Cây trắc bách diệp chuẩn giống.
Sửa chính tả và điều chỉnh lại nội dung: 27/3/2025;
Hình ảnh cây trắc bách diệp


Cây giống trắc bách diệp tại nhà vườn Hải Đăng

- Cây giống được gieo trồng bằng hạt.
- Cây đóng bầu có rễ và cao từ 15 – 20 cm.
- Giá bán cây trắc bách diệp tùy kích cỡ. Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp.
- Giá bán chưa bao gồm phí vận chuyển và có thể điều chỉnh nếu mua số lương lớn.
Phân loại và gọi tên
Trắc bách diệp hay trắc bách, trắc bá, trắc bá diệp, bá tử nhân, bách tử nhân, bách thật, bá thực, trắc bá tử nhân, bách thử nhân, cúc hoa, bá thực, thuộc bài, … tên tiếng Anh là Chinese thuja (nhai bách Trung Quốc), Oriental arborvitae (trắc bá phương Đông), Chinese arborvitae, biota, Oriental thuja, Chinese cedar, … (danh pháp khoa học là Platycladus orientalis (L.) Franco; đồng nghĩa Biota elegantissima Beissn.) là loài thực vật thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae). Cây có nguồn gốc từ vùng đông bắc của Đông Á và Bắc Á.
Phân loại học
Mặc dù được chấp nhận là thành viên duy nhất trong chi, một số người đã gợi ý rằng các loài có quan hệ họ hàng gần như Microbiota decussata Kom. có thể được xem xét xếp vào trong chi Platycladus, nhưng điều này lại không được chấp thuận rộng rãi. Họ hàng khá gần khác là Juniperus và Cupressus, cả hai chi này đều tương thích ghép (graft-compatible) với Platycladus. Trong một số văn bản cổ, Platycladus thường được liệt vào chi Thuja, vốn phản ánh thông qua cái tên “Oriental thuja”, nhưng nó chỉ có liên hệ xa với chi Thuja. Những đặc điểm khác biệt có thể kể ra như nón (cone) riêng biệt, hạt không cánh và tán lá gần như không có mùi hương của Platycladus.
Mô tả cây
Theo sách “NHỮNG CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC VIỆT NAM” của GS.TS Đỗ Tất Lợi:
Trắc bách diệp là một cây có thể cao tới 6 – 8 m. Thân phân nhánh nhiều trong những mặt thẳng đứng làm cho cây có dáng đặc biệt. Lá mọc đối, dẹp hình vẩy. Nón hình trứng 6 – 8 vẩy dày. Hạt hình trứng, không có cạnh, màu nâu sẫm, có một sẹo rộng màu nhạt hơn ở phía dưới. Mùa hoa tháng 4. Mùa quả tháng 9 – 10.
Mẫu thu hái tại Bảo Lộc – Lâm Đồng, số hiệu mẫu TB300609 – Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh:
Dạng sống cây gỗ nhỏ; cao 1,5 m – 5 m; phân nhánh từ gốc, nhánh nhiều, màu nâu đỏ; các cành non có các vảy lá ôm sát thân đều nằm trên một mặt phẳng. Lá đơn, mọc đối thành 4 hàng lợp lên nhau ôm sát vào thân, hình vảy dài 2 – 2,5 mm; màu xanh bóng ở cành già nhạt hơn ở cành non. Hoa đơn tính cùng gốc. Thường các phân nhánh gần cuối có 1 – 2 nón cái ở các cành gốc và nhiều nón đực ở các cành ngọn, lá bắc là 4 vảy dạng lá ở gốc mỗi nón. Nón cái hình nón tròn mọc đầu cành ngắn, gồm 6 – 8 vảy dày màu vàng xanh bên ngoài, có 6 vảy dạng khô xác màu vàng nâu bên trong xếp trên 1 vòng và 2 vảy to ở trung tâm; vảy bên ngoài mặt trong phủ phấn trắng, hình xoan; dài 1,5 – 2 mm; rộng 0,6 – 1 mm. Nón đực hình đuôi sóc mọc ở đầu cành ngắn gồm 8 – 10 vảy hình xoan tròn. Vảy màu trắng hoặc vàng xanh, dài gần 1 mm, mặt trong chứa các túi phấn hình cầu màu xanh bao quanh một trục hình trụ chứa nhiều hạt phấn màu xanh, hình trứng. Hạt hình trứng nhọn, màu vàng đến nâu nhạt, dài 3 – 8 mm, nhẵn bóng.



🎍 Tham khảo thêm: Phong lộc hoa
Phân bố, thu hái và chế biến
Trắc bách diệp có nguồn gốc từ Tây Bắc Trung Quốc; cây có phân bố ở Mãn Châu, Viễn Đông Nga (tỉnh Amur và thành phố Khabarovsk). Hiện còn thấy cây được trồng ở một số nơi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, tiểu bang Florida và Iran.
Cây được trồng ở khắp nơi để làm cảnh và làm thuốc. Lá có thể hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào tháng 9 – 11, hái cả cành, cắt bỏ cành to, phơi khô trong mát.
Hạt trắc bách diệp hái vào mùa Thu, Đông, phơi khô, xát bỏ vẩy ngoài, lấy nhân phơi khô.
Thành phần hóa học
Theo sách “NHỮNG CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC VIỆT NAM” của GS.TS Đỗ Tất Lợi:
Trong lá và cành có tinh dầu và chất nhựa. Trong tinh dầu có Pinene C10H16, Caryophyllene C15H24. Có tài liệu nói có vitamin C.
Theo sự phân tích của Phòng hóa học thực vật Viện nghiên cứu khoa học Y học Trung Quốc (Bắc Kinh), trắc bách diệp có phản ứng của glucozit chữa tim.
Trong lá trắc bách diệp có những chất sau đây:
- Tinh dầu với thành phần chủ yếu gồm Fenchon C10H16O, Camphor C10H16O.
- Các hợp chất flavon: Quercetin C15H10O7, Myricetin C15H10O8 (Phytochemistry 1970, 9, 575), Hinokiflavon C30H18O10, Amentoflavone C30H18O10 (Pelter và cộng sự – Phytochemistry 1970, 9, 1897).
- Phần sáp sau khi xà phòng hóa sẽ được 81 % axit hữu cơ trong đó chủ yếu gồm những Axit juniperic C16H32O3, Axit sabinic C12H24O3 và 17% Hexadecane-1,16-diol. Các axit hữu cơ ở dạng estolide.
Trong hạt trắc bách diệp có chất béo và 0,64% saponozit (Viện y học Bắc Kinh 1958).
Tác dụng dược lý
Năm 1962 Bộ môn dược lý Trường đại học y dược Hà Nội có nghiên cứu tác dụng dược lý của trắc bách diệp trên súc vật. Kết quả như sau:
a. Thí nghiệm tác dụng trên thành mạch máu cô lập (phương pháp Kravkov). Tiến hành 18 thí nghiệm trên thỏ chừng 2 kg. Dùng dung dịch 100 % trắc bách diệp sao vàng đen, pha loãng với nước Ringer để cho chảy qua tai thỏ. Nồng độ 0,2 % – 0,5 %; – 0,8 %; – 1 % đều có tác dụng co mạch. Nồng độ 5 % – 10 % thấy có tác dụng giãn mạch.
b. Thí nghiệm tác dụng trên thành mạch máu cô lập còn lại dây thần kinh (phương pháp Nicôlaev). Tiến hành 4 thí nghiệm đều thấy tác dụng co mạch với liều 0,25/kg và 0,50/kg).
c. Thí nghiệm trên các yếu tố hữu hình và hóa học của máu
Đo thời gian Quick. Thí nghiệm trên 9 chó, 15 thỏ, cho uống cumarin với liều 6 mg/kg chia làm 3 lô: Một lô đối chiếu, một lô cho uống nước trắc bách diệp 100 % với liều 3 g/kg, một lô cho uống vitamin K với liều 0,1 g/kg cho chó và 0,025 g/kg cho thỏ.
Kết quả nhận thấy nước sắc trắc bách diệp có tác dụng giống như vitamin K: Làm giảm thời gian Quick tức là làm tăng tỷ lệ prothrombin trong máu sau khi đã dùng thuốc chống đông máu.
Nghiên cứu sức chịu đựng heparin ở ống nghiệm trên 3 con chó, đều thấy nước sắc trắc bách diệp làm tăng khả năng đông máu.
d. Thí nghiệm tác dụng trên tủ cung
Trên tử cung cô lập của thỏ thấy nhịp độ co bóp của tử cung mau hơn, biên độ rất cao so với mức bình thường. Tác dụng rõ rệt nhất với nồng độ 1 %. Với nồng độ 5 % trương lực cơ co bóp rõ rệt.
Trên tử cung thỏ tại chỗ với liều 0,2 g/kg; 0,4 g/kg và 0,5 g/kg thấy tử cung co bóp mạnh hơn mức bình thường.
e. Liều độc: Đã thí nghiệm nước sắc trắc bách diệp sao vàng đen trên thỏ, khỉ và chuột lang, thấy: Với thỏ liều 100 g/kg một lần thỏ không chết, sau 4 ngày theo dõi. Với khỉ liều 30 g/kg không làm chết, sau nửa tháng theo dõi (dung dịch 200 %). Với chuột lang liều 64 g/kg (dung dịch 400 %) không thấy chết.
🎍 Xem thêm sản phẩm: Ngũ gia bì để bàn
Cây trắc bách diệp có tác dụng gì ?
1. Công dụng chữa bệnh
Theo tài liệu cổ: Trắc bách diệp vị đắng, chát, hơi hàn, vào 3 kinh phế, can, đại tràng. Có tác dụng lương huyết, cầm máu, thanh huyết phận thấp nhiệt. Chữa thổ huyết, máu cam, lỵ ra máu, không thấp nhiệt cấm dùng.
Bá tử nhân: Vị ngọt, tính bình, vào hai kinh tâm và tỳ, có tác dụng bổ tâm, tỳ định thần, chỉ hãn nhuận táo, thông tiện. Dùng chữa hồi hộp mất ngủ, hay quên, người yếu ra nhiều mồ hôi, táo bón. Người ỉa lỏng, nhiều đờm cấm dùng.
Thường chỉ mới dùng trong y học nhân dân. Nhân dân dùng trắc bách diệp với liều 6 – 12 gram làm:
- Thuốc cầm máu trong các trường hợp thổ huyết, chảy máu cam, ho ra máu, tiểu tiện ra máu, tử cung xuất huyết, xích bạch đới.
- Lợi tiểu tiện, chữa ho, sốt.
- Chất đắng giúp sự tiêu hóa.
Bá tử nhân: Được dùng làm thuốc bổ tâm tỳ, định thần, nhuận táo, thông tiện dưới dạng thuốc viên với liều 4 – 12 gram.
2. Công dụng trang trí
Trắc bách diệp chịu hạn tốt nên rất hay được dùng làm cây cảnh trang trí nội ngoại thất. Vẻ đẹp mộc mạc và đơn giản chính là yếu tố thu hút loài cây có cái tên đặc biệt này. Tốt nhất nên để cây ở vị trí có ánh sáng toàn phần và thoáng khí như khu vực ban công hứng nắng, trước cửa nhà hoặc trồng thành hàng trong vườn.

Một số giống cây trồng đã được tuyển chọn, trong đó giống ‘Aurea Nana’ đã vinh dự giành được Giải thưởng Công trạng Làm vườn của Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia.


Ý nghĩa của trắc bách diệp
Về ý nghĩa, trắc bách diệp có tác dụng xua đuổi ma quỷ, trừ tà khí và mang lại may mắn cũng như bình an cho gia chủ. Bởi vậy mà cây được rất nhiều chủ nhà hàng, quán café lựa chọn với mong muốn gặp suôn sẻ trong việc làm ăn.
Chăm sóc cây trắc bách diệp
Trắc bách diệp có khả năng chịu rét, sinh trưởng tốt ở nhiệt độ trung bình từ 20 – 35oC. Cây ưa sáng và ưa nắng mạnh nên tránh đặt cây trong bóng râm quá lâu.
Vào mùa khô, cần tưới nước cho cây khoảng 5 – 6 lần/tuần, tưới đều lên cả thân và lá. Vào mùa mưa thì giảm cả số lần và lượng nước tưới, nếu mưa dài ngày thì ngưng tưới để tránh việc cây bị úng.
🎍 Đừng bỏ lỡ sản phẩm: Cây ngọc ngân
Mua cây giống trắc bách diệp ở đâu uy tín ?
Địa chỉ: Ngách 68/45, ngõ 68, đường Nguyễn Văn Linh, Long Biên. Đối diện với Tổng công ty may 10, Hà Nội.
- Quý khách xin vui lòng liên hệ với Cây cảnh Hải Đăng để được các chuyên viên của chúng tôi tư vấn lựa chọn sản phẩm bầu giống trắc bách diệp phù hợp.
- Chúng tôi sẽ chụp ảnh sản phẩm cho quý khách nếu có yêu cầu.
- Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ hàng hóa đảm bảo chất lượng và đúng quy cách trước khi giao.
- Quý khách ở xa vui lòng tiến hành chuyển khoản trước. Nếu quý khách ở nội thành có thể áp dụng ship nhanh với chi phí 30k một lần ship.
Tài liệu tham khảo
- Trắc bách – Wikipedia Tiếng Việt;
- Platycladus – Wikipedia Tiếng Anh;
- Platycladus orientalis ( Chinese arborvitae ) – CABI;
- Cách trồng và chăm sóc cây trắc bách diệp – cayhoacanh.com;