chỉ được trồng ở quy mô thí nghiệm.
Đất trồng có thể lên thành luống hoặc để phẳng thành vạt. Sau khi bón lót một ít phân chuồng, cây con được trồng với khoảng cách 30 x 30 cm. Nếu gieo hạt thì cũng tỉa định cây với khoảng cách như trên. Chưa thấy sâu bệnh hại cỏ xước.
Rễ củ của cây một năm ít xơ hơn cây lâu năm. Thu về, rửa sạch, phơi khô là dùng được. Nếu để cây qua năm thì vào mùa đông nên cắt bỏ thân lá, chỉ giữ lại gốc để cây tái sinh vào mùa xuân năm sau. Nếu không thu hạt thì cần cắt bỏ khi chưa chín, không để hạt chín sẽ rụng xuống xung quanh gốc và lan ra thành cỏ dại.
Bộ phận dùng: Rễ đã phơi khô hoặc sấy khô của cây có xước. Rễ nhỏ cong queo, thuôn dần về phía chóp, dài 10 – 15cm, đường kính 0,2 – 0,5cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt, nhẵn, đôi khi hơi nhăn, có vết sần của rễ con hoặc lẫn cả rễ con.
2. Thành phần hóa học
Cây cỏ xước – Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập I – Đỗ Huy Bích cùng các tác giả khác (đã sủa chính tả):
Rễ cỏ xước chứa saponin trong đó phần aglycon được nhận dạng là acid oleanolic: phần đường là glucose, galactose và rhamnose (Phạm Kim Mãn và cs., 1978). Li Xianduan và cs 1995 đã chứng minh hàm lượng acid oleanolic là 0.054%.
Mười saponin triterpen đã được chiết xuất từ rễ cỏ xước và nhận dạng là dimethyl ether của 28-desgluco, sylprosapogenin của chikusetsusaponin-IVa, prosapogenin của chikusetsusaponin-IVa, methyl ether của chikusetsusaponin IV-a, methyl ether của chikusetsusaponin V, methyl ether của achyrantosid B, một saponin có trong Pisonia umbellifera, chikusetsusaponin IV, methyl ester của achyrantosid A, methyl ester của achyrantosid C và chikusetsusaponin A (Kazyo Yamasaki và cs. 1999: Võ Duy Huấn và cs 1999: T.C Dược liệu 1999, 4 (Q) 52).
Chồi chứa 36,47 dihydroxyhen pentacontan-4-on, tritriacontanol (Misra Triguna N. và cs., 1991), 27-cyclohexylheptacosan-7-ol, 16-hydroxy-26-methylheptacosan-2-on (Misra Triguna N. và cộng sự, 1993), 4-methylheptatriacont-1-en-10-ol, tetracontanol-2 và β-sitosterol (Misra T.N và cộng sự, CA. 125, 1996, 5473r).
Thân chứa pentatriacontan, 6-pentatriacontanon, hexatriacontan, tritriacontan (Ali Mohammed và cs., 1993).
Hạt chứa hentriacontan, 10-octacosanon, 10-triacocosanon, 4-tritriacontanon (Ali Mohammed và cs., CA. 120, 1994, 265781h).
Hai saponin C(I) và D(I) đã được phân lập từ quả chưa chín (CA 96. 1981, 40794a).
3. Tác dụng dược lý
Cây cỏ xước – Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập I – Đỗ Huy Bích cùng các tác giả khác (đã sủa chính tả):
Cỏ xước có tác dụng chống viêm và gây teo tuyến ức trên chuột cống trắng, kích thích co bóp tử cung và có tác dụng oestrogen yếu. Nó có độc tính thấp và không gây những tác dụng không mong muốn về chức năng gan, thận trong áp dụng điều trị dài ngày cho động vật thí nghiệm.
Cao cồn cỏ xước ức chế sự phát triển in vitro của những vi khuẩn Staphylococcus aureus, Streptococcus haemolyticus, Bacillus diphtheriae, Bacillus subtilis, Escherichia coli và của vi nấm Aspergillus terreus. Nó có tác dụng hạ đường máu trên thỏ có đường máu bình thường và thỏ gây đái tháo đường với alloxan.
Những saponin chiết xuất từ rễ có xước gây co cơ thẳng bụng cô lập của ếch, tác dụng này không bị ức chế bởi curar; và có tác dụng làm giảm huyết áp và nhịp tim, gây giãn mạch và tăng hô hấp trên chó. Thuốc có tác dụng lợi tiểu trên chuột cống trắng, và gây tiêu chảy sau khi cho uống liều cao và cũng có tác dụng hạ sốt.
Saponin chiết xuất từ hạt cỏ xước có tác dụng trợ tim trên tim cô lập của ếch, thỏ và chuột lang. Thử nghiệm trên chuột nhắt trắng được gây nhiễm Plasmodium berghei và P. gallinaceum, hai thuốc gồm cỏ xước và đậu xanh có tác dụng kìm hãm ký sinh trùng, nhưng gây tiêu chảy nên vật chủ đã chết.
Cao chiết với benzen của vỏ thân cỏ xước, cho chuột cống trắng và thỏ uống với liều 50 mg/kg từ ngày 1 – 6 đã gây sảy thai 100%. Cao chiết với n-butanol, cho chuột cống trắng uống với liều 75 mg/kg, từ ngày 1-5, đã ngăn cản sự làm tổ của trứng đã thụ tinh trong thời kỳ đầu mang thai và có hoạt tính kháng oestrogen. Cây cỏ xước mới thu hái, phơi khô và tán bột được dùng để xông phòng có tác dụng tẩy uế mạnh.
Đã thử nghiệm trên lâm sàng bài thuốc chữa sỏi niệu quản gồm 7 dược liệu trong có cỏ xước phối hợp với châm cứu cho 89 bệnh nhân, đạt kết quả tốt: 57,3%, đỡ 16,8%, và không kết quả: 25,9%.
Công dụng chữa bệnh của cỏ xước
Cỏ xước dược dùng chữa cảm mạo phát sốt, phong thấp tê mỏi yếu liệt, đau lưng, nhức xương, viêm khớp, sưng gối, kinh nguyệt không đều, ứ huyết trong tử cung, hàn thấp, chân tay co quắp, tiểu tiện không lơi, đái rắt, đái buốt, sốt rét. Còn được dùng để trục thai chết.
Ngày dùng 12 – 40g phối hợp với các vị thuốc khác; dưới dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài, cỏ xước trị lở ngứa, viêm miệng. Dịch ép lá cỏ xước tươi chữa được bệnh ly.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai, người bị tiêu chảy, di tinh không dùng.
Trong Y học cổ truyền Trung Quốc, cỏ xước được dùng điều trị nhức đầu, cảm nắng, sốt rét, sỏi niệu, viêm thận mạn tính.
Y học cổ truyền Ấn Độ lại dùng nước sắc cỏ xước làm thuốc lợi tiểu và trị xơ gan. Bột nhão làm từ hoa hoặc hạt cỏ xước tán bột được đắp tại chỗ trị sâu bọ độc cắn. Bệnh nhân hen hít khói do đốt lá khô cỏ xước có thế hết cơn hen phế quản. Dùng bột nhão từ lá tươi cỏ xước giã đắp lên chỗ bị áp xe, mỗi ngày 2 lần trong 3 ngày để làm hết mủ. Để trị gãy xương, toàn cây cỏ xước được làm thành bột nhão và đắp tại chỗ sau khi đã nắn lại xương gãy và bó với băng vải, và hàng ngày, đắp bột nhão mới bào chế. Đồng thời, trộn 10g bột nhão cỏ xước trong 20g bơ lỏng với bột của 7 – 8 hạt hồ tiêu và cho uống, mỗi ngày một lần trong 1 tháng, để thúc đẩy nhanh quá trình lành. Sau khi đắp bột nhão cỏ xước, thấm nước ấm có hòa tan muối lên trên chỗ đắp trong 15 phút, và xoa bóp nhẹ với sữa cừu mỗi ngày 2 lần, trong 2 – 4 tuần. Đề chữa sốt cơn, uống 10g bột nhão lá cỏ xước với 100g sữa đông tươi, mỗi ngày một lần trong 5 ngày. Chữa đái chậm và đau bằng cách đắp bột nhão cỏ xước lên bụng bệnh nhân để làm giảm đau, bột nhão rễ cỏ xước mới pha chế trị viêm amidan cho trẻ em, đắp ngoài ngày 2 lần, trong 4 – 5 ngày.
Nhân dân Ấn Độ còn uống dịch ép toàn cây hoặc bột rễ cỏ xước phơi khô trong râm, ngày 10 – 20g để trị rắn độc cắn. Có thể uống rễ cỏ xước 5g, bột hoa tiêu 5g chia làm 3 lần uống trong ngày chữa tiêu chảy và ly.
Để điều trị giai đoạn đầu của bệnh hen, uống bột lá khô cỏ xước với mật ong vào buổi sáng. Cũng dùng lá tươi giã nát thành bột nhão và trộn với hạt tiêu và hành tây làm thành viên hoàn, uống trong 20 – 30 ngày. Thường uống thuốc vào mùa đông. Nhai lá cỏ xước tươi với mấy hạt bạch hồ tiêu, và đắp bột nhão này để chữa vết đốt do bọ cạp.
Ở Nepal, nhân dân uống nước sắc lá cỏ xước trị sốt, và uống bột rễ cỏ xước trộn với bột hạt tiêu trị lỵ ra máu. Để trị khó tiêu, uống dịch ép rễ tươi hoặc nước hãm rễ khô cỏ xước. Chữa chảy dịch tai, bằng cách nhỏ 1 – 2 giọt dịch ép lá cỏ xước vào tai, ngày 2 lần trong 1 – 2 ngày. Đế gây ngừa thai, phụ nữ sau khi hành kinh uống một cách đều đặn mỗi ngày 10g rễ cỏ xước dưới dạng nước sắc ấm. Cỏ xước còn được dùng làm thuốc nhuận tràng, chữa trĩ, mụn nhọt, ban, đau bụng và rắn cắn.
Địa chỉ bán cây cỏ xước tại Hà Nội uy tín ?
Địa chỉ: Ngách 68/45, ngõ 68, đường Nguyễn Văn Linh, Long Biên. Đối diện với Tổng công ty may 10, Hà Nội.
- Quý khách xin vui lòng liên hệ với Cây cảnh Hải Đăng để được các chuyên viên của chúng tôi tư vấn lựa chọn sản phẩm cây cỏ xước phù hợp.
- Chúng tôi sẽ chụp ảnh sản phẩm cho quý khách nếu có yêu cầu.
- Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ hàng hóa đảm bảo chất lượng và đúng quy cách trước khi giao.
- Quý khách ở xa vui lòng tiến hành chuyển khoản trước. Nếu quý khách ở nội thành có thể áp dụng ship nhanh với chi phí 30,000 VNĐ một lần ship.