Trồng bầu hồ lô siêu dễ, chắc hẳn trong các bạn ai cũng đã từng bị ấn tượng bởi quả bầu hình hồ lô, vừa đẹp mắt lại vừa mang ý nghĩa của sự thịnh vượng đúng không nào. Hay hơn nữa là chính bạn cũng có thể tự gieo hạt giống hồ lô và tự chăm sóc để tận thu được nhiều quả đẹp đấy. Còn gì thích thú hơn khi sở hữu những thứ tuyệt vời mà mình làm ra nữa chứ. Vậy xin mời hãy chuẩn bị để học cách trồng bầu hồ lô siêu dễ qua bài viết dưới đây.
Lần cập nhật nội dung gần nhất: 5/10/2020.
A. Chuẩn bị trồng bầu hồ lô
– Thời gian trồng: Quanh năm.
– Đất trồng: Có thể sử dụng các gói bao đất được bày bán ở các cửa hàng vật tư nông nghiệp để trồng bầu hồ lô.
– Chậu trồng: Nên chọn những chậu có đường kính 30 cm hoặc lớn hơn, nếu dùng chậu 30 cm thì nên trồng 1 cây trong 1 chậu, với thùng xốp cỡ to thì trồng 2 – 3 cây thoải mái. Với bầu hồ lô thì chậu càng to cây sẽ càng to và khi cây càng to thì ra càng cho ra nhiều quả.
– Hạt giống: Bạn có thể mua hạt giống bầu hồ lô theo gói ở các cửa hàng uy tín, giá chỉ từ 10,000 – 40,000 VNĐ tùy giống và công ty sản xuất. Hiện có 2 giống phổ biến là giống ngắn ngày ( thu hoạch sau 42 ngày gieo trồng ) và giống thường ( thu hoạch sau từ 50 – 55 ngày kể từ khi gieo trồng ).
– Vị trí trồng: Bầu hồ lô có thể trồng dưới đất, trong bồn cây, trong chậu nơi sân vườn hay sân thượng đều được.
B. Ươm hạt
Vỏ hạt giống bầu hồ lô khá dày và cứng nên trước khi gieo có thể ngâm vào nước ấm nhẹ từ 4 – 12 giờ trước khi gieo. Trước khi ươm cần xới sáo cho đất tơi xốp, đặt hạt giống lên đất ở tư thế nằm ngang và phủ lên trên một lớp đất dầy 1 – 2 cm.
Khi gieo hạt xong cần tiến hành cần phun sương hoặc tưới nhẹ cho hạt có đủ độ ẩm để nẩy mầm, sau từ 7 – 14 ngày hạt sẽ nhú mầm và mọc thành cây con. Lưu ý trong giai đoạn này cần đặt chậu ươm ở vị trí tránh lũ chuột phá hoại hoặc có biện pháp đậy miệng chậu bằng lưới hoặc bìa để tránh chuột ăn mất hạt.
C. Kỹ thuật trồng bầu hồ lô
Sau khi đã có trong tay số lượng kha khá cây con, lúc này cần tiến hành điều chỉnh khoảng cách giữa 2 cây sao cho phù ( từ 20 cm trở lên ) để chúng có đủ không gian phát triển. Thực hiện thật nhẹ nhàng tránh làm hư rễ cây con.
Cũng cầnlàm giàn để phụ trợ cho việc leo bám của cây. Giàn có thể làm từ nhiều chất liệu như dây thép, dây thừng nhưng ưu tiên số một vẫn là tre nữa vì nắng nóng sẽ không gây tổn thương nhiều đến dây bầu. Kích thước của giàn tùy chọn tùy vào không gian và diện tích của sân vườn hay ban công nhà bạn.
Cây 1 tháng tuổi sẽ ra hoa và đậu trái, thường thì ở một cây số lượng hoa đực sẽ vượt trội hơn hoa cái, hoa tự thụ phấn nhờ gió hoặc côn trùng. Hoa đực ngắn, cánh hoa to hơn hoa cái, hoa cái dài hơn hoa đực do có phần bầu bên dưới. Sau khi đã được thụ phấn thành công thì chỉ sau 1 đến 2 ngày hoa cái sẽ cong xuống và hình thành trái non, lúc này trái sẽ bắt đầu lớn rất nhanh.
Việc chăm sóc giàn bầu hồ lô cũng khá đơn giản. Cây cao khoảng 1 m có thể dùng bã chè đắp quanh gốc và tưới nước vo gạo hay nước sạch hằng ngày. Sau 1 – 2 tháng cũng nên bổ sung thêm đất mới vào gốc để bầu có thêm chất dinh dưỡng. Nếu giàn bầu của bạn đậu nhiều quả cần tiến hành buộc dây đỡ quả để giảm sức nặng cho thân cây cũng như phòng tránh việc đổ giàn khi có gió bão.
D. Thu hoạch
Bầu hồ lô thích hợp với nhiều món ăn của gia đình nên ngay từ khi quả non, còn lông tơ, gõ nhẹ nếu nghe thấy tiếng đục thì có thể sử dụng được. Bầu non được chế biến như một món rau, các món từ bầu như luộc chấm mắm ăn rất ngọt và thơm, hay món bầu xào theo khẩu vị của từng nhà.
Bạn nào muốn làm bình đựng nước hay vật trang trí trong nhà thì nên để quả già bởi vì trái bầu rất dễ thối phần vỏ nếu còn non, đối với quả đã già cứ để trên giàn đến khi giàn bầu tàn quà sẽ tự khô. Sau đó hái xuống, cắt phần cuống và moi hết ruột và hạt ra, trực tiếp vẽ lên trái bầu bằng màu Acrylic 3D hoặc bất kì loại màu nào có độ bám tốt, sau cùng phun 1 lớp sơn bóng lên là có thể bảo quản được lâu và đem ra sử dụng như một vật trang trí bắt mắt.