Trồng măng tây siêu dễ dành cho bạn đọc.
Mua cây về rồi mà không biết trồng thì không khác gì đặt tiền để bờ suối. Vậy trồng cây măng tây trong thời buổi chả biết đâu là thực phẩm sạch như thế nào cho hợp lí đây. Mời bạn đọc xem bài viết phía dưới để biết thêm chi tiết.
Nhắc trước, trồng măng tây chủ yếu là trồng bằng hạt. Cây măng tây phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 20 – 30oC. Tốt nhất là 25oC. Cây có khả năng chịu được rét, nhưng dưới 15oC chúng ngừng sinh trưởng.
1. Ngâm và ủ hạt măng tây
- Bước 1: Trước hết, chọn hạt giống có nguồn gốc rõ ràng, nên chọn mua ở những shop nông nghiệp uy tín để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh về sau này.
Theo kiến thức nông nghiệp, số hạt giống măng tây được xác định trên một sào là:
+ từ 2.000 – 2.200 hạt trên 1 sào Nam bộ 1.000 m2;
+ từ 700 – 800 hạt có thể trồng được trên 1 sào Bắc bộ 360 m2.
- Bước 2: Đem số lượng hạt giống muốn gieo ra ủ phơi nắng buổi sáng trong khoảng 2 tiếng đồng hồ từ 9 – 11 giờ để hạt giống măng tây đạt độ háo nước nhiều nhất và cho tỉ lệ nảy mầm được cao nhất.
- Bước 3: Cho hạt giống vào chậu / bát / tô nước rửa thật sạch hạt giống, chú ý thay 3 – 5 lần nước sạch ( có thể chà rửa hạt giống trực tiếp dưới một vòi nước ).
- Bước 4: Cho hạt giống măng tây đã rửa sạch vào một cái bát hoặc một cái hộp nhựa đường kính ~ 10cm ( hộp nhựa ở đây thường là hộp thường dùng đựng cơm, cháo). Dùng 100% nước lạnh sạch ( hoặc nước ấm như nước trà uống được tầm 30oC ) để tiến hành ngâm hạt giống từ 1 – 2 ngày cho đến khi thấy hạt giống trương nở to hơn bình thường. Vỏ hạt đã mềm ( đôi khi cũng có hạt đã nảy nanh mầm trắng ) thì bắt đầu lấy hạt giống ra. Vớt bỏ những hạt lép hay những hạt bị nấm mốc nổi trên mặt nước rồi đem hạt giống ra chà rửa nhiều lần cho thật sạch mùi chua, nước nhớt để loại trừ nấm mốc làm thối hỏng hạt giống.
⇒ Trong thời gian ngâm hạt giống từ 1 – 2 ngày, cứ nửa ngày một lần phải tiến hành rửa hạt giống và thay nước mới, đây cũng là lúc để hạt giống có thời gian trao đổi dưỡng khí ( thở ) để kích thích tỉ lệ nảy mầm cao ( hạt giống ngâm nước lâu cần phải có thời gian lấy ra khỏi nước để hô hấp, không nên để mầm hạt bị “chết ngộp” ).
- Bước 5: Sau 1 hoặc 2 ngày ngâm hạt giống, tiến hành lấy hạt giống ra chà rửa thật sạch rồi ngâm hạt giống măng tây khoảng 30 phút vào dung dịch GA3, hoặc WEHG, hoặc AUXIN, hoặc WEVIRO, NAA, hoặc ATONIK, … pha tỉ lệ theo hướng dẫn ghi trên bao bì sản phẩm với nước để kích thích tỉ lệ nảy mầm. Sau đó rửa sạch, cho hạt giống vào một cái khăn vải vuông dày ẩm 50% ( chú ý bên trong có lót một lớp khăn lau miệng, đã được xử lý khử trùng qua nước sôi để tránh rễ hạt giống bám dính vào khăn lông ) hoặc cũng có thể thay thế bằng 5 – 10 lớp khăn giấy ẩm vuông 30 cm, gói cho thật kín hạt giống lại, cho vào cái bát hoặc hộp nhựa sạch và khô ráo, đậy kín nắp hộp rồi đặt vào nơi tối ( có thể úp/chụp hộp hạt giống bằng một miếng vải dày, màu tối hoặc một cái chậu nhựa để ngăn cản ánh sáng chiếu vào trong ).
- Bước 6: Thời gian ủ hạt giống thường sẽ kéo dài từ 3 – 4 ngày ( hoặc lâu hơn có thể là 10 ngày) để hạt giống nảy mầm dần dần, nhớ mỗi ngày phải chọn lấy những hạt đã nảy mầm đem ra gieo ( có thể gieo trực tiếp ra đất vườn ươm hoặc thùng xốp nơi hè phố hoặc gieo qua trung gian vào khay/vĩ khoảng 60 – 90 ngày để lấy cây giống con cấy ra đất vườn ươm), những hạt còn lại tiếp tục chà rửa thật sạch, đồng thời giặt sạch 2 cái khăn ủ ẩm bằng nước sôi, để nguội rồi vắt ráo 50 % nước để gói, ủ hạt giống cho những ngày kế tiếp.
2. Ươm hạt giống măng tây trong bầu ươm
Khi tiến hành đóng bầu ươm phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:
- Cho giá thể vào bầu và lắc đều để đảm bảo được độ nén của giá thể ( tránh được hiện tượng “trên thừa dưới thiếu”, và bầu ươm cũng không bị nếp nhăn ). Giá thể trong bầu ươm cách mép túi bầu ươm 1 cm.
- Xếp bầu ươm vào trong nhà lưới theo hàng thẳng để thuận tiện cho việc ươm trồng và chăm sóc. Sau đó tiến hành gieo hạt trong bầu ươm.
Thực hiện cho hạt vào trong bầu ươm.
- Khi các hạt nứt nanh tiến hành dùng chiếc đũa tạo thành 1 lỗ xâu khoảng 0.5 ~ 1 cm ở giữa bầu ươm rồi tiến hành bỏ hạt vào lỗ và lấp đất lại ( có thể dùng trực tiếp ngón tay trỏ đục lỗ để ươm, chiều sâu bằng nửa đốt ngón tay ).
- Chú ý không nên trồng hạt sâu quá sẽ làm hạt bị thối. Cứ tiếp tục tiến hành như vậy cho đến khi trồng hết hạt vào bầu ươm, cuối cùng chúng ta tiến hành lấp đất và bắt đầu tưới ẩm.
- Chú ý nên tưới dạng phun mưa để đất không bị nén chặt ( chúng ta có thể sử dụng bình xịt thuốc sâu nhưng phải rửa sạch trước đã rồi mới tiến hành tưới phun sương ).
3. Chăm sóc cây sau khi ươm
Sau khi ươm bằng bầu hoặc trực tiếp trong vườn ươm ta tiến hành chăm sóc định kỳ như sau:
Khi ươm được 3 ngày cây măng bắt đầu mọc lên khỏi mặt đất. Nên nhớ luôn luôn giữ ẩm cho đất bằng cách tưới vào buổi sáng sớm và chiều tối.
Khi cây mọc được 15 ngày tiến hành nhặt cỏ, tiếp tục bón thúc Ure 1,0 % để kích thích cây phát triển. Và cứ sau 15 ngày lại tiến hành nhặt cỏ ( nhặt nhẹ để tránh nhổ phải cây măng giống ) và bón thúc cho cây 1 lần.
Sau khi cây mọc được 30 ~ 35 ngày thực hiện bón phân vi sinh, phun thuốc bón lá cho cây thật cứng cáp. Đến thời kỳ này cây phát triển có 3 ~ 4 nhánh trong bầu ươm có thể đem cây trồng ra ngoài đất.
4. Trồng cây măng tây ra ngoài đất
Đào các hố đất với chiều sâu và chiều rộng vào khoảng độ từ 20 – 30 cm, khoảng cách mỗi hố nên để từ 40 – 50 cm và mỗi hàng cách nhau từ 1 – 1,5 m. Đem từng bầu cây nhẹ nhàng ra ngoài đất trồng, cẩn thận rạch bỏ túi nylon rồi vùi kín xuống hố đất, dùng đất hai bên luống đôn cho thật chặt gốc. Tiếp đó phủ một lớp đất, tro trấu, mùn, hoặc phân chuồng ủ hoại xung quanh gốc, chú ý đôn cao khoảng 5 cm để bảo vệ và giữ cây măng đứng thẳng trước gió bão.
5. Cách chăm sóc cây măng tây
- Tưới nước: Vào mùa nắng đất khô nhanh thì có thể tưới một ngày từ 2 – 3 lần, chú ý tránh tưới nước cho măng tây vào sau 5 giờ chiều để tránh làm ảnh hưởng đến những mầm măng mới nhú, có thể phủ rơm rạ, tro trấu hoặc sơ dừa để có thể giữ ẩm mỗi khi nắng gắt.
- Bón phân: Sau khi trồng được 15 – 20 ngày thì tiến hành bón thúc lần 1 bằng phân phức hợp NPK đầu trâu 15 – 15 – 15 pha với tưới vào gốc cây. Tiến hành vun đất nhẹ cho gốc cây để có thể bảo vệ bộ rễ.
- Cắt tỉa và làm cỏ: Măng tây rất nhiều cỏ, chúng mọc khá nhanh và bám rất chắc vào đất. Cho nên sau khi trồng măng tây thì cần phải chú ý nhặt cỏ thường xuyên và liên tục. Kiểm tra tỉa bỏ cây già, cây quá cao, cây nhỏ, còi cọc và tỉa bớt các cành lá vàng ở phần gốc để tạo độ thông thoáng tránh hình thành sâu bệnh gây hại và kích thích được việc trổ măng con.
6. Thu hoạch măng tây
Măng tây sau khi trồng từ 6 – 9 tháng sẽ cho thu hoạch măng tơ, khi các cây măng con đạt chiều cao từ 20 – 30 cm thì có thể tiến hành thu hoạch măng và sử dụng.