Tuyệt chiêu chăm sóc cây hoa dừa cạn luôn rực rỡ.
Cây hoa dừa cạn và những điều ít ai biết
Dừa cạn hay hải đằng, dương giác, bông dừa, bông dừa cạn, trường xuân hoa, hoa tứ quý ( Catharanthus roseus (L.) G.Don ) là một loài thực vật có hoa thuộc họ La bố ma ( Apocynaceae ).
Cây thân thảo hoặc cây bụi nhỏ thường xanh, cao tới 1 m, phân cành nhiều. Phiến lá hình bầu dục hay thuôn dài, kích thước 2,5 – 9 cm dài và 1 – 3,5 cm rộng, xanh bóng, không có lông, gân lá giữa nhạt màu hơn và cuống lá ngắn ( dài 1 – 1,8 cm ); mọc thành các cặp đối. Hoa có màu từ trắng tới hồng sẫm với phần tâm có màu đỏ hơn, ống tràng dài 2,5 – 3 cm và tràng hoa có đường kính 2 – 5 cm, chia 5 thùy tương tự như cánh hoa. Quả là một cặp quả đại dài 2 – 4 cm, rộng 3 mm, chứa từ 12 – 20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng.
Hiện nay có 2 loại dừa cạn cảnh dựa theo kiểu thân
- Dừa cạn rủ: Thân cành mọc rủ xuống như những loại thân bò, thích hợp trồng trong chậu treo hay chậu có khung móc ở ban công.
- Dừa cạn đứng: Thân đứng, mọc thành bụi, cành hướng thẳng lên trên. Cây phân cành nhiều và mọc lâu sẽ hóa gỗ nên thường được trồng thành cụm hay hàng.
Hiện đã có khá nhiều giống hoa dừa cạn với đủ các thứ màu như như trắng, đỏ, hồng nhạt, hồng đậm, hồng phấn hay tím, … thỏa mãn sở thích kỳ quái của từng chủ nhân.
Hoa dừa cạn có thể sống được bao lâu ?. Với nhiều người, dừa cạn là cây ngắn ngày, khi trồng chắc chỉ nở 1 hoặc 2 lần rồi chết, khi ấy lại phải trồng lại. Nhưng thực tế đã chứng minh, dừa cạn là cây lâu năm và nếu được chăm sóc tốt, cây có thể cho hoa đều và liên tục.
Do vậy để dừa cạn sống khỏe, phát triển nhanh và nở hoa rực rỡ quanh năm thì việc chăm sóc rất quan trọng và cần được lưu tâm để cây không bị suy thoái hay chết rũ.
Tuyệt chiêu chăm sóc cây hoa dừa cạn luôn rực rỡ
Ánh sáng
Dừa cạn ưa vị trí có nhiều nắng để ra hoa, do vậy khi trồng cây ta nên lựa chọn những vị trí đón được nhiều nắng nhất để cây khỏe mạnh. Cây khi có đủ nắng, hoa sẽ nở nhiều, đẹp và lâu tàn, sắc hoa cũng rực rỡ hơn khi so với các cây trồng cùng loại.
Những nơi khuất nắng hay trong bóng râm, dừa cạn sẽ ít ra hoa, cây nhanh bị lụi và chết, hoặc sức sống yếu rết tạo điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn tấn công. Những vị trí thích hợp cho cây phát triển tối ưu thường là ban công, bồn cây trước cửa sổ, sân thượng nhiều nắng, dọc lối đi trong sân vườn, …
Đất trồng
Dừa cạn không kén đất nên có thể trồng cây bằng giá thể hoặc đất thịt sẵn có trong vườn. Đất phải thông thoáng và tơi xốp, ít bị nén sau nhiều lần tưới để không gây cản trở đến bộ rễ.
Nước tưới
Dừa cạn ưa khô, do vậy với những cây trồng trong chậu, bồn tưới nhiều hoặc thừa nước, độ ẩm đất cao làm cây dễ phát sinh bệnh.
Đối với dừa cạn rủ, việc trồng trong chậu treo sẽ rất khó để giữ nước, trời nắng gắt cây rất dễ bị thiếu nước và héo khô. Do vậy ta cần có thao tác di chuyển chậu treo sang vị trí râm mát một lúc. Nếu bạn “cố tình” tưới ngay lúc trời nắng thì cây càng dễ bị sốc nhiệt.
Nên tưới khi cây thật sự cần nước, thực hiện tưới đẫm và cách 3 – 4 ngày tưới 1 lần, không nên tưới quá thường xuyên hay tưới quá nhiều dễ khiến cây bị úng. Khi cây ra hoa thì lượng nước tưới cần nhiều hơn, kiểm tra đất trước khi tưới và không tưới khi trời đang nắng gắt.
Phân bón
Dừa cạn khi ra hoa thường rất rộ nên cây sẽ cần bổ sung nhiều dinh dưỡng. Lúc này ta có thể bón bổ sung thêm phân đạm cá FISH EMULSION, phân trùn quế hay phân tổng hợp như NPK 20-20-15 + TE để cây được ra hoa nhiều và đẹp.
Lưu ý: Với phân hóa học, ta nên dùng với lượng vừa đủ hoặc pha loãng với nước rồi tưới đều lên tán cây, tránh bón thẳng vào gốc làm cây bị sốc phân, cháy rễ và chết.