Cây quế hay còn gọi là quế quan, quế Tích Lan ( danh pháp khoa học hai phần: Cinnamomum verum, đồng nghĩa: C. zeylanicum, thuộc họ Nguyệt quế Lauraceae ). Đây là loài cây đa tác dụng. Với vỏ và quả Quế được dùng làm thuốc, lá và vỏ khô tính chế tinh dầu và làm gia vị. Còn gỗ quế dùng trong xây dựng và làm đồ dùng gia đình. Chính nhờ sự linh hoạt trong công dụng như vậy nên quế còn được coi là tiềm lực phát triển kinh tế của một số tỉnh trên nước ta.
Giá trị kinh tế của cây quế
Theo tài liệu thống kê cho thấy: Nếu trồng 1ha Quế sau chu kỳ 15 – 20 năm sẽ thu được 1,5 – 2 tấn vỏ trị giá 15 – 20 triệu đồng tương ứng với 10 tấn thóc. Nếu thế thì để thu được 10 tấn thóc phải canh tác trên 10 ha lúa nương (sản lượng lúa nương 1 tấn/ha/năm) hoặc 20 ha sắn hoặc ngô.
Tuy nhiên trồng cây trên nền đất dốc không thể tiến hành liên tục trong 10 năm được vì cứ sau 3 – 5 năm lại bỏ hoang rồi mới trở lại canh tác. Lấy ví dụ như trong 10 năm 1 ha lúa nương chỉ canh tác được 3 – 5 năm và cho sản lượng trung bình 3 – 5 tấn thóc.
Ngoài ra trồng cây lương thực trên đất dốc liên tục còn làm tăng xói mòn đất, giảm đi độ phì đất. Nhưng điều này hoàn toàn khác khi lấy ví dụ rừng Quế thuần loài ở 5 – 6 tuổi đã khép tán, dưới tán rừng Quế thì cây bụi thảm tươi phát triển. Và đất được bảo vệ và lượng lá rơi rụng có tác dụng cải tạo đất.
Và trong những năm 2000 – 2001 tại Yên Bái trồng cây quế với mật độ ban đầu là 3300 cây/ha.
– Chi phí cho 4 năm đầu là 7 – 8 triệu đồng/ha
– Lợi nhuận bình quân : 20 – 22 triệu đồng/ha
Xác định hiệu quả trồng Quế tại Na Mèo, Thanh Hóa cho thấy: Sau 15 năm lợi nhuận thu được từ 1 ha quế là > 21 triệu đồng. Như vậy trồng Quế ở các địa phương đều mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định.
Đặc điểm thực vật học của cây quế
Cây thân gỗ, cao 20 – 25m, có nhiều cành non hình 4 cạnh. Trên mặt cành xuất hiện nhiều lông ngắn và thưa. Lá mọc đối, dài cứng, hình trái xoan. Hay có hình thuôn dài, nhẵn bóng, về phía cuống hơi thon, tù ở đầu. Phiến lá dài 11 – 20cm, rộng 4 – 6cm. Có 3 – 5 gân lá rõ rệt nổi rõ cả ở mặt trên và mặt dưới lá. Cuống lá nhẵn, dài khoảng 2cm. Mặt trên có lông măng. Hoa màu trắng vàng nhạt, mọc thành chùy ở kẽ lá hay đầu cành, dài 10 – 12cm. Cuống hoa chính và cuống phụ nhiều lông.
Quả mọng hình trứng thuôn dài 8mm, phía cuống có đài tồn tại. Vỏ quả thì mẫm, hơi dày, chứa 1 hạt. Đặc biệt bộ rễ quế phát triển rất mạnh, rễ cọc cắm sâu vào lòng đất. Rễ bàng lan rộng, đan chéo nhau vì vậy quế có khả năng sống sót tốt trên vùng đồi dốc .
Phân bố, thu hái và chế biến
Tại nước ngoài, quế quan chủ yếu mọc ở Sri Lanka ( phiên âm tiếng Việt là Xri-lan-ca ). Đặc biệt quế Sri Lanka từng nổi tiếng trên thị trường Châu Âu và sau này là thị trường Đông Nam Á.
Ở nước ta chỉ có ít quế quan, mọc rải rác ở vùng Bái Thượng ( Thanh Hóa ), Cổ Bạ ( Nghệ An ). Tại miền Nam, cây quế này mọc chủ yếu ở dọc đường Nha Trang đi Ninh Hòa, các vùng ẩm ướt ở Côn Đảo, Bà Rịa, Tây Ninh.
Nước ta trồng quế quan bằng hạt, hay bằng cách chiết cành hoặc đào những cây con mọc hoang trong rừng về. Nhưng phương pháp chủ yếu vẫn là gieo hạt. Sau 4 năm là có thể cho thu hoạch. Mùa thu hoạch thương được chọn là sau vụ mưa vì khi ấy vỏ cây quế dễ bong hơn. Lá và cành cũng được thu hoạch để cắt lấy tinh dầu.
Đặc biệt tại Sri Lanka khi vỏ quế được thu hoạch xong sẽ được cạo hết lớp biểu bì cho tới sát lớp cương mô gần vùng libe. Sau đó phơi khô rồi đem bán.
Thành phần hóa học
– Vỏ quế: Trong vỏ quế Sri Lanka cũng có những chất như tinh bột, chất nhầy, tanin, chất màu, nhựa, canxi. Nhưng thành phần chủ yếu vẫn là tinh dầu 0,5 – 2%. Tinh dầu có màu vàng nhạt lúc đầu, nhưng dần dần sẫm nâu lại do hiện tượng oxy bởi không khí, nặng hơn nước. Thành phần chủ yếu trong tinh dầu là 65 – 75% andehyt xinamic, 4 – 12% các loại phenol trong đó chủ yếu là eugenol, kèm theo ít safrol, furfurol …Ngoài ra trong vỏ quế còn có một loại tinh dầu nhẹ hơn nước thường thu được khi mới cất.
– Lá quế: khi tỉa cây quế thường người ta sẽ thu hoạch lá quế để cất tinh dầu, tinh dầu lá quế màu nâu, phản ứng axit, mùi đinh hương, chứa có khi tới 84% eugenola. Chất này thường được dùng để tổng hợp vanilin ( phụ gia tạo mùi thơm cho thực phẩm ). Tinh dầu lá quế tan trong 2,5 – 2,8 thể tích cồn 70o
– Vỏ rễ quế: Trong vỏ rễ quế cũng có tinh dầu, nhưng tinh dầu này lại chứa chủ yếu chất long não ( băng phiến ), một ít euhenol và safrola, và rất rất ít andehyt xinamic.
– Hạt của cây quế chứa tới 33% chất béo. Thường người ta sử dụng chất béo này để chế nến thắp.
Cây quế có tác dụng gì ?
1. Trong y học
– Theo nghiên cứu của hội hóa học Hoa Kỳ “Mùi hương của tinh dầu Quế giúp cải thiện trí tuệ con người” đã chỉ ra. Khi ngửi mùi hương này sẽ giúp nâng cao sức tập trung, khả năng ghi nhớ và xử lý các hình ảnh nhanh và chính xác khi làm việc nhiều giờ với máy tính.
– Có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, cải thiện hô hấp, kích thích tăng bài tiết, tăng cường co bóp tử cung, tăng nhu động ruột.
– Tinh dầu quế còn được dùng để xoa bóp vùng đau bầm tím do chấn thương, hoặc đánh gió khi cảm.
– Tinh dầu quế còn có tác dụng làm ấm toàn thân, khử mùi hôi, trừ được cảm cúm, cảm lạnh, tiêu chảy. Đặc biệt có tác dụng kích dục, giảm buồn phiền, và chống đau cơ.
– Đặc biệt quế được coi là một trong bốn vị thuốc rất có giá trị ( Sâm, Nhung, Quế, Phụ ). Nhục quế có vị ngọt cay, tính nóng, thông huyệt mạch làm mạnh tim, giúp tăng sức nóng, chữa được các chứng trúng hàn, hôn mê mạch chạy chậm, nhỏ, yếu (trụy mạch, huyết áp hạ) và dịch tả nguy cấp.
– Tinh dầu quế theo tìm hiểu còn có tính sát trùng mạnh làm ức chế nhiều loại vi khuẩn đường ruột có hại đặc biệt là vi khuẩn tả. Ở các nước Châu Âu quế được sử dụng là thuốc chữa các bệnh đau bụng tiêu chảy, sốt rét, ho và một số bệnh khác.
2. Trong công nghiệp, thực phẩm
– Làm gia vị: vì quế có vị thơm, cay và ngọt nên có thể khử bớt được mùi tanh, gây của cá, thịt, giúp các món ăn hấp dẫn hơn, kích thích được tiêu hoá.
– Sản xuất các loại bánh kẹo, rượu: đừng bảo bạn lại không biết đến bánh quế, kẹo quế nhé. Đặc biệt rượu quế được sản xuất và bán rất rộng rãi.
– Bột quế còn được nghiên cứu thử nghiệm trong thức ăn chăn nuôi gia súc để làm tăng chất lượng thịt các loại gia súc, gia cầm.
– Bột quế còn có thể được trộn với các vật liệu phụ khác để làm hương khi đốt lên sẽ có mùi thơm. Loại hương này được sử dụng nhiều trong các dịp lễ hội, đền chùa, thờ cúng trong nhiều nước châu Á nhất là ở các nước có đạo phật, đạo Khổng Tử, và đạo Hồi.
– Gần đây nhiều địa phương còn biết sử dụng gỗ quế, vỏ quế để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tay nhưng rất có giá trị như bộ khay, ấm, chén bằng vỏ quế, đĩa quế, đế lót dầy có quế.
– Một số dân tộc Châu Á thì dùng quả chín và nụ hoa quế lấy hương thơm làm bánh và ướp chè hay thay cho nước hoa.
3. Trong phong thủy
Theo quan niệm của người xưa truyền lại, đỗ đạt cao trong các kì thi thường sẽ được gọi là “nguyệt cung chiết quế” với ý nghĩa giỏi giang, có vinh quang cực độ.
Cũng theo đó, ngày trước những nhà có con cháu đạt nhiều công danh lớn, tiếng tăm thường được gọi là “lan quế tề phương”, nghĩa là lan quế cùng nhau tỏa hương thơm. Tương truyền, Đậu Vũ Quân người Yên Sơn thời Ngũ Đại sinh được năm người con trai, tất cả lần lượt đều đỗ đạt cao, trở thành tú tài. Đại thần Phùng Đạo cùng thời lúc đó đã ngâm một bài thơ đế ca ngợi: “Yên Sơn Đậu thập lang, giáo tử hữu nghĩa phương. Linh xuân nhất chi lão, đan quế ngũ chi phương”, tức là Đậu thập lang ở Yên Sơn dạy con có phương pháp, một cành linh xuân già, năm nhánh đan quế tỏa hương thơm.
Hơn nữa, quế và quý lại đồng âm với nhau, do đó quế cũng mang ý nghĩa như vật cát tường, tượng trưng cho sự phú quý. Trong đời sống hàng ngày, hoa quế, hạt quế thường có ngụ ý “quý tử”, giống như bức tranh “phúc tăng quý tử”, “liên sinh quý tử” cũng có hình vẽ con dơi và hoa quế, hoa sen và hoa quế. Vào ngày sinh nhật của các em nhỏ hoặc những ngày cưới, thường dùng hạt quế với ý nghĩa chúc sớm sinh quý tử.
Kỹ thuật gieo trồng cây quế bằng hạt
Có thể áp dụng trồng quế bằng phương pháp chiết cành, song kinh nghiệm cho thấy cây chiết sẽ cho vỏ rất mỏng, hàm lượng tinh dầu thấp, do vậy lựa chọn các nhân giống từ hạt vẫn được áp dụng phổ biến hơn cả.
1. Thu hái hạt giống cây quế
Hạt giống quế hiện nay vẫn được thu hái rải rác trong rừng tự nhiên hoặc rừng trồng. Do vậy, cây lấy giống nên được đánh dấu, chăm sóc để lấy được hạt giống trong nhiều năm. Nhưng nếu không ở gần nguồn cung cấp hạt quế tự nhiên thì bạn vẫn có thể mua loại hạt này ở các shop chuyên về hạt giống trên thị trường.
Tuổi cây giống sẽ từ 15 năm trở lên, sinh trưởng tốt, không bị bóc vỏ hoặc chặt nham nhở cành lá, không bị sâu bệnh tấn công.
Hạt chuẩn bị xong sẽ được đem đi rửa sạch lớp vỏ thịt ở ngoài, sau đó hong cho hạt ráo, tốt nhất sau khi xử lý hạt thì đem gieo ngay. Trường hợp muốn cất trữ thì phải đem phơi khô nhưng tránh trời nắng to, rồi trộn với cát hơi ẩm theo tỷ lệ 1 hạt/2 cát, lưu ý chỉ có thể để được 1 tháng. Trong thời gian bảo quản hạt phải đảo hạt 2 ngày lần. 1 kg sẽ có từ 2000 – 2500 hạt.
2. Chuẩn bị đất gieo ươm
Đất gieo ươm cần chọn nơi đất xốp pha cát, tránh khu đất phù sa. Tiến hành lên luống dài 10m rộng 1m, cao 15 – 20 cm. Hướng luống Đông Tây để phát huy hết tác dụng của dàn che, bón lót 3-4kg/m2 phân chuồng hoai, rải đều trực tiếp lên trên luống.
3. Gieo chăm sóc
– Xử lý hạt: Hạt trước khi đem gieo cần được rửa sạch. Sau đó ngâm vào dung dịch Boóc-đô trong 3-5 phút. Cuối cùng vớt ra để ráo nước rồi đem gieo.
– Gieo theo rạch: Rạch nọ cách rạch kia khoảng 20cm (nếu không cấy) hoặc cách 10cm (nếu qua cấy). Trên rạch, tiến hành gieo mỗi hạt cách nhau 3 – 4cm. Lấp đất sâu khoảng 12 – 15mm, sau đó phủ mặt luống bằng rơm rạ đã khử trùng bằng nước vôi. Nên nhớ 1kg hạt gieo được từ 10 – 12m2 (qua cấy), hoặc 20 – 24m2 (không qua cấy).
– Chăm sóc: Liên tục giữ ẩm cho đất, đặc biệt là những ngày đầu, mục đích để tạo điều kiện thuận lợi cho hạt nảy mầm. Sau khoảng 15 ngày hạt đã nẩy mầm và chậm nhất là sau 45 ngày thì mọc hết. Rỡ bỏ hết rơm rạ, sau đó làm giàn che cao khoảng 60cm, độ che phủ 0,6 – 0,7.
Khi cây được 2, 3 lá thật thì xới đất và làm cỏ. Khi này cây còn non chưa nên phá váng vội, các lần sau đó làm cỏ kết hợp phá váng, song phải thận trọng để không làm đổ cây.
Bón thúc cho cây 1 – 2 lần. Nếu cây còi cọc có thể bón thêm phân đạm sunfat, nồng độ 0,3% với liều lượng 1lít/m2.
Theo dõi sâu bệnh, vẫn dùng Boóc-đô 1% liều lượng 1 lít/4m2 để phun phòng trừ. Khi cây bị bệnh tốt nhất nên nhổ đem đốt.
4. Trồng cây quế giống
Mùa thu năm đó, sau 4 – 5 tháng cây gieo đã cao được 10 – 12cm có thể tiến hành tỉa đem cấy, nếu không cấy cũng cần tỉa bớt để giữ cự ly thích hợp (20 x 20cm hoặc 20 x 25cm), chăm sóc tiếp đợi mùa đem trồng.
Quế được trồng chủ yếu vào vụ xuân. Có thể trồng vào mùa thu trong những đợt mưa liên tiếp vài ngày. Đất trồng phải đủ ẩm. Kích thước hố trồng 40 x 40 x 40 cm.
Cây đem trồng tuổi phải đạt từ 1 – 1,5 năm. Lúc này cây đã cao được 50 – 70 cm, đường kính cổ rễ 4 -5 mm, cây khoẻ chưa ra đọt non.
5. Chăm sóc, bảo vệ cây quế
Công việc chính vẫn là diệt cỏ quanh hố đường kính 1m, dây leo, cây bụi xâm lấn, giữ đất luôn ẩm, chống xói mòn, nhất là sau khi trồng. Kết hợp chăm sóc thêm cây nông nghiệp để chăm sóc quế. Nếu thấy trời nắng hanh phải tưới nhiều hơn cho cây. Việc chăm sóc được kéo dài cho đến khi rừng quế khép tán (sau 4 – 5 năm). Khi quế được 3 – 4 tuổi, có nhiều cây đâm cành, vì vậy vào mùa đông hoặc đầu xuân cần tỉa bớt những cành thấp, để cây cao thẳng sau này sẽ bóc được nhiều vỏ. Công việc này cần thận trọng tránh sây sát vỏ cây.
Vậy mua cây quế ở đâu uy tín chất lượng ?
Địa chỉ: Ngách 68/45, ngõ 68, đường Nguyễn Văn Linh, Long Biên. Đối diện với Tổng công ty may 10, Hà Nội.
- Quý khách xin vui lòng liên hệ với Cây cảnh Hải Đăng để được các chuyên viên của chúng tôi tư vấn lựa chọn sản phẩm cây quế phù hợp.
- Chúng tôi sẽ chụp ảnh sản phẩm cho quý khách nếu có yêu cầu.
- Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ hàng hóa đảm bảo chất lượng và đúng quy cách trước khi giao.
- Quý khách ở xa vui lòng tiến hành chuyển khoản trước. Nếu quý khách ở nội thành có thể áp dụng ship nhanh với chi phí 40k một lần ship
Bài viết về cây quế đến đây là kết thúc. Hẹn gặp lại các bạn ở các sản phẩm mới kì tới !