Bộ sưu tập









Sửa chính tả và điều chỉnh lại nội dung: 27/3/2025;
Cây dừa cạn là cây gì ?
Cây dừa cạn hay cây hải đằng, dương giác, bông dừa, trường xuân hoa, hoa tứ quý (danh pháp khoa học là Catharanthus roseus (L.) G.Don). Được biết đây là một loài thực vật trong chi Catharanthus thuộc họ La bố ma Apocynaceae. Dừa cạn là cây bản địa và đặc hữu của vùng Madagascar. Các danh pháp đồng nghĩa khác là Vinca rosea L., Ammocallis rosea (L.) Small, Lochnera rosea (L.) Rchb. ex K.Schum.. Ở nước ta, cây được trồng nhiều chủ yếu để làm cảnh. Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ như trong dân gian bộ phận dùng làm thuốc chữa bệnh là lá và phần ngọn của cây, phơi khô sắc uống hoặc chế biến thành dạng trà hoặc giã đắp.
Đặc điểm thực vật
Dừa cạn thuộc dạng cây thân thảo hoặc cây bụi nhỏ thường xanh, có thể cao tới 1m. Thân gỗ ở phía gốc, mềm ở trên, phân cành nhiều. Các lá có dạng hình ôvan hay thuôn dài. Kích thước lá vào khoảng 2,5 – 9 cm dài và 1 – 3,5 cm rộng, xanh bóng, không lông. Với gân lá chính giữa giữa nhạt màu hơn và cuống lá ngắn (dài 1 – 1,8 cm). Lá mọc thành các cặp đối.
Hoa có màu từ trắng tới hồng sẫm với phần tâm sẽ có màu đỏ hơn. Ống tràng dài 2,5 – 3 cm và tràng hoa đường kính 2 – 5 cm chia 5 thùy tương tự như cánh hoa. Quả được biết là một cặp quả đại dài 2 – 4 cm, rộng 3 mm chứa 12 – 20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng. Trên mặt hạt có các hột nổi, thành đường chạy dọc. Mùa hoa quả gần như quanh năm.
Thông tin thêm
1. Cây dừa cạn mọc ở đâu ? cách thu hái và chế biến
Cây dừa cạn thường sẽ là mọc hoang dại, nhưng lại được trồng ở nhiều nước nhiệt đới như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Châu Phi, Châu Úc, Brazil … Tại Châu Âu và Châu Mỹ ở những vùng nóng cũng trồng cây này quanh năm. Nhưng ở những vùng lạnh cây được trồng hàng năm vì không chịu được lạnh.
Ở Việt Nam gặp nhiều nhất ở tại các tỉnh gần biển, lưu ý là khắp nơi vẫn có thể trồng được nha. Về công dụng, dừa cạn trước đây chỉ được trồng làm cảnh, nhưng gần đây đã được trồng để thu hoạch lấy cây, lá và rễ chế thuốc.
2. Thành phần hoá học
Trích trong tài liệu “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kĩ thuật.
Từ dừa cạn, người ta đã chiết được các chất sau đây: Axit pyrocatechic, sắc tố flavonic (glucoside của quercetol và campferol) và anthocyanic từ thân và lá dừa cạn hoa đỏ (theo Forsyth và Simmonds, 1957). Ngoài ra từ lá người ta còn chiết được axit ursolic và từ rễ chiết được cholin. Năm 1969, Battersby và cộng sự còn chiết được chất vincoside, một glucoalkaloid tiền thân để sinh tổng hợp các alkaloid.
Hiện nay, người ta đã xác định hoạt chất của dừa cạn là những alkaloid có nhân indol có trong tất cả các bộ phận của cây, nhiều nhất trong rễ và lá.
Tùy theo nơi thu hái, hàm lượng các alkaloid này thay đổi từ 0,20 đến 1%. Và có thể có những giống có hàm lượng cao hơn.
Việc xác định sự có mặt của các alkaloid trong cây được bắt đầu vào cuối thế kỷ 19, nhưng phải đợi đến sau 1950 mới được nghiên cứu kỹ hơn và có thể chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn đầu là tách được các alkaloid có tinh thể. Năm 1953 Paris và Moyse chiết được vincein, sau này được Chatterjee, 1955, đặt tên là vincaine. Nhưng vincein hay vincaine cũng chỉ là chất ajmalicine, δ-yohimbine đã được phát hiện trong ba gạc.
Giai đoạn hai đánh dấu bằng tách được các alkaloid dimer có tác dụng phân bào (mitoclasique): Một số nhà khoa học Canada gồm Noble, Beer và Cutts trong khi nghiên cứu tìm cách chiết riêng những phần của cây dừa cạn có tác dụng đối với bệnh đái đường (vì cây dừa cạn được y học cổ truyền nhiều nước dùng chữa đái đường) tình cờ tách ra được một alkaloid có tinh thể gọi là vinblastine hay vincaleucoblastin có tác dụng làm giảm bạch cầu trong máu chuột thí nghiệm (1958). Tin này đưa ra đã được các nhà khoa học Canada và Mỹ đi sâu nghiên cứu thêm. Tính đến năm 1964, Svoboda (Laboratoires Lilly) và cộng sự đã tách ra hơn 55 chất khác nhau chia làm hai nhóm:
– Nhóm alkaloid monomer có nhân indol hay indolinic (dihydroindol như ajmalicine, chủ yếu trong rễ, serpentin, alstonine, akuammine, lochnerine, catharanthine, reserpine và vindoline (chất này chủ yếu chỉ thấy trong lá)).
– Nhóm alkaloid dimer, không đối xứng gần như đặc thù của loài dừa cạn Catharanthus roseus.
Tiêu biểu là vincaleucoblastine còn gọi là vinblastine thường được viết tắt là V. L. B. cấu trúc hóa học được Neuss làm sáng tỏ năm 1962. Công thức thô C46H58N4O9 với 2 nhóm COOCH3, 1 nhóm OCH3, 2 nhóm OH được cấu tạo bởi một phân tử catharanthine (nhân indol) và một phân tử vindolin (nhân indolinin).
Cùng thuộc nhóm này còn có các alkaloid sau đây:
- leurosine (còn gọi là vinleurosine) đồng phân của vincaleucoblastin.
- leurocristine (còn gọi là vincristine) phát hiện năm 1961 rất gần với V. L. B. với một nhóm N-formyl thay cho N-metyl.
- leurosidin
Những alkaloid thuộc nhóm này đóng vai trò quan trọng nhất vì có tác dụng chống u (antitumorale).
Nhưng hàm lượng những alkaloid ấy chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng lượng ancaloit toàn phần chứa trong dừa cạn (dưới 1/10.000), vả lại việc tách riêng từng ancaloit có tác dụng cũng rất công phu và tốn kém (theo Claus, 1965, phải từ 500kg dừa cạn khô mới chiết được 1g leurocristine). Những loại alkaloid chống u này có nhiều trong lá hơn trong rễ, hạt không chứa alkaloid, hàm lượng còn thay đổi tùy theo giống và điều kiện trồng hái.
Cây dừa cạn trong phong thuỷ
Cây hoa dừa cạn có tốc độ sinh trưởng nhanh, nở hoa quanh năm, là gợi ý tuyệt vời nhất cho những ai đang muốn tìm một thứ cây cảnh văn phòng, cây nội thất, cây cảnh sân vườn. Trong phong thủy, cây hoa dừa cạn chính là nguồn thu hút vạn sự may mắn. Giúp mang lại những điều tốt đẹp dành cho gia chủ. Các hộ gia đình chung cư, nhà phố thường dùng chậu treo cây hoa dừa cạn làm đẹp cho không gian. Mục đích là giúp trừ tà, xua đi vận hạn để bạn phát tài phát lộc, cuộc sống thịnh vượng.
Cây dừa cạn trị bệnh gì, cách dùng cây dừa cạn chữa bệnh
Theo Đông y, dừa cạn có tính mát, vị đắng, tác dụng hoạt huyết, tiêu thũng, trị viêm, hạ huyết áp. Có tác dụng làm săn, chống viêm, hạ áp, được sử dụng để điều trị một số bệnh: viêm đại tràng, khí hư bạch đới, tăng huyết áp, viêm nhiễm phần phụ, kinh bế, zona, phong ngứa, đái tháo đường, vàng da … Trong dân gian, người ta thường dùng lá giã nát đắp lên những vết bỏng làm mát da thịt, giảm đau, chống bội nhiễm.
Sau đây là một số cách dùng dừa cạn làm thuốc:
1. Trị zona
Nguyên liệu gồm dừa cạn (sao vàng hạ thổ) 16g, thổ linh 16g, bạch linh 10g, kinh giới 12g, chi tử 10g, nam tục đoạn 16g, cam thảo đất 16g, hạ khô thảo 16g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần, uống 3 lần. Kết hợp lấy lá dừa cạn, lá cây hòe, lượng bằng nhau, giã nhỏ đắp lên các tổn thương, băng lại. Công dụng: hút chất độc ra ngoài, làm giảm đau nhức.
2. Trị tăng huyết áp
- Bài 1: Lấy ra dừa cạn 160g, lá đinh lăng 180g, hoa hòe 150g, cỏ xước 160g, đỗ trọng 120g, chi tử 100g, cam thảo đất 140g. Các vị trên đem đi sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong hộp kín tránh ẩm. Ngày dùng 40g cho vào ấm, đổ nước sôi hãm, sau 10 phút là được. Uống thay trà trong ngày. Công dụng từ bài thuốc: an thần hạ áp, làm bền thành mạch, êm dịu thần kinh.
- Bài 2: dừa cạn (phơi khô) 16g, nga truật 12g, hồng hoa 10g, tô mộc 20g, chỉ xác 8g, trạch lan 16g, huyết đằng 16g, hương phụ 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
3. Trị lỵ trực khuẩn
Triệu chứng thường gặp là người bệnh đi ngoài nhiều lần, bụng đau từng cơn, phân có chất nhầy, có máu mũi, sút cân nhanh. Bài thuốc như sau: dừa cạn (sao vàng hạ thổ) 20g, cỏ sữa 20g, cỏ mực 20g, chi tử 10g, lá khổ sâm 20g, hoàng liên 10g, rau má 20g, đinh lăng 20g. Các vị trên cho vào ấm, đổ 3 bát nước sắc lấy 1,5 bát. Tiếp tục chia đều làm 3 lần uống trong ngày.
4. Trị bệnh trĩ
Thành phần gồm hoa, lá dừa cạn và lá thầu dầu tía, hai thứ giã nhỏ đắp tại chỗ băng lại. Đồng thời uống bài thuốc sau: dừa cạn (sao vàng) 20g, cỏ mực 20g, phòng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, bạch truật 16g, thăng ma 10g, sài hồ 10g, trần bì 10g, cam thảo 12g. Liều dùng mỗi ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Uống liền trong 10 ngày, sau đó nghỉ 3 – 4 ngày, rồi tiếp đợt hai.
5. Trị chứng tiêu khát
Thành phần thảo dược gồm dừa cạn 16g, cát căn 20g, thạch hộc 12g, hoài sơn 16g, sơn thù 12g, đan bì 10g, khiếm thực 12g, khởi tử 12g, ngũ vị 10g. Mỗi ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
6. Trị u xơ tiền liệt tuyến
Chuẩn bị dừa cạn 12g, huyền sâm 12g, xuyên sơn 10g, chè khô 12g, hoàng cung trinh nữ 5g, cát căn 16g, bối mẫu 10g, đinh lăng 16g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
7. Trị khí hư bạch đới
Chuẩn bị dừa cạn 12g, rễ cây bạch đồng nữ 16g, biển đậu 16g, đan sâm 16g, cây chó đẻ 16g, lá bạc sau 16g. Sắc uống ngày 1 thang đến khi khỏi.
8. Trị mất ngủ
Lấy ra 20g thân lá dừa cạn khô sao vàng, 12g lá vông nem, 12g hạt muồng sao đen. Đem đi sắc uống trước khi đi ngủ.
9. Trị rong kinh
Lấy từ 20 – 30g dừa cạn sao vàng (toàn cây có cả hoa và rễ). Đem đi sắc lấy nước, uống liên tục từ 3 – 5 ngày.
Kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây dừa cạn
Dừa cạn có hoa đẹp, nhiều màu sắc (như màu trắng, màu tím, màu vàng, …) nên tất nhiên cây thường được trồng làm cảnh, thường thấy nhất là ở vườn cảnh mini của các gia đình.
Về kỹ thuật chọn giống, người trồng có thể mua hạt giống hoa về đem gieo, sau vài ngày là nảy cây con. Nếu cẩn thận thì người chơi cây nên gieo hạt riêng, chờ cây lớn được khoảng gang tay thì bứng ra trồng nơi đất rộng. Cách thứ 2 là người trồng có thể mua sẵn cây con ở vườn kiểng. Lưu ý chọn những cây khỏe, nhiều búp để còn dưỡng về lâu về dài. Hoa dừa cạn sau khi rụng sẽ thành quả, quả khô và cho rất nhiều hạt.
Về đất trồng, đây là loài cây ưa đất cát pha (thậm chí trên cả đất cát già), đất phù sa ven sông, ven biển. Cây chịu được hạn vì có bộ rễ đâm sâu và rộng. Nhưng không chịu được úng nên chọn đất trồng phải cao và thoát nước tốt. Đất gieo hạt tốt nhất nên dùng giá thể (giá thể trồng hoa bao gồm có cát đen + bột sơ dừa + trấu hun hoặc xơ dừa + trấu hun với tỉ lệ 1:1).
Sau 1 tháng cây ở trong khay, cốc ươm, người chơi hoa có thể bứng cây ra trồng riêng, lúc này cây đã có từ 4 – 5 lá thật. Mỗi chậu nhựa treo có thể áp dụng trồng từ 1 – 3 cây con hoa dừa cạn (tùy loại chậu kích cỡ to hay nhỏ). Người chăm cây có thể phun B1 sau khi bứng cây 1 tuần để kích thích bộ rễ cây nhanh phát triển, sau 10 ngày thì có thể dùng phân bón thúc cho cây hoặc phun phân bón lá theo định kỳ tháng (để tăng sức đề kháng và dinh dưỡng cho hoa giúp hoa lâu tàn và có màu sắc rực rỡ). Ngoài ra, cây cần được tưới đều đặn ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Và nhất là phải chú ý công đoạn thoát nước vào mùa mưa.
Địa chỉ bán cây giống hoa dừa cạn uy tín ?
Địa chỉ: Ngách 68/45, ngõ 68, đường Nguyễn Văn Linh, Long Biên. Đối diện với Tổng công ty may 10, Hà Nội.
- Quý khách xin vui lòng liên hệ với Cây cảnh Hải Đăng để được các chuyên viên của chúng tôi tư vấn lựa chọn sản phẩm bầu giống hoa dừa cạn phù hợp.
- Chúng tôi sẽ chụp ảnh sản phẩm cho quý khách nếu có yêu cầu.
- Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ hàng hóa đảm bảo chất lượng và đúng quy cách trước khi giao.
- Quý khách ở xa vui lòng tiến hành chuyển khoản trước. Nếu quý khách ở nội thành có thể áp dụng ship nhanh với chi phí 30k một lần ship.