Chè vằng hay còn có tên gọi khác là cước man, lài bà ngâu, cẩm vân, cây dây vằng, tên khoa học là Jasminum subtriplinerve.Cây thường phân bổ chủ yếu ở các vùng núi cao, khu vực miền Trung và Bắc Trung Bộ. Chè có hình dáng giống cây lá ngón, vì thế nhiều người thường lầm tưởng với loại cây này.
Chè vằng là cây gì?
Cây thuộc loại thực vật thân nhỏ, với đường kính thân từ 3-6mm. Cây thường mọc theo cụm, có nhiều nhánh. Hoa màu trắng, mọc thành cụm, mỗi cụm 3-4 hoa. Phần lá có hình dạng mũi tên, mọc đối xứng nhau. Mặt trước của lá có hiện 3 gân, đây cũng là đặc điểm để phân biệt với cây lá ngón. Do sở hữu giá trị dược tính cao, nên hiện nay chè vằng đã được trồng tại rất nhiều tỉnh ở nước ta, mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương.
Theo đặc điểm và công dụng, chè được chia làm 3 loại như sau:
- Chè lá nhỏ: Đây được coi là loại chè sở hữu giá trị dược tính lớn nhất. Chè lá nhỏ hay còn được gọi là vằng sẻ, có lá nhỏ, mỏng, khi sao khô có màu xanh nhạt, sắc nước uống thơm lừng.
- Chè vằng lá to: Tên gọi khác là chè trâu, loại thảo dược này có hàm lượng dưỡng chất thấp hơn so với chè lá nhỏ. Bởi vậy, loại này không được ưu tiên để chữa bệnh. Đúng như tên gọi của nó, lá của chè này to, khi phơi khô có màu nâu, sắc với nước có màu nâu sẫm.
- Chè núi: Loại chè này không tồn tại giá trị dược tính nên không được sử dụng làm thuốc.