Sưa đỏ hay còn gọi trắc thối, huế mộc ( danh pháp khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain ), là một loài cây thân gỗ thuộc họ Đậu ( Fabaceae ) được Prain mô tả khoa học lần đầu tiên vào năm 1901. Loài này từng có thời gian được xếp làm thứ của loài Dalbergia rimosa Roxb. ( trắc dây ). Dưới đây là hình ảnh cây sưa đỏ cho bạn đọc tham khảo.
Đặc điểm cây
Cây gỗ nhỡ, cơ chế rụng lá theo mùa, đạt chiều cao từ 6 – 12 mét ( hoặc cũng có thể cao tới 15 mét ), sinh trưởng trung bình. Thân cây dạng hợp trục, có dáng phân tán. Vỏ thân cây màu vàng nâu hay xám, nứt dọc. Cành non màu xanh, có xuất hiện lông mịn thưa. Lá sưa đỏ mọc cách, cấu tạo lá dạng kép lông chim lẻ, với mỗi là kép có từ 9 – 17 lá chét đính so le trên cuống chính. Lá chét hình dáng xoan thuôn, đầu nhọn hoặc có mũi nhọn, đuôi tròn, mặt dưới phiến lá thường thường có màu tái trắng. Kích thước của lá chét dài từ 6 – 9 cm, rộng từ 3 – 5 cm, đặc biệt lá chét đính ở đầu cuống kép thường có kích thước lớn hơn so với các lá còn lại. Cuống chính và các cuống lá chét không lông, phiến lá chét không lông. Có lá kèm nhỏ không lông, nhưng sớm rụng.
Hoa mọc ra từ nách lá, thường sẽ xuất hiện trước khi lá mọc đầy đủ. Hoa tự tán gồm nhiều bông nhỏ màu trắng, có kích thước 7 – 9 mm, mùi thơm nhẹ. Mùa hoa vào tháng 2 – tháng 3. Quả dạng đậu hình trứng thuôn dài, dài từ 5 – 7,5 cm; rộng khoảng 2 – 2,5 cm. Quả chứa từ 1 – 2 hạt, mỗi hạt có đường kính khoảng 8 – 9 mm, hình thận dẹp. Quả khi chín sẽ không tự nứt.
Đặc điểm sinh thái
D. tonkinensis là cây ưa sáng, ưa đất sâu, dày, độ ẩm cao. Phân bố ở độ cao tuyệt đối dưới 500 mét. Trong tự nhiên thường được tìm thấy trong rừng mưa nhiệt đới và rừng mưa nhiệt đới gió mùa. Chủ yếu phân bố ở Việt Nam và được tìm thấy rải rác tại đảo Hải Nam, Trung Quốc ( tại đây nó được gọi với cái tên là Hoàng Hoa Lê Hải Nam, huê mộc vàng, tử đàn Việt Nam ).
Sưa đỏ có tán thưa, hoa trắng và thơm, có thể được ứng dụng trồng làm cảnh quan đường phố.
Giá trị sử dụng của gỗ sưa
1. Gỗ sưa – “báu vật” của vua chúa
Gỗ sưa cho mùi thơm quyến rũ thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu nên còn được gọi là Trắc thối. Phần gỗ lõi của sưa cho giá trị kinh tế cao hơn phần gỗ giác. Gỗ sưa thớ mịn, vân thớ gỗ đẹp.
Trong các cuốn sách cổ “Bách vật yếu lãm” và “Bản mục thập di” đã viết rõ ràng như sau: gỗ sưa của người Giao Chỉ, gọi là hoàng hoa lê, là loại gỗ tốt nhất. Gỗ đỏ mà tinh tế, sắc đỏ tím, hương dịu nhẹ, vân gỗ trông như mặt quỷ. Thời phong kiến vua chúa dùng gỗ trắc thối để tạo tác ngai vàng, đồ nội thất cao cấp trong cung đình.
Thực tế từ xa xưa người Trung Quốc đã quan tâm đến gỗ sưa của Việt Nam. Những món đồ đóng bằng gỗ sưa ở Việt Nam đã được vua chúa thời Tần, và thời Hán sử dụng. Đến thời Đường, thì loại gỗ này được đặc biệt ưa chuộng và trở nên cực thịnh, làm đủ các loại giường, tủ, bàn ghế. Nên nhớ Đại quan thời kỳ này chỉ dám đóng bàn thờ, tầm cỡ Giáo Đầu Lâm Xung sai khiến 80 vạn cấm binh chỉ dám làm tràng hạt mà thôi. Và vì làm tràng hạt, nên mẩu nhỏ cũng tận dụng. Chỉ vua chúa ( Đế và Vương ) mới được phép làm tủ giường. Trong một thời gian dài người Trung Quốc đã coi gỗ Sưa là một trong bốn loại gỗ quý, bao gồm Tử Đàn, Hoàng Hoa Lê, Kê Sí và Thiết Lực. Thời đó, ngoài vàng bạc châu báu ra thì các chư hầu phong kiến tại vùng đất Giao Chỉ thường cống nạp cho triều đình gỗ hoàng hoa lê. Ngoài ra, Chiêm Thành, Chân Lạp cũng thường cống nạp cho triều Đường loại gỗ này.
Như vậy, gỗ sưa ở Trung Quốc thường được vua chúa, quan lại ngày xưa rất ưa chuộng. Và chỉ những người có công lao lớn, được phong tước, mới được thưởng thức đồ làm từ loại gỗ này. Do đó, trong tâm thức người Trung Quốc, sản phẩm từ gỗ này sẽ giúp nâng cao vị thế cho chủ nhân.
Ngày nay, kinh tế phát triển, những người giàu Trung Quốc có điều kiện đã ráo riết săn lùng các sản phẩm gỗ sưa đỏ Hải Nam. Tuy nhiên, để có được một cây sưa chất lượng, phải mất hàng trăm năm, mà nguồn gỗ sưa Hải Nam đã cạn kiệt, nên thương lái Trung Quốc chuyển sang tìm kiếm gỗ sưa ở Việt Nam. Đây là nguyên nhân chính tạo nên cơn sốt gỗ sưa ở Việt Nam kéo dài nhiều năm nay, đặc biệt là từ những năm 2000 trở lại đây.
2. Thuốc chữa bách bệnh
Được biết tinh dầu gỗ sưa rất thơm, rất tốt cho sức khỏe, đốt lên có mùi thơm ngan ngát hương trầm vô cùng dễ chịu ( đã nhắc ở trên ), ngửi một lần chưa đủ cứ muốn được ngửi thêm. Theo GS.TS Đỗ Tất Lợi thì gỗ cây này còn được sử dụng cùng với dạ dày nhím làm vị chính trong đơn thuốc chữa bệnh đau dạ dày.
⇒ Trong cuốn Trung dược đại từ điển viết rằng: “gỗ sưa có tác dụng cầm máu, giảm đau, chống cao huyết áp, bệnh đường ruột”. Còn trong cuốn Bản thảo cương mục có liệt kê tác dụng của gỗ sưa như sau: ‘nhuận khí, không độc, có thể cầm máu, chữa bệnh tim’.
⇒ Từ Hải ( cuốn từ điển lớn nhất Trung Quốc ) ghi: “gỗ sưa có tác dụng hoạt huyết, giúp giảm đau”. Hơn nữa một bài báo có tiêu đề “Tại sao cây Hoàng Hoa Lê Hải Nam đắt hơn vàng ?”, đăng trên Hualimu.net vào ngày 23 tháng 6 năm 2011 giải thích rằng gỗ Sưa rất đắt vì người Trung Quốc nghĩ rằng nó có khả năng làm thuốc rất tốt. Họ nói rằng khi gỗ sưa được sử dụng để làm gối, dược chất dường như được tiêm trực tiếp vào cơ thể.
Tuy nhiên, các sách này cũng nói rằng, gỗ sưa chỉ dùng phối hợp với các loại dược liệu khác mới có tác dụng, nhưng lại không thấy sách nào mô tả cách chế biến hoặc chứng minh lợi ích thảo dược của các chất trong gỗ Sưa đã được tìm thấy.
Những người buôn bán gỗ sưa bên Trung Quốc thường đặc biệt nhấn mạnh rằng, gỗ sưa có nhiều tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là những bệnh nan y, thậm chí trị được “bệnh âm” khi sử dụng đồ dùng chế tác từ gỗ sưa, nhằm nâng cao tính thần bí và giá trị của nó. Họ cho rằng, gỗ sưa còn quý hơn vàng, bởi vàng có thể mua lúc nào cũng được, còn gỗ sưa thì có tiền chưa chắc đã mua được khiến giá của gỗ sưa được thổi lên cao chót vót.
⇒ Tuy nhiên theo lương y Đỗ Sơn Hà, trong các bài thuốc Đông y mà ông tìm hiểu được, chưa có bài thuốc nào nói chi tiết, cụ thể về công dụng được cho là thần kỳ của gỗ sưa.
⇒ TS. dược học Phan Quốc Kinh – nguyên là Chủ nhiệm bộ môn Hóa dược, trường ĐH Dược Hà Nội cũng chia sẻ với PV rằng, chưa có tài liệu nào minh chứng cho việc gỗ sưa đỏ có thể bài chế chữa được bệnh.
⇒ Và cũng theo bác sĩ Đoàn Văn Thu – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam khi được phỏng vấn năm 2012 bởi phóng viên của báo Tuổi Trẻ, ông nói rằng tất cả các chuyên gia Việt Nam và Trung Quốc chưa tìm ra được lý do tại sao gỗ Sưa lại đắt như vậy, và cũng chưa phát hiện ra giá trị của các loại thảo mộc trong loại gỗ này.
⇒ Là một trong những chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về gỗ sưa, PGS.TS. Lê Xuân Phương – Viện trưởng viện Công nghiệp gỗ Đại học Lâm nghiệp thì lại cho biết, những nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra trong gỗ sưa có chứa chất có thể tiết chế thành thuốc.
Cụ thể, theo PGS.TS. Lê Xuân Phương: “Trong phần gỗ lõi gỗ sưa có hoạt chất Daltonkin A, Daltonkin B, là các Mono- và Dicarboxyethyl Flavanones. Ngoài ra còn có Pinocembrin, Naringenin và Neoflavonoid, 30 – hydroxy -2,4,5 – trimethoxydalbergiquinol. Các hợp chất này có tác dụng kháng vi sinh vật (nấm, vi khuẩn) ở mức độ nhất định. Ngoài ra, hoạt tính ức chế Enzyme α – glucosidase giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường cũng được tìm thấy trong thành phần hóa học của gỗ lõi gỗ sưa. “
“Kết quả nghiên cứu này đã mở ra những tác dụng nhất định của gỗ sưa trong điều trị y học và cần được tiếp tục nghiên cứu” – ông Phương cho hay.
Như vậy, hiện nay vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau liên quan tới việc gỗ sưa có tác dụng chữa bệnh hay không ?. Nhưng có một thực tế là gỗ sưa ngày càng hiếm, quý và vẫn đang được người Trung Quốc săn lùng tại Việt Nam với giá rất cao.
3. Gỗ Sưa được dùng để ướp xác, trừ tà ?
Hiện nay, có nhiều người đồn đoán rằng gỗ Sưa đỏ là một loại hương liệu được người Trung Quốc cổ đại sử dụng để “ướp xác” các nhà quý tộc và chế tạo bùa chú để trừ tà. Tuy nhiên, lại không có thông tin xác nhận về bất kỳ xác ướp gỗ sưa nào được tìm thấy.
Riêng ở Việt Nam, loại gỗ được sử dụng để đựng xác trong các ngôi mộ cổ được khai quật cho đến nay đã được xác định là của loài Cupressus funebris Endl. ( hoàng đan rủ, ngọc am hoặc san mộc ) chứ không phải gỗ sưa đỏ.
4. Gỗ sưa đỏ có độ bền tốt nhất
Gỗ sưa rất cứng, và rất dai, chịu mưa nắng rất tốt và rất bền. Đồ đóng bằng gỗ sưa có thể tồn tại qua nhiều trăm năm, thậm chí có những chiếc giường long sàng gỗ sưa cách đây 7 – 8 trăm năm vẫn đang được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Cho nên không tránh khỏi việc nhiều người vẫn tin rằng gỗ Sưa đỏ là đỉnh của đỉnh của các loại gỗ quý, vượt qua Lim ( gỗ lim ), Gu ( gỗ gụ ), gỗ Táu và gỗ Sến. Mặc dù ngâm trong nước nhiều năm nhưng nó vẫn chưa thấy thấm nước và mục nát.
Nhưng theo nghiên cứu của các nhà khoa học của Việt Nam, gỗ Sưa chỉ được xếp vào nhóm 2, khả năng chịu lực của nó không mạnh bằng nhóm 1, tức Lim ( gỗ lim ) và Gu ( gỗ gụ ). Thạc sĩ Đỗ Văn Ban, Trưởng phòng Tài nguyên thực vật, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ) trên Vtc.vn ngày 15 tháng 5 năm 2012 cho biết, mặc dù gỗ Sưa đỏ là một trong những loại gỗ đẹp nhưng kém hơn gỗ Trắc. Người ta coi đó là gỗ thơm nhưng lại không được ưa chuộng như gỗ Giáng Hương.
Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sưa đỏ
1. Tiêu chuẩn cây con
– Cây con đem trồng phải từ 6 – 12 tháng tuổi trở nên.
– Chú ý đường kính cổ rễ phải từ 4 – 5 mm, cao từ 25 – 50 cm là tốt nhất.
– Cây khỏe mạnh, sạch sâu bệnh, …
– Khi mua về chưa thể trồng ngay, cần phải tưới ẩm bầu hàng ngày và để nơi có sáng.
2. Thời vụ trồng cây sưa đỏ
– Khu vực miền Bắc: Trồng khoảng từ tháng 2 – tháng 4.
– Khu vực Bắc Trung Bộ: Từ tháng 9 – tháng 11.
– Khu vực Duyên hải Miền Trung: Từ tháng 11 – tháng 1.
– Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ: Tiến hành trồng từ tháng 6 – tháng 9.
3. Kỹ thuật làm đất
– Làm đất: Trồng rải rác hay tập trung đều phải có bước đào hố. Theo kinh nghiệm trồng thì kích thước hố tối thiểu là 50 x 50 x 50 cm.
– Bón phân: Bón lót cho mỗi hố từ 1 – 3kg phân chuồng hoai mục, phân chuồng ủ vi sinh là tốt nhất.
4. Mật độ trồng
– Trồng tập trung:
+ Cây cách cây 3 mét và hàng cách hàng 3 mét, 1 ha trồng được ~ 1.100 cây. Hoặc cây cách cây 2 mét, hàng cách hàng 3 mét, 1ha trồng ~ 1.660 cây.
⇒ Khoảng cách trên đây chỉ mang tính tương đối, mật độ có thể tùy theo cách sử dụng đất để bố trí lại cho phù hợp.
– Trồng hàng rào hoặc trồng rải rác, trồng làm cảnh thì cây cách cây 1.5 – 2 mét.
– Có thể trồng xen với các loại cây khác, ví dụ như trồng làm cây che mát cafe, trồng làm trụ tiêu, hoặc trồng cây dược liệu, cây ngắn ngày, …
+ Cây sưa phát triển tốt dưới tán vải, keo, bạch đàn, … nên không cần chặt bỏ cây trồng hiện tại, có thể trồng cây sưa hỗn giao với keo tai tượng, cây dược liệu, …
+ Cây Sưa ít tán nên không cạnh tranh ánh sáng với cây trồng.
5. Kỹ thuật trồng sưa đỏ
⇒ Khi trồng nhẹ nhàng dùng tay xé bỏ bao nilon bầu đất, tránh mạnh tay làm vỡ bầu đất, sau đó đặt xuống hố đã đào sẵn.
⇒ Khi trồng đảm bảo mặt bầu dưới mặt đất 5 – 10 cm.
⇒ Tưới nước ẩm cho hố đất đó để cây có thể bén rễ tốt.
6. Chăm sóc
– Sau khi trồng và tưới ẩm đều trong 30 ngày cho cây bén rễ hồi xanh. Nếu trồng rừng tập trung nên trồng vào đầu mùa mưa sẽ giúp tiết kiệm chi phí nhân công tưới nước. Nếu trồng ít trong vườn nhà hoặc trồng ở nơi có thể chủ động được nước tưới ta có thể trồng quanh năm, không cần theo mùa vụ.
– Tưới nước đều và thật ẩm trong 1 – 2 tháng đầu. Sau đó thì giảm lượng tưới nước, nhưng nếu gặp thời tiết khắc nghiệt, ví dụ như khô hạn cần phải kịp thời bổ xung tránh để cây bị hư hại, giảm sức sống.
– Sau khi trồng 1 tháng, cây phát triển bình thường có thể bón các loại phân hóa học để kích thích sự phát triển của cây. Lưu ý chỉ nên bón 1 lượng rất nhỏ ( khoảng 1 thìa cà phê ) cách gốc từ 5 cm.
– Trong 3 năm đầu, mỗi năm định kỳ làm cỏ 2 – 3 lần. Bón mỗi cây 0,1 – 0,2 kg NPK 12:5:10. Những năm sau làm cỏ 1 – 2 lần/năm. Bón mỗi cây tăng 0,1 – 0,2 kg NPK/mỗi tuổi.
– Nên tỉa cành vào cuối mùa khô hàng năm để tạo cho thân cây thẳng. Sau khi trồng từ 2 – 3 năm tỉa bỏ cành la, cành võng. Sau trồng 5 – 6 năm tỉa bỏ cành giao nhau.
Địa chỉ bán cây giống sưa đỏ tại Hà Nội uy tín ?
- Quý khách xin vui lòng liên hệ với Cây cảnh Hải Đăng để được các chuyên viên của chúng tôi tư vấn lựa chọn sản phẩm cây giống sưa đỏ phù hợp.
- Chúng tôi sẽ chụp ảnh sản phẩm cho quý khách nếu có yêu cầu.
- Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ hàng hóa đảm bảo chất lượng và đúng quy cách trước khi giao.
- Quý khách ở xa vui lòng tiến hành chuyển khoản trước. Nếu quý khách ở nội thành có thể áp dụng ship nhanh với chi phí 40k một lần ship.
Tài liệu tham khảo
+ Flora of China @ efloras.org “Dalbergia tonkinensis”.
+ wikipedia tiếng việt
+ The IUCN Red List of Threatened Species 1998 (1998). “Dalbergia tonkinensis”.
+ Cách nhận biết gỗ sưa – mynghehaiminh.vn
+ Lịch sử hình thành của cây gỗ sưa đỏ – cungcapgo.com
+ http://gust.edu.vn/media/26/uftai-ve-tai-day26813.pdf
Tìm kiếm liên quan
- Giá cây sưa đỏ 10 tuổi
- Có nên trồng cây sưa đỏ
- Cách nhận biết cây sưa đỏ
- Giá cây sưa đỏ 5 năm tuổi
- Hình ảnh cây sưa đỏ
- Giá trị cây sưa đỏ
- Trồng cây sưa đỏ
- Bán cây sưa đỏ 4 năm tuổi
Sản phẩm liên quan: Cây hoa đại