Ý nghĩa hoa đỗ quyên và sự tích của loài hoa biểu tượng cho tình yêu lứa đôi sẽ được trình bày qua bài viết dưới đây. Nhưng trước tiên hãy cùng tìm hiểu sơ qua một chút về hoa đỗ quyên nhé.
Hoa đỗ quyên có độc không ?
Độc tính của đa phần các loài hoa trong chi Đỗ quyên bắt nguồn từ Grayanotoxin – một nhóm các chất độc thần kinh có trong phấn hoa của chúng. Đặc biệt, mật ong làm từ mật hoa có nguồn gốc từ phấn hoa trong số những cây thuộc chi này có chứa nhiều Grayanotoxin và thường được gọi là mật ong điên vì gây độc cho ong mật và có màu sẫm đỏ. Được biết đây là sản phẩm được sản xuất và tiêu thụ thường xuyên nhất ở các khu vực của Nepal và Thổ Nhĩ Kỳ như một loại chất gây hưng phấn do có tác dụng giống như cần sa và trong y học cổ truyền.
Một trong những ghi chép cổ nhất về mật ong điên là của nhà sử học Xenophon của Athens, kể lại chuyến đi cùng lực lượng các đơn vị lính đánh thuê lính chủ yếu là người Hy Lạp mang tên Ten Thousand ( tiếng Hy Lạp cổ đại: ἱοἱ Μύριοι, oi Myrioi ) hành quân qua Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 401 TCN. Những người này ăn mật lấy từ những tổ ong dọc đường. Vài giờ sau, toán lính nôn mửa, bị tiêu chảy, mất phương hướng và không thể đứng vững nhưng tất cả lại bình thường vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên, đã có một đội quân La Mã không may mắn như vậy. Vào năm 67 TCN, tướng Pompey Vĩ đại của đế quốc La Mã dẫn đoàn quân của mình truy đuổi vua Ba Tư Mithradates VI dọc bờ Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay trong Chiến tranh Mithridatic lần thứ ba. Họ gặp rất nhiều hũ mật ong bên đường mà không hề biết đó là bẫy do người Pontic cố tình để lại. Sau khi ăn mật, những người lính La Mã đã không thể chống trả khi quân Ba Tư kéo đến dẫn đến số lượng thương vong vô cùng lớn. Có thể nói, đây chính là vũ khí hóa học đầu tiên trong lịch sử.
Như có nhắc ở trên, dù chứa độc tố, mật ong điên lại được người dân Nepal hay Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng trng hàng nghìn năm qua như một vị thuốc để chữa bệnh tiêu chảy, cao huyết áp, điều trị đau nhức do viêm khớp và giúp đời sống vợ chồng thăng hoa. Họ tin rằng chỉ cần ăn ít nhất một thìa mật hàng năm để cải thiện sức đề kháng. Người địa phương còn đun sôi mật với sữa và uống một chút trước mỗi bữa sáng.
Ý nghĩa tượng trưng của hoa đỗ quyên
– Tượng trưng cho sự may mắn và sung túc: Đỗ quyên chính là loài hoa tượng trưng cho sự may mắn, danh giá và giàu có. Chính vì vậy trong mỗi dịp năm mới, nhiều gia đình lựa chọn cho mình một chậu hoa Đỗ Quyên để trang trí trong nhà để thể hiện mong ước lớn nhất cảu cuộc đời về một năm mới may mắn, tốt lành.
– Tượng trưng cho nỗi nhớ quê: Hoa đỗ quyên cũng thường dùng để thể hiện nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình đối với những người xa xứ. Với những người ở lại được tặng một bó hoa đỗ quyên từ người sắp phải xa xứ, đó như một lời nhắn là “Chăm sóc bản thân và những người xung quanh nhé”.
– Sự cân bằng trong cảm xúc: Hoa đỗ quyên còn được dùng để nói lên sự cân bằng trong cảm xúc. Vì vậy, loài hoa này cũng thường được dùng để chỉ những người luôn biết cách che giấu cảm xúc, tình cảm của bản thân. Thường là sẽ đi kèm với một lời nhắn “kiềm chế những cảm xúc thái quá lại nào”.
– Mang ý nghĩa niềm đam mê: Hoa đỗ quyên có nhiều màu sắc, và đa phần trong đó đều là những màu nổi bật, rực rỡ. Vì vậy, Đỗ Quyên còn được cho là loài hoa của sự đam mê, nhiệt huyết.
– Mang vẻ đẹp nữ tính và trí tuệ: Đối với người Trung Quốc và Nhật Bản, hoa đỗ quyên là loài hoa tượng trưng cho những cô gái thông minh, xinh đẹp, dịu dàng và đầy nữ tính.
– Ý nghĩa mặt tối của Hoa đỗ quyên: Ý nghĩa tối của đỗ quyên có được dựa trên độc tính của nó và do đó, đừng gửi cho ai đó một bó hoa trong một chiếc bình màu đen, trừ khi là bạn muốn đe dọa họ.
– Ý nghĩa Hoa Đỗ Quyên theo màu sắc:
+ Hoa đỗ quyên đỏ, hồng đậm: Tượng trưng cho sự lãng mạn và đam mê trong tình yêu.
+ Hoa đỗ quyên trắng: Tượng trưng cho sự thuần khiết, kiềm chế và thanh lịch.
+ Hoa đỗ quyên tím và hồng nhạt: sự vui vẻ, thân thiện và hòa đồng. Không đề cao cá nhân.
+ Hoa đỗ quyên vàng: Tượng trưng cho tình bạn và tình cảm gia đình.
Sự tích của hoa đỗ quyên
Mặc dù chưa được xác minh nhưng có một sự tích về hoa đỗ quyên như này. Rằng có một đôi vợ chồng nghèo sống hạnh phúc, yêu thương nhau trong một ngôi làng nhỏ. Để mưu sinh, hằng ngày người chồng thường xuyên đi vào rừng sâu săn bắn, đốn củi. Nhưng bỗng một hôm đợi mãi chẳng thấy chồng quay về, người vợ cứ ngóng dáng chồng mỗi ngày sau buổi hoàng hôn.
Thời gian trôi qua một tháng, hai tháng, ba tháng mà vẫn chẳng thấy tin tức gì. Người vợ quyết định khăn gói lên đường đi tìm chồng. Buổi sáng người vợ đi tìm chồng, thì buổi chiều cùng ngày hôm đó người chồng đã quay về.
Người vợ cứ đi mãi từ ngày này qua ngày khác đến khi gục ngã và trút hơi thở cuối cùng bên tảng đá. Nơi tảng đá người vợ chết mọc lên một loài cây nở hoa rất đẹp mỗi khi mùa xuân về. Khi hồn của người vợ về trời gặp Ông Tiên, Ông hỏi “vì sao con lại ngã chết trong rừng sâu như thế?”. Người vợ thuật lại việc đi tìm chồng mình vì vậy Ông đặt tên cho loài hoa kia là hoa Đỗ quyên.
Nhắc đến người chồng đã trở về nhà nhưng chẳng thấy vợ đâu. Anh hỏi những người xung quanh thì được biết vợ đã đi vào rừng sâu tìm mình. Người chồng cũng khăn gói lên đường tìm vợ, tìm mãi đến khi kiệt sức chết đúng trên tảng đá mà người vợ đã chết trước kia. Người chồng hoá kiếp thành một loài chim sống đơn độc một mình và đặt biệt cất tiếng hót khi trời đã hoàng hôn. Tiếng hót của loài chim ấy tựa như tiếng kêu than, tuyệt vọng. Ông Tiên chứng kiến tình yêu của đôi vợ chồng này và đặt tên cho loài chim này là chim Quyên ( Quyên đọc lái đi là Quên ).
Không biết từ bao giờ loài hoa đẹp kia cũng được gọi là hoa Đỗ Quyên để tưởng nhớ cho mối tình chung thuỷ, sắc son của hai vợ chồng.
Ý nghĩa hoa đỗ quyên với truyền thuyết
Truyền thuyết kể rằng ngày xưa ở nước Thục có một vị vua tên là Đỗ Vũ (杜宇) rất yêu thương hoàng hậu. Sau vua bị gian thần hãm hại chết oan ức, hồn hoá thành chim Đỗ Quyên, hàng ngày cất lên những tiếng kêu ai oán trong vườn hoa của hoàng hậu. Nước mắt rơi xuống là từng giọt máu tươi, nhuốm đỏ các cánh hoa xinh đẹp, cho nên người đời sau gọi đó là hoa Đỗ Quyên.
Hoàng hậu nghe được tiếng kêu ai oán của chim Đỗ Quyên, thấy được máu tươi rỏ xuống mới biết đó là linh hồn của chồng mình hoá thành. Do quá đau buồn, ngày đêm gào lên: “tử quy, tử quy” nên cuối cùng cũng qua đời, linh hồn của bà hoá thành loài hoa Đỗ Quyên đỏ như lửa, nở đầy khắp núi đồi. Hoa Đỗ Quyên cùng chim Đỗ Quyên luôn gần nhau. Hoa Đỗ Quyên cũng còn được gọi là Ánh Sơn Hồng. Đây chính là điển cố chim Đỗ Quyên kêu rỏ máu, chim Tử Quy kêu ai oán.
Thục quốc tằng văn Tử Quy điểu,
Tuyên thành hoàn kiến Đỗ Quyên hoa.
蜀国曾闻子规鸟
宣城还见杜鹃花
(Nơi nước Thục từng nghe tiếng chim Tử Quy,
Nay ở Tuyên thành lại thấy hoa Đỗ Quyên)
Do loài hoa Đỗ Quyên và loài chim Đỗ Quyên suốt đời gắn bó trở thành câu chuyện truyền kỳ bất hủ chốn nhân gian.