Bộ sưu tập
Đỗ quyên ta hay sơn trà hoa ( tránh nhầm với cây hoa sơn trà Camellia sasanqua tức cây trà mai hay cây sơn trà Camellia japonica tức cây trà mi, sơn trà Nhật Bản ), sơn thạch lựu, mãn sơn hồng, báo xuân hoa vốn nằm trong chi Đỗ quyên Rhododendron ( có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp với rhodos mang nghĩa là “hoa hồng”, và dendron với nghĩa là “cây” ) thuộc họ Thạch Nam Ericaceae. Được biết đây là một chi lớn với khoảng từ 850 – 1.000 loài và hầu hết các loài trong chi này đều có hoa rực rỡ. Đỗ quyên là quốc hoa của Nepal. Nhiều loài đỗ quyên được trồng làm cây cảnh. Một số loài khác còn có tác dụng chữa bệnh.
Chi Đỗ quyên có đặc điểm là cây bụi và lớn ( hiếm ), những loài nhỏ nhất cao khoảng chừng 10 – 100 cm, loài lớn nhất là R. giganteum, được ghi nhận là cao tới 30 m. Lá cây xếp theo hình xoắn ốc; kích thước lá có thể từ 1 – 2 cm có khi tới hơn 50 cm, ngoại lệ là R. sinogrande có lá dài 100 cm. Đỗ quyên hoặc có thể là cây thường xanh hoặc cây rụng lá theo mùa. Ở một số loài, mặt dưới lá có phủ vảy hoặc lông tơ. Một số loài nổi tiếng vì hoa nở thành chùm lớn. Có các loài vùng núi có hoa và lá nhỏ, và một số loài nhiệt đới sống bám ở dạng tầm gửi.
Có thể kể ra một số loài đỗ quyên ta được sưu tầm ở Việt Nam như:
♦♦♦ Đỗ quyên ta Rhododendron molle là một loài thực vật có hoa trong họ Thạch nam. Loài này được (Blume) G. Don miêu tả khoa học đầu tiên năm 1834.
♦♦♦ Đỗ quyên ta hoa hồng ( còn được gọi là Hồng đỗ quyên, Hồng trích trục ) là loài cây bụi nhỡ, có thể cao đến 3 m, phân cành nhiều, cành có lông và có hoa màu hồng đỏ (hoặc hồng nhạt). Cây có tên khoa học là Rhododendron simsii. Đỗ quyên hoa đỏ là cây bụi, cao khoảng 2,5 m, mọc rải rác trong rừng, hoa màu đỏ, nở vào dịp tết Nguyên đán. Loài đỗ quyên này phân bố ở Việt Nam ( chủ yếu tại Sa Pa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Kon Tum ) và Đài Loan.
02 loài cây đỗ quyên ta mới được bổ sung vào danh lục thực vật Vườn Quốc gia Hoàng Liên
♦♦♦ Rhododendron valentinianum Forrest ex Hutch ( Được công bố trên Notes Roy. Bot. Gard. Edinburgh 12(56): 45 – 51 1919., và là tên chính thức được sử dụng cho loài ). Đồng nghĩa Rhododendron valentinianum var. valentinianum.
Đây là cây bụi có chiều cao từ 0,3 – 3,0m; cành già có màu xám đậm, nhẵn, cành ngắn; Cành non có vảy và phủ lông dày màu nâu; Cuống lá to, có vảy hoặc lông cứng; Lá chất da, dày, hình trứng thuôn mặt dưới có vảy dày, lúc non có vảy màu gỉ sắt. Mặt trên lúc non có vảy màu trắng phủ dày, sau nhẵn. Mép lá có lông cứng, gân giữa và gân bên nổi rõ ở mặt dưới, không rõ ở mặt trên; Cụm hoa chùm mọc đầu cành 2 – 4 hoa, màu vàng có mùi thơm dễ chịu. Cuống hoa dài 0,5 – 1,5 cm; có vảy, đài hoa xẻ thùy 5, tồn tại trên quả. Tràng hoa hình chuông, có lớp vảy dày màu trắng phủ bên ngoài, nửa dưới của tràng. Nhị 10, không bằng nhau, ngắn hơn cánh tràng, chỉ nhị có lớp lông màu trắng dài, dày ở nửa dưới. Bầu 5 ô, có vảy dày, nhụy hơi cong xuống, dài bằng cánh tràng hoặc ngắn hơn nhị, có vảy ở nửa dưới. Mùa hoa nở từ tháng 4 đến tháng 6.
♦♦♦ Rhododendron agastum var. pennivenium ( Balf. f. & Forrest ) T.L. Ming, được công bố lần đầu trên Acta Bot. Yunnan. 6(2): 152 – 153 1984. Đồng nghĩa Rhododendron pennivenium Balf. f. & Forrest và Rhododendron tanastylum var. pennivenium ( Balf. f. & Forrest ) D.F. Chamb.
Đây là cây bụi, cao 2 – 3 m; Cành già nhẵn, thô, cành non có lông mào và tuyến thưa; Cuống lá hình trụ, dài 10 – 20 mm, cuống có lông tơ và hoặc lông dạng tuyến. Phiến lá mỏng, hình trứng thuôn dài đến mác rộng, đáy lá gần tròn hoặc hình nêm, mép lượn sóng, đầu lá nhọn, mặt dưới lá khi non có một lớp lông nhung mỏng, lá trưởng thành nhẵn, mặt trên xanh, nhẵn; Gân giữa nổi rõ mặt dưới, gân bên 12 – 13 đôi; Cụm hoa chụm, mọc đầu cành, 5 – 10 hoa, cuống hoa thô, 1 – 1,5 cm; nhẵn, đài hoa hình đĩa, xẻ 5 – 7; Tràng hoa hình chuông, cánh tràng xẻ 5, màu đỏ tươi, có những đốm màu đỏ sẫm; Nhị 10 – 14, không bằng nhau; Nhụy và chỉ nhị nhẵn; bầu hình trụ, lớp lông nhung màu trắng, dày. Mùa hoa nở từ tháng 5 – 6, quả tháng 7 – 9.
Loài thường mọc ở những khu rừng hỗn giao, các khu rừng lá rộng, các thung lũng, ở độ cao 1900 – 3300 m so với mực nước biển. Loài này có phân bố ở Trung Quốc, Mianma và Việt Nam. Ở Vườn Quốc Gia Hoàng Liên, có thể bắt gặp gần khu vực Trạm Tôn và tuyến Trạm Tôn – Phan Xi Păng.
Phân bố chi đỗ quyên
Đỗ quyên là chi lớn có phân bố rất rộng, xuất hiện ở hầu khắp Bắc bán cầu ngoại trừ các vùng khô hạn, và trải dài xuống Nam bán cầu ở Đông Nam Á và vùng bắc Australasia. Trong đó sự đa dạng loài cao nhất được tìm thấy ở vùng núi Himalaya từ Uttarakhand, Nepal và Sikkim tới Vân Nam và Tứ Xuyên Trung Quốc, ngoài ra ở các vùng núi khác cũng có độ đa dạng cao như ở Đông Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Hơn nữa cũng thấy có rất nhiều loài đỗ quyên nhiệt đới gốc Đông Nam Á và Bắc Úc. Dựa trên quan sát, người ta đã ghi nhận 55 loài ở Borneo và 164 loài ở New Guinea. Có tương đối ít loài tại Bắc Mỹ và châu Âu, và chưa tìm thấy đỗ quyên ở Nam Mỹ hay châu Phi.
Ở Việt Nam đỗ quyên chỉ có chủ yếu tại vùng núi Sa Pa ( tỉnh Lào Cai ), Bạch Mã ( tỉnh Thừa Thiên Huế ), Tam Đảo ( tỉnh Vĩnh Phúc ), Đà Lạt ( tỉnh Lâm Đồng ) gặp rất nhiều cây hoa Đỗ Quyên mọc tự nhiên. Riêng trong Vườn quốc gia Hoàng Liên đã có tới 30 loài hoa Đỗ Quyên được phát hiện.
Đặc điểm sinh trưởng
– Ánh sáng: Các loài đỗ quyên thường ưa nửa bóng, rất kỵ chiếu sáng mạnh và ánh sáng trực tiếp. Vì vậy, mùa chiếu sáng mạnh thì nên đưa cây vào nơi râm mát để chăm sóc. Các chủng loại hoa đỗ quyên khác nhau thì có sức đề kháng với ánh sáng cũng khác nhau.
– Nhiệt độ: Đỗ quyên là loài ưa mát, không thích hợp với môi trường ánh sáng, nhiệt độ cao. Do vậy nhiệt độ thích hợp là từ 15 – 25oC.
– Đất: Đỗ quyên thích hợp với những loại đất chua, trồng trong đất hơi kiềm thì sau mấy tháng lá sẽ vàng và cây chết dần. Đỗ quyên là cây chỉ thị cho vùng đất chua. Chúng ưa đất nhiều mùn, tơi xốp phì nhiêu và giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt và thoáng khí; pH từ 4,2 – 6 là vừa, tốt nhất là đất mùn rừng thông.
– Nước: Bộ rễ đỗ quyên rất phát triển nhưng rễ bé và rất nhạy cảm với nước, vừa sợ hạn cũng vừa sợ úng. Đỗ quyên ưa nước hơi chua, nếu như tưới nước kiềm và hơi kiềm thì sẽ làm cho đất chua trở nên kiềm, gây ảnh hưởng đến cây .Để tăng độ chua cho nước có thể pha thêm sunfat sắt hoặc dấm ăn vào nước tưới.
– Độ ẩm: Độ ẩm không khí cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của Đỗ quyên. Độ ẩm thích hợp từ 70 – 90%…
Thông tin thêm
1. Tác dụng dược lý
Các loài trong chi Đỗ quyên vốn từ lâu đã được sử dụng trong nền y học cổ truyền. Các nghiên cứu trên động vật thí nghiệm và nghiên cứu in vitro đã xác định các tác dụng chống viêm và bảo vệ gan có thể có thể là do tác dụng chống oxy hóa của flavonoid hoặc các hợp chất phenolic và saponin khác có trong cây. Xiong et al. đã phát hiện ra rằng rễ của cây có thể làm giảm hoạt động của NF-κB ( nuclear factor kappa-light-chain-enhancer of activated B cells ) ở chuột.
2. Độc tính
Độc tính của đa phần các loài hoa trong chi Đỗ quyên bắt nguồn từ Grayanotoxin – một nhóm các chất độc thần kinh có trong phấn hoa của chúng. Khả năng gây độc của Grayanotoxin dựa trên khả năng can thiệp vào các kênh natri điện áp cổng trong màng tế bào của các nơron thần kinh. Kích thích kênh natri kéo dài và sự khử cực tế bào dẫn đến sự kích thích quá mức hệ thống thần kinh trung ương. Các triệu chứng của cơ thể do ngộ độc Grayanotoxin phụ thuộc vào liều lượng xuất hiện sau một khoảng thời gian tiềm tàng từ vài phút đến khoảng chừng ba giờ. Các triệu chứng lâm sàng phổ biến nhất bao gồm các tác động tới tim mạch khác nhau, buồn nôn và mất ý thức. Các tác động tới tim mạch có thể như hạ huyết áp ( huyết áp thấp ) và các rối loạn nhịp tim khác nhau như nhịp xoang tim chậm ( nhịp tim chậm đều ), nhịp tim chậm ( nhịp tim chậm không đều ) và chẹn tâm nhĩ thất ( hiện tượng tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn sự dẫn truyền xung động điện từ tâm nhĩ xuống tâm thất, làm ảnh hưởng đến hệ thống xung điện điều khiển nhịp tim )
Các triệu chứng khởi phát sớm khác có thể bao gồm hoa mắt, chóng mặt, tăng tiết nước bọt, ra mồ hôi, người yếu dần, dị cảm ở các chi và xung quanh miệng. Ở liều cao, các triệu chứng có thể bao gồm:
– Tê liệt.
– Nhược cơ tạm thời hoặc lâu dài.
– Thay đổi sự ghi điện tim do phong bế bó nhánh ( một sự khuyết thiếu các nhánh bó His trong hệ dẫn truyền điện thế của tim ) và/hoặc ST chênh lên được biết là chứng thiếu máu cơ tim cục bộ và nhịp nút tâm nhĩ – thất ( nodal rhythm ) hoặc hội chứng Wolff – Parkinson – White ( một bệnh liên quan đến sợi điện thế trong tim. Bình thường, một tính hiệu điện thế sẽ bắt đầu tại một phần của tim (nút xoang nhĩ phải) và bị truyền băng qua vùng giữ tâm nhĩ và tâm thất ( nút nhĩ thất ), đến những phần khác của tim ( tâm thất ). Trong bệnh lý này, có 1 sự bất thường về nối kết điện thế do sự đi qua nút nhĩ thất, có thể đưa đến nhịp tim nhanh hoặc bất thường )
Trung gian chính của sinh lý bệnh học Grayanotoxin này chính là dây thần kinh phế vị hai bên ( dây thần kinh sọ thứ mười ). Được biết dây thần kinh phế vị là thành phần chính của hệ thống thần kinh giao cảm (một nhánh của hệ thống thần kinh tự quản ) và kết nối các cơ quan khác nhau bao gồm phổi, dạ dày, thận và tim. Dây thần kinh phế vị là dây thần kinh đối giao cảm chính của cơ thể chịu trách nhiệm cho phản xạ ( co thắt ) họng, làm chậm nhịp tim, kiểm soát mồ hôi, điều hòa huyết áp, kích thích đường tiêu hóa và kiểm soát trương lực mạch máu. Trong một nghiên cứu, việc sử dụng thử nghiệm Grayanotoxin trên chuột đã cắt dây thần kinh phế vị hai bên không gây ra nhịp tim chậm, một triệu chứng phổ biến của ngộ độc Grayanotoxin. Kích thích dây thần kinh phế vị của cơ tim, đặc biệt nhất đó là được trung gian bởi các Thụ thể acetylcholine Muscarinic M2 ( hay còn gọi là mAChR ). Trong trường hợp ngộ độc Grayanotoxin cấp tính, atropine ( một tác nhân đối kháng mAChR không đặc hiệu hoặc đối kháng Muscarinic ) có thể được sử dụng để điều trị nhịp tim chậm và các rối loạn nhịp tim khác.
Bệnh nhân tiếp xúc với liều thấp Grayanotoxin thường hồi phục trong vòng vài giờ. Trong trường hợp nặng, các triệu chứng có thể tồn tại trong 24 giờ hoặc lâu hơn và có thể cần đến điều trị y tế ( như mô tả ở trên ). Mặc dù gây ảnh hưởng đến tim, ngộ độc Grayanotoxin hiếm khi thấy gây ra tử vong ở người.
Đặc biệt, mật ong làm từ mật hoa có nguồn gốc từ phấn hoa trong số những cây thuộc chi này có chứa nhiều Grayanotoxin và thường được gọi là mật ong điên vì gây độc cho ong mật và có màu sẫm đỏ. Được biết đây là sản phẩm được sản xuất và tiêu thụ thường xuyên nhất ở các khu vực của Nepal và Thổ Nhĩ Kỳ như một loại chất gây hưng phấn do có tác dụng giống như cần sa và trong y học cổ truyền.
Một trong những ghi chép cổ nhất về mật ong điên là của nhà sử học Xenophon của Athens, kể lại chuyến đi cùng lực lượng các đơn vị lính đánh thuê lính chủ yếu là người Hy Lạp mang tên Ten Thousand ( tiếng Hy Lạp cổ đại: ἱοἱ Μύριοι, oi Myrioi ) hành quân qua Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 401 TCN. Những người này ăn mật lấy từ những tổ ong dọc đường. Vài giờ sau, toán lính nôn mửa, bị tiêu chảy, mất phương hướng và không thể đứng vững nhưng tất cả lại bình thường vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên, đã có một đội quân La Mã không may mắn như vậy. Vào năm 67 TCN, tướng Pompey Vĩ đại của đế quốc La Mã dẫn đoàn quân của mình truy đuổi vua Ba Tư Mithradates VI dọc bờ Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay trong Chiến tranh Mithridatic lần thứ ba. Họ gặp rất nhiều hũ mật ong bên đường mà không hề biết đó là bẫy do người Pontic cố tình để lại. Sau khi ăn mật, những người lính La Mã đã không thể chống trả khi quân Ba Tư kéo đến dẫn đến số lượng thương vong vô cùng lớn. Có thể nói, đây chính là vũ khí hóa học đầu tiên trong lịch sử.
Như có nhắc ở trên, dù chứa độc tố, mật ong điên lại được người dân Nepal hay Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng trng hàng nghìn năm qua như một vị thuốc để chữa bệnh tiêu chảy, cao huyết áp, điều trị đau nhức do viêm khớp và giúp đời sống vợ chồng thăng hoa. Họ tin rằng chỉ cần ăn ít nhất một thìa mật hàng năm để cải thiện sức đề kháng. Người địa phương còn đun sôi mật với sữa và uống một chút trước mỗi bữa sáng.
Nếu có dịp đến Nepal, bạn hãy hỏi dân địa phương để thử đặc sản này. Nhưng hãy cẩn thận khi thưởng thức, đừng phết mật lên bánh mì, hay rưới lên sữa chua hoặc cố tình phớt lờ cảnh báo mà ăn như mật ong bình thường. Một thìa nhỏ trên đầu lưỡi là quá đủ, nếu không bạn có thể trở thành một trong số những du khách ngộ độc mật ong điên hàng năm.
Năm 2016, David Caprara, phóng viên Vice, đồng hành cùng thổ dân Gurung đi săn mật ong điên. Ngay khi nếm khoảng hai thìa mật ong vừa hứng từ tổ, David đã cảm thấy cực kỳ hưng phấn như vừa hít cần sa vậy, còn vài thợ săn mật thì ngất lịm. May mắn, không ai bị nôn mửa hay mắc triệu chứng nguy hiểm nào.
Một người đàn ông Hồng Kông từng bị ngộ độc vì đặc sản này vào năm 2017. Khoảng 45 phút sau khi ăn một thìa mật ong điên do được bạn mua tặng từ Nepal, nạn nhân thở gấp, mất cảm giác và người yếu dần, phải nằm viện một ngày để điều trị.
Cách trồng hoa đỗ quyên ta
1. Nhân giống
Để nhân giống cây hoa đỗ quyên ta người ta thường dùng các phương pháp giâm cành, gieo hạt và chiết. Đối với giâm cành có thể tiến hành vào tháng 5 hoặc tháng 10, chiết là vào tháng 4 – 5, còn gieo hạt thì vào vụ xuân. Phương pháp giâm và chiết thì nhanh cho cây thành phẩm hơn so với gieo hạt.
2. Đất trồng
– Tiến hành trộn đất trồng với tỷ lệ như sau: 20% phân bò Better đã qua xử lý + 50% đất sạch Better + 30% đất mùn chua ( nếu có đất mùn rừng thông thì là tốt nhất ).
– Chọn chậu: Căn cứ vào dạng thân và tán để quyết định chọn chậu trồng. Đỗ quyên là loài mọc cạn vì vậy nên chọn chậu nông tốt hơn là chậu cao.
– Trồng vào chậu: Sử dụng chậu có lỗ ở đáy, dùng lưới nilon lót dưới đáy chậu sau đó dùng mấy viên gạch vụn và sỏi trắng xếp lên trên, dày khoảng 2 – 3cm. Đổ đất vào khoảng 1/2 – 2/3 chậu + 0,2 – 0,3kg phân Better hữu cơ sinh học HG01 trộn đều phân vào đất và chuyển cây dần vào chậu, chú ý để bộ rễ tự do rồi bỏ thêm đất vào và lấy tay nén nhẹ . Thường 2 năm sẽ thay chậu 1 lần, trước khi thay phải tưới nước trước 1 – 2 ngày để chậu và đất rời nhau. Khi sang chậu có thể cắt bớt rễ để cây xúc tiến ra rễ mới, cắt bớt cành để điều chỉnh cân bằng của lá và rễ.
3. Phân bón
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, Đỗ quyên ta cần được đáp ứng đủ các loại dinh dưỡng từ đa lượng cho đến vi lượng. Ở mỗi thời kỳ sinh trưởng nhu cầu về phân bón khác nhau. Để cây phát triển cành nhánh trong giai đoạn đầu hoặc phục hồi cây sau khi hoa tàn thì nên sử dụng phân Better NPK 16 – 12 – 8 – 11 + TE, giai đoạn hình thành nụ, ra hoa và dưỡng hoa tiến hành sử dụng NPK 12 – 12 – 17 – 9 + TE. Cây từ 4 – 5 năm tuổi thì mỗi lần cho bón 10 – 20g/cây; cây 6 – 7 năm thì mỗi lần bón 20 – 40g/cây. Mỗi năm cần bón thêm phân Better hữu cơ sinh học HG01 để tăng lượng mùn trong đất giúp bộ rễ phát triển tốt, lượng bón từ 0,2 – 0,5kg/chậu tùy vào kích thước cây.
4. Chăm sóc cây đỗ quyên ta
– Tỉa cành: Cắt tỉa những cành bị sâu bệnh, cành yếu, khô, hay các cành mọc dày kết hợp với việc cắt tỉa tạo tán để cây sinh trưởng, phát triển theo ý muốn. Thời gian cắt tỉa tạo hình có thể chia ra làm 2 giai đoạn: mùa sinh trưởng và kỳ ngủ nghỉ. Vào mùa sinh trưởng, ta tiến hành ngắt ngọn, uốn cành, chỉnh dày thưa,… Đến kỳ ngủ nghỉ thì ta chủ yếu là cắt cành sâu bệnh và cành yếu. Nên cắt những cành già và ngắn để mọc ra cành mới.
– Nuôi cây thời kỳ đặt trong nhà: Khi trưng bày trong phòng phải chú ý để nơi có ánh sáng, thoáng gió. Hằng ngày phải chú ý chuyển chậu hoa ra ngoài, để qua đêm. Trong kỳ ra hoa nên nhớ không được tưới vào hoa. Thời gian trưng bày trong phòng không được để quá lâu, trong vòng khoảng 1 tháng phải thay đổi đưa chậu ra vườn để chăm sóc.
– Điều chỉnh thời kỳ ra hoa:
+ Điều kiện ra hoa ( ánh sáng và nhiệt độ ): Ban ngày > 27oC, ban đêm > 18oC thì mới ra hoa nhiều. Nụ hoa cũng yêu cầu thời gian chiếu sáng từ 5 – 16h/ngày.
+ Sự phân hoá chồi hoa và hoa nở: Chịu ảnh hưởng của đặc tính từng loài.
+ Phương pháp xử lý để hoa nở sớm: Tăng cường chăm sóc, cho các cành mới mọc nhanh. Đến khi cây hoàn thành việc phân hoá chồi hoa thì bắt đầu ít tưới nước lại, chiếu sáng nhẹ, hạ thấp nhiệt độ, bảo đảm đất trồng ẩm vừa phải…
5. Một số sâu bệnh hại thường gặp
– Bệnh thối rễ
⇒ Nguyên nhân: Do quản lý nước và phân không thoả đáng, như phân quá nhiều, nước ẩm quá lâu làm cho cây con bị chết.
⇒ Biểu hiện: Lá chuyển vàng, một phần lá rụng, lá mới, chồi non cành không bóng, dần dần héo.
⇒ Phòng trừ: Rửa sạch rễ, rồi cắt bớt rễ và cành lá. Sau đó rửa sạch chậu và thay đất mới, rồi trồng cây lại. Tưới nước cho cây và để nơi khô mát nuôi dưỡng.
– Bệnh phồng lá
⇒ Nguyên nhân: Thường là do nấm gây ra.
⇒ Biểu hiện: Trên lá non có các đốm phồng đỏ, mặt sau lá lồi lên.
⇒ Phòng trừ: Thực hiện chế độ kiểm dịch, cần cải thiện điều kiện thoáng gió xung quanh, tăng độ chiếu sáng và bón phân hợp lý. Phải kết hợp tỉa cành với xới xáo để nâng cao sức sinh trưởng của cây.
– Bệnh rỉ sắt
⇒ Biểu hiện: Trên cả 2 mặt lá xuất hiện các đốm nhỏ màu vàng, nâu hoặc nâu vàng, đường kính 2 – 6mm.
⇒ Phòng trừ: Khử trùng các xác cây bệnh, lấy các cành lá rụng đốt đi. Sử dụng các loại thuốc hợp chất lưu huỳnh, vôi để giảm nhẹ tình hình bệnh.
– Bệnh phấn trắng
⇒ Mức độ thường gặp: Cây rất dễ bị bệnh này khi trong mùa sinh trưởng mà điều kiện thông gió kém, thiếu ánh sáng.
⇒ Biểu hiện: Trên lá, cành non và hoa có các đốm tròn mất màu và trên lá xuất hiện các bột màu trắng.
⇒ Phòng trừ: trong mùa phát bệnh có thể dùng Benlate 0,1% cách 7 ngày phun một lần, phun 3 lần là khỏi.
– Rệp sáp
⇒ Biểu hiện: Xuất hiện trên lá và cành non với thân trắng sáp hiện rõ trên mặt lá, dễ phát sinh ở những nơi điều kiện không thông gió.
⇒ Phòng trừ: Phun cồn hoặc nước rửa sạch.
– Nhện đỏ
⇒ Biểu hiện: Mặt sau lá hình thành các đốm nhỏ màu nâu hoặc cả lá màu nâu.
⇒ Phòng trừ: Phun hợp chất lưu huỳnh – vôi để tiêu diệt, kết hợp với xới xáo, diệt cỏ dại. Cắt bỏ cành bị bệnh, phun thuốc diệt nhện. Lợi dụng các loài thiên địch như bọ rùa, chuồn cỏ, ruồi ăn rệp, ong ký sinh.
Địa chỉ bán đỗ quyên ta uy tín chất lượng ?
Địa chỉ: Ngách 68/45, ngõ 68, đường Nguyễn Văn Linh, Long Biên. Đối diện với Tổng công ty may 10, Hà Nội.
- Quý khách xin vui lòng liên hệ với Cây cảnh Hải Đăng để được các chuyên viên của chúng tôi tư vấn lựa chọn sản phẩm cây đỗ quyên ta phù hợp.
- Chúng tôi sẽ chụp ảnh sản phẩm cho quý khách nếu có yêu cầu.
- Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ hàng hóa đảm bảo chất lượng và đúng quy cách trước khi giao.
- Quý khách ở xa vui lòng tiến hành chuyển khoản trước. Nếu quý khách ở nội thành có thể áp dụng ship nhanh với chi phí 40k một lần ship.
Tài liệu tham khảo
- Hoa đỗ quên ta – caycanh4mua.com
- Vườn quốc gia Hoàng Liên – hcc.viettel.vn
- WIkipedia Tiếng Anh
- Wikipedia Tiếng Việt
- Mật ong điên – vnexpress.net
Xem thêm ý nghĩa và sự tích hoa đỗ quyên