Thối gốc cây đu đủ và biện pháp quản lý.
Lần cập nhật nội dung gần nhất: 5/9/2020.
A. Tác nhân gây bệnh thối gốc cây đu đủ
Bệnh do nấm Phytophthora palmivora, Phytophthora nicotianae gây ra.
B. Triệu chứng
Bệnh thường gây hại ở cây lớn, đôi khi cây con trong vườn ươm cũng bị bệnh làm héo gục trong một thời gian ngắn. Vết bệnh đầu tiên xuất hiện ở gốc cây giáp mặt đất, sau đó lan rộng ra quanh thân, có màu nâu đen và thối rữa, lá trên cây bị vàng rũ rồi rụng đi, lần lượt từ lá dưới đến lá trên, cuối cùng chỉ còn trơ lại đọt, quả cũng bị rụng, cả cây bị chết và đổ ngã. Phần mô thân bị thối rữa chỉ còn lại xơ trông giống như tổ ong. Bệnh cũng lan xuống làm thối rễ.
Những vườn đu đủ thường hay ngập, không thoát nước tốt hoặc ẩm độ quanh gốc cây càng cao thì bệnh càng phát triển mạnh. Nấm tồn tại trong đất, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ tấn công cây.
C. Phát sinh bệnh thối gốc cây đu đủ
Bệnh phát triển mạnh khi độ ẩm đất cao đi kèm với dải nhiệt độ rộng từ 20 – 30oC.
D. Biện pháp quản lý
Đất trồng đu đủ cần cao ráo, thoát nước tốt, không để gốc quá ẩm.
Xử lý đất trước khi trồng bằng vôi bột hoặc chế phẩm Bima, …
Không nên trồng quá dầy, đồng thời thường xuyên vệ sinh vườn tược, làm sạch cỏ dại trong vườn và cỏ rác tủ dưới gốc đu đủ để vườn luôn được thông thoáng, khô ráo.
Trong quá trình chăm sóc, làm cỏ, … cố gắng đừng tạo vết thương xây xát cho cây, nhất là phần gốc, rễ.
Duy trì pH thích hợp từ 6 – 6.5.
Cây bị bệnh nên nhổ và đào bỏ cả gốc, rễ mang đi tiêu hủy.
Khi vườn chớm bị bệnh cần cắt giảm bớt lượng phân đạm. Nếu bệnh nặng có thể ngưng hẳn việc bón phân đạm, đồng thời bón bổ xung thêm phân lân và kali, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục cho cây ( nhất là phân gà ).
Có thể dùng thuốc Aliette 80WP; Forthane 80WP; Manozeb 80WP; Ridomil Gold 68WWG, … để phun xịt ( chủ yếu ở phần gần dưới gốc ).
Tài liệu tham khảo
- Hướng dẫn cách phòng trừ bệnh thối gốc gây hại trên cây đu đủ – hlc.net.vn;
- Phòng trừ bệnh hại đu đủ – tstcantho.com.vn;