Cây thị cảnh – nết đẹp trong văn hóa việt. Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây.
Được biết cây thị (danh pháp khoa học Diospyros decandra Lour) là một loại cây ăn quả nhiệt đới thuộc Họ Thị Ebenaceae và là giống phổ biến ở các nước như Việt Nam, Thái Lan.
Cây thị là loài cây thân gỗ, cây đến tuổi trưởng thành cao trung bình khoảng 5 – 6 m (có những cây cổ thụ hàng trăm tuổi cao hơn 20 m). Lá mọc so le, phiến lá hình thuôn, dài 5 – 8 cm, rộng 2 – 4 cm; cuống lá dài 6 – 9 mm, có phủ lông. Hoa đa tính, mọc thành chùm xim, màu trắng; đài hợp ở gốc 4 răng, cả 2 mặt đều có lông, 8 – 14 nhị, nhụy có 2 vòi. Quả tròn hơi dẹp, đường kính 3 – 5 cm, có 6 – 8 ngăn (hay còn gọi là múi), khi chín màu vàng, mang đài tồn tại (vốn là đặc trưng của họ Thị). hạt cứng, dẹt, dài 3 cm, phôi sừng. Mùi thơm hay khó chịu tùy theo người thích hay không thích.
Cây thị dùng để làm gì ?
Chép trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS Đỗ Tất Lợi:
1. Năm 1961, Bệnh viện Phú Thọ đã dùng nước sắc lá thị ( 100g lá thị phơi khô, sắc với nước và lấy đúng 100ml ), mỗi ngày cho uống 10 – 20 – 30ml, đồng thời lấy bông tẩm nước sắc này đắp vào rốn để chữa bệnh không trung tiện được sau khi mổ. Kết quả rất tốt.
Trong nhân dân, thường dùng lá thị phơi khô cho hút để gây đánh trung tiện, lá tươi giã đắp vào mụn nhọt cho chóng tan.
2. Thịt quả thị ăn nhiều vào lúc đói có thể trị được giun kim ( kinh nghiệm nhân dân ).
Vỏ quả thị phơi khô đốt thành than được dùng bôi lên các nơi phồng do con giời leo gây ra. Có khi người ta đốt vỏ quả thị thành than, trộn với than của cuống chiếu ( chiếu trải giường nằm ) và đinh hương tán nhỏ thổi vào các lỗ rò ở hậu môn.
Cây thị cảnh trong văn hóa Việt
Quả thị có tiếng là thơm, rất được chuộng tại Việt Nam. Người ta còn đan cái giỏ nhỏ chỉ vừa để đựng quả thị rồi treo lên trong nhà đủ để thưởng thức hương thị.
Theo kinh nghiệm và truyền thống dân gian ở Việt Nam, để ăn thị người ta nắn, bóp nhẹ đều khắp bề mặt quả cho đến khi thịt quả mềm ra (tới nẫu, thậm chí nứt, rách vỏ) để giảm đi vị chát. Ngoài ra còn có cách ăn thú vị khác là sau khi đã làm mềm quả, khéo léo tách bỏ núm (đài) ra khỏi vỏ, để lại một lỗ tròn và ăn bằng cách hút thịt (và cả hạt) từ lỗ tròn đó.
Quả thị chín vào cuối mùa hè đến hết mùa thu. Mùi hương quả thị dịu nhẹ nhưng “không thể giấu được”.
Ở các vùng quê, những người nấu rượu gạo rất kị mùi hương quả thị, nếu để quả thị trong nhà thì cả mẻ rượu sẽ bị hỏng.
Cây thị ngoài việc lấy quả cũng được trồng làm cây thị cảnh (bonsai).
Quả thị có mặt trong truyện cổ tích dân gian Việt Nam: Tấm Cám. Với cảnh Một bà lão hàng nước ở gần đó một hôm đi qua dưới gốc ngửi thấy mùi thơm, ngẩng đầu nhìn lên thấy quả thị trên cành cao, bèn giơ bị ra nói lẩm bẩm: “Thị ơi thị, rụng vào bị bà, bà đem bà ngửi, chứ bà không ăn‘”.
Thành ngữ về cây thị: Ngậm hạt thị ( ngậm hột thị ), miệng ngậm hạt thị hoặc miệng câm như ngậm hạt thị.
Cây thị cảnh nên trồng ở đâu ?
Theo quan niệm dân gian, cây thị mang ý nghĩa tâm linh nên thường được đem trồng ở những vùng đất rộng rãi hay khu vực đình chùa, hiếm khi thấy cây nào lại được đem ra trồng ngay sau nhà.
Theo quan niệm phong thủy, gia chủ không nên trồng cây quá lớn trước nhà. Bởi dáng cây quá to, cành lá sum suê sẽ che hết ánh sáng vào nhà. Do đó, không gian trong nhà luôn tối tăm, thiếu dương khí. Xét về mặt tự nhiên, cành cây lớn khi bị chết khô, hoặc vào mùa mưa bão rất dễ gãy đổ, sẽ gây nguy hiểm nếu không may rơi xuống. Hơn thế, vào mùa lá rụng, chắc chắn lá cây úa vàng, phân hủy sẽ gây mất vệ sinh, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Do cây thị là loại cây lâu năm, rất kén đất trồng và đòi hỏi công chăm sóc cầu kì nên người ta thường ít khi trồng trước nhà, mà thường được trồng ở những khu đất rộng rãi, trong sân vườn hoặc những khu đô thị thoáng mát. Đặc điểm của cây Thị thường phát tán rất to, rộng nên nếu muốn trồng cây trước nhà trong thời gian dài cần lựa chọn không gian thoáng đãng đủ cho cây vươn tán.
Hiện nay, cây Thị ngoài việc trồng và mọc tự nhiên để lấy quả, giống còn được trao đổi để trồng tạo cảnh quan làm cây công trình cho biệt thự sân vườn, khu đô Thị. Các cây Thị trồng làm cảnh thường có kích thước khá nhỏ, đường kính từ 10 cm đến 20 cm, thích hợp trồng biệt thự, sân vườn, …
Sức sống của cây thị ngàn tuổi
Mặc dù thân bị mục ruỗng gần hết, ngọn đã bị chết từ trăm năm trước nhưng cây thị vẫn xanh tốt và cho đến cả trăm quả thị mỗi năm.
Điển hình cho sức sống mãnh liệt đó chính là cây thị cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm được người dân nơi đây xem như báu vật nằm ở gần Đình Quán La (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Cây mọc trên một gò đất lớn, có đường kính khoảng 3,5m, và cao trên 20m. Điều kỳ lạ là dù thân cây rỗng nhưng cành lá vẫn mọc xanh tốt, tán cây xòe rộng ra xung quanh.
Theo tương truyền, cây thị cổ này có từ thời Lý, chỗ cây mọc trước kia chính là nơi ở của các kỹ nữ Chiêm. Ngày nay, dưới gốc cây người dân trong vùng lập một chiếc miếu nhỏ, vào ngày lễ tết nhiều người lại đến thắp hương, thờ cúng.
Ông Nguyễn Văn Lực, cụ từ ở đình Quán La cho biết, vào mùa cây ra rất nhiều hoa nhưng kỳ lạ ở chỗ, lại chỉ cho ra duy nhất từ 1 – 2 quả, màu váng óng, rất thơm. “Năm 1992, cây thị bắt đầu được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Đến nay không ai biết cây có tuổi đời chính xác là bao nhiêu, có người cho biết nếu so sử sách thì có lẽ cây phải có tuổi đời hàng nghìn năm. Trước đây, vị trí chỗ cây thị mọc có 3 gò đất cao, tuy nhiên đến nay hiện chỉ còn một gò”, ông Lực nói.
Trong lịch sử hàng trăm năm tồn tại, cây thị cổ thụ gắn liền với nhiều truyền thuyết và câu chuyện kể ly kỳ được truyền từ đời này sang đời khác. Nhiều người cho biết, vì mọc ở trong vùng đất thuộc quần thể Thất Tinh nên cây thị mới có hình dáng đặc biệt, cành lá xum xuê và to lớn như vậy. Do có tuổi đời lâu năm nên thân cây xù xì, u bướu, phần rễ mọc nổi hẳn lên mặt đất. Đặc biệt, khoảng trống rỗng trong thân cây thị có thể chưa được cả 6 – 7 người. Bóng cây lớn che mát cả một vùng đất rộng lớn.
Phần gốc cây khá to phải 3 – 4 người ôm mới xuể. Rễ cây thị cổ thụ mọc nổi trên mặt đất. Người dân trong vùng cho biết, trước đây trên cây có rất nhiều sóc và chim trú ngụ nhưng hiện nay không còn nhiều nữa nhưng những giá trị văn hóa đi cùng bóng mát của cây thị chắc chắn vẫn còn lại.
Hay như ở Nghệ An – Việt Nam, hiện có 5 cây thị cổ thụ trên 700 năm tuổi, và đã được công nhận là “Cây Di sản Việt Nam”. Vốn 5 cây thị cổ này là thuộc quyền sở hữu của ông Lê Văn Thưởng, đã từng có thời kỳ 5 cây thị cổ từng ra giá 7 tỷ đồng, nhưng ông Lê Văn Thưởng khẳng định là sẽ không bán với bất cứ giá nào. Mặc dù có tuổi thọ cao như vậy, nhưng cứ đến mùa thị, các cành cây đều trĩu quả, tỏa hương thơm ngào ngạt khắp làng. Với quả của cây thị lớn nhất trong số 5 cây cổ có trọng lượng đến gần một kg.
Phía dưới gốc những cây thị sần sùi, vỏ mốc trắng. Trên mỗi cây thị có rất nhiều hốc rỗng. Nhưng đặc biệt hơn là phía dưới gốc các cây thị đều bị khoét rỗng từ thời chiến tranh để làm bếp nấu và hầm tránh bom. Bằng chứng chính là phía trong những hốc cây thị đều bị đốt cháy đen vì khói bếp. Mỗi cây có một tư thế khác nhau nhưng cây nào cũng có nhiều cành, nhiều u sần sùi. Trên thân cây thị có rất nhiều loài tầm gửi sinh sống trong đó có cả hoa phong lan như một lời nhắn rằng sự sống sẽ luôn hồi sinh vậy.