Cây lê vàng ( hay cây Lê quả vàng ) là cây ăn quả lâu năm, đặc sản thuộc vùng ôn đới được nhập ngoại về Việt Nam. Ở nước ta cây lê được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung nhất là ở những nơi có độ cao 800 – 1500m so với mực nước biển.
Vậy điều gì khiến lê vàng trở thành đặc sản ?. Vâng, cái hay của lê chính là những trái đầu lòng tròn, to, ăn rất giòn và ngọt sắc hiếm có nên nghiền từ lúc nào không biết. Vỏ quả khi chín cho màu vàng sẫm rất bắt mắt. Cùng trọng lượng trung bình từ 3 – 4 quả/kg, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nên nghiễm nhiên là giống chủ lực của miền bắc rồi.
Đặc điểm thực vật
Nhìn chung Lê phần lớn thuộc dạng cây thân gỗ ( có trường hợp thân bụi ) có chiều cao trung bình khoảng 6 mét, bộ tán cao và hẹp. Lá thường xanh mọc so le, lá đơn, dài từ 2 – 12 cm, màu xanh lục bóng. Lá hình elip, mép lá có răng cưa nhỏ.
Hoa lê có màu trắng hơi ngả vàng, đường kính vào khoảng 2 – 4 cm, tràng 5, đài 5 cùng nhiều nhị. Giống như các loài táo tây có quan hệ họ hàng gần, quả lê là dạng quả táo. Hình dạng quả thay đổi từ hình cầu cho tới dạng hình lê thuôn một đầu và phình to ra ở phần thân. Trên bề mặt nổi những chấm đen khá đẹp.
Quả ( theo nghĩa ‘ẩm thực ‘) của lê là dạng quả táo, thực chất là một loại quả giả, là kết quả của sự phình to nơi đế hoa ( hay ống đài ). Nằm bên trong lớp cùi thịt của “quả” mới là quả thật sự, được hình thành từ 5 lá noãn dạng sụn, và thường chúng ta hay gọi phần này là “lõi”.
Lê tương tự như táo tây trong gieo trồng, nhân giống và thụ phấn. Lê và táo tây cũng có quan hệ họ hàng gần với mộc qua Kavkaz.
Giá trị dinh dưỡng của cây lê vàng
Theo nhiều nghiên cứu thì trong quả lê có chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Cụ thể quả lê chứa đến 84% nước và 15,2% carbonhydrat, trong đó chất xơ chiếm 20% hàm lượng carb.
1. Carb
Được biết là nguồn bổ sung calo chủ yếu của quả lê. Trung bình một quả lê ( khoảng 178 gam ) chứa 27 gam carb, cung cấp khoảng 95% tổng hàm lượng calo. Mặc dù chứa nhiều carb là vậy, nhưng chỉ số đường huyết của lê rất thấp, chỉ từ 33 – 42, nên không có tác dụng làm tăng lượng đường trong máu. Do đó lê rất phù hợp với những người bị bệnh tiểu đường, đặc biệt là khi thay thế cho phần lớn những thực phẩm giàu carb khác.
2. Chất xơ
gồm cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Trung bình một quả lê chứa 5,5 gam chất xơ, tức chiếm 14 – 22% nhu cầu chất xơ được khuyến nghị hàng ngày đối với cả nam và nữ giới. Trong đó thì một nửa hàm lượng chất xơ tập trung ở vỏ lê.
3. Các vitamin và khoáng chất điển hình
♣ Vitamin C: là một chất chống oxy hóa quan trọng với chức năng tăng cường hệ miễn dịch và sức khỏe của làn da.
♣ Vitamin K: Thiếu vitamin K sẽ dẫn đến tình trạng máu khó đông, loãng xương và có nguy cơ mắc bệnh tim.
♣ Kali: một khoáng chất cần thiết để ổn định huyết áp và duy trì sức khỏe tim mạch. Mặt khác, kali cũng giúp ích cho cơ thể khi kích thích sản xuất ra protein từ các amino acid và biến đổi glucose thành glucogen ( polysaccharide dự trữ chính của cơ thể ) – một nguồn năng lượng chủ yếu cho mọi hoạt động của cơ thể.
♣ Đồng: là một khoáng chất không thể thiếu cho mạch máu, hệ thần kinh, hệ miễn dịch và xương. Một quả lê cỡ lớn cung cấp 1/5 nhu cầu đồng hàng ngày.
Kỹ thuật trồng cây lê vàng đúng cách sẽ cho năng suất cao nhất
1. Điều kiện trồng
Tiêu chuẩn chọn giống: Cần tiến hành chọn những cây khỏe mạnh không sâu bệnh, có thể trồng những cây ghép có bầu hoặc cây gốc ghép rễ trần. Chú ý loại bỏ hết các mầm mọc ở phía dưới mắt ghép vì đó là những mầm của cây dại.
Mật độ trồng: 400 cây/ha, hàng cách hàng 5m. Cây cách cây tối thiểu 6m để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với nhau.
Thời vụ trồng thích hợp: nên tiến hành vào mùa xuân khi tiết trời còn ẩm ướt và có mưa phùn. Đây là thời điểm thuận lợi cho việc cây phát triển đâm chồi và nảy lộc
Đất trồng: thích hợp nhất và cho năng suất cao nhất là khi trồng lê vàng trên đất màu mỡ có độ ẩm, cùng chế độ thoát nước tốt. Đất trồng cây lê cũng cần phải được làm sạch cỏ dại, cày ải và lên luống trước khi trồng. Hố trồng cần đào có kích thước khoảng 50 x 50 x 50cm và trước khi trồng lưu ý phải bón lót cho đất lượng phân chuồng hoai mục vừa đủ đồng thời rắc vôi bột quanh hố trước 25 – 30 ngày để khử trùng sạch mầm bệnh có trong đất.
2. Kỹ thuật trồng cây lê vàng
Trồng cây ra giữa hố, bới một hốc nhỏ ở giữa hố trồng, đặt cây vào đúng vị trí. Nếu cây trồng trong bầu dùng dao rọc một đường từ trên xuống để lấy túi đựng bầu ra. Sau đó lấp đất giữ chặt cây rồi nén chặt xung quanh. Tiếp tục tưới khoảng 10 – 15 lít nước cho 1 gốc. Cắm cọc cố định cây rồi buộc bằng dây nilon để tránh cây bị lay gốc.
3. Kỹ thuật chăm sóc cây lê vàng
Giữ ẩm cho đất: Dùng cỏ rác khô tủ xung quanh gốc cây để giữ ẩm. Tiến hành cách gốc 15 – 20 cm.
Tưới nước: Cây lê rất cần nước nhất là trong giai đoạn cây mới trồng cây và thời gian khô hạn kéo dài. Sau trồng tuỳ tình hình thời tiết 2 tháng đầu tiến hành tưới từ 1 – 2lần/1 tuần. Đến thời kỳ mang quả, cây cần nước để nuôi quả. Tùy theo thời tiết từng năm để điều chỉnh số lần tưới tuy nhiên cũng cần để ý vấn đề cây bị úng.
Bón phân: Khi cây còn nhỏ ( tức 1 – 5 tuổi) bón bổ sung 30kg phân hữu cơ, 2kg đạm, 2kg lân, 2kg kali/cây/năm. Khi cây lớn đã cho thu hoạch thì cần tăng cường bón 30 – 40kg phân hữu cơ, 4kg đạm, 2 kg lân, 2 kg kali/cây/năm. Lượng phân trên bón chia làm 2 lần. Lần 1 thực hiện vào tháng 2 – 3 nhằm nuôi lộc cành. Còn lần 2 thì bón vào tháng 9 – 10 giúp phục hồi cây sau thu hoạch.
Phòng trừ sâu bệnh: Cây lê rất hay bị sâu cắn lá, cuốn lá, xoăn lá. Phòng trừ bằng cách dùng Dipterec 0,1%, Padan 0,1%, Dimẻcon 0,1% phun lên lá vào lúc trời râm máy. Ngoài ra còn có Sâu đục thân: dùng Dipterec hoặc vôphatốc hoà với vôi quét lên thân cây. Chú ý việc phun thuốc phải chấm dứt trước thời điểm thu hoạch tối thiểu 15 ngày.
4. Thu hái và bảo quản cây lê vàng
Thu hái khi quả bắt đầu chín vỏ quả chuyển màu xanh vàng. Nếu vận chuyển đi xa cần thu hái sớm. Khi thu hái cần thực hiện nhẹ nhàng, không làm dập nát hoặc sây sát quả. Quả thu hái xong cần đặt trực tiếp vào thùng gỗ, hộp cứng để vận chuyển không bị dập nát. Bảo quản quả ở nơi khô ráo và thoáng mát.