Sửa chính tả và điều chỉnh lại nội dung: 21/3/2025;
Cây bồ kết mới tại shop. Bạn còn nhớ trái bồ kết từ xưa đã được sử dụng như là một loại thảo dược chăm sóc mái tóc, phục hồi hư tổn, làm mượt và làm đen tóc thần kỳ.
Cây bồ kết hay bồ kếp, chùm kết, tạo giáp, như nha tạo giác, bồ kết quả nhỏ, bù kết, chùm kết, châm kết, mận kết (danh pháp khoa học là Gleditsia australis Hemsl.) là loài cây thuộc họ Đậu Fabaceae.
Mô tả cây bồ kết
Bồ kết là một cây to cao chừng 6 – 8m, trên thần có những túp gai có phân nhánh, dài tới 10 – 15cm. Lá kép lông chim, cuống chung có lông và có rãnh dọc, 6 đến 8 đôi lá chét, hình trứng dài, dài trung bình 25mm, rộng 15mm. Hoa màu trắng khác gốc hay tạp tính, mọc thành chùm hình bông. Quả giáp, dài 1 – 12cm, rộng 15 – 20mm, hơi cong hình lưỡi liềm hay thẳng, quả mỏng nhưng ở những nơi có hạt thì nổi phình lên, trên mặt quả có phủ lớp phấn màu xanh nhạt. Trong quả có 10 – 12 hạt dài 10mm, rộng 7mm, dày 4mm, màu vàng nâu nhạt, quanh hạt là một chất cơm màu vàng nhạt. Mùa bồ kết: Tháng 10 – 11.


Thông tin thêm về bồ kết tây và bồ kết ba gai:
- Bồ kết tây: Có tên khoa học riêng là Albizzia lebbek Benth.. Cây có nguồn gốc từ châu Á nhiệt đới và Australia, chủ yếu trồng lấy bóng mát và làm cảnh vì có chùm hoa đẹp. Cây gỗ trung bình cao từ 10 – 15m, phân cành nhiều, màu xám trắng. Lá kép lông chim hai lần, với 10 – 18 đôi lá phụ dạng bầu dục thuôn đều về phía 2 đầu, màu xanh nhạt. Cụm hoa hình đầu mọc ở nách lá, trên một cuống ngắn. Quả dẹt, màu vàng rơm bóng, nổi rõ các hạt. Nhân giống chủ yếu bằng hạt, cây mọc khỏe, thích nghi với nhiều loại đất.
- Bồ kết ba gai: Danh pháp khoa học là Gleditsia triacanthos L., theo wikipedia thì bồ kết ba gai là loài cây gỗ lá sớm rụng có nguồn gốc ở miền đông của Bắc Mỹ. Chủ yếu được tìm thấy trong các vùng đất ẩm ướt ven các thung lũng sông từ đông nam Dakota kéo dài xuống phía nam New Orleans và miền trung Texas và về phía tây tới trung tâm Pennsylvania.
Thông tin thêm
1. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây bồ kết mọc hoang và được trồng tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta. Còn thấy mọc tại các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Riêng đảo Cát Bà (Hải Phòng) có tới 40.000 cây, hằng năm cho tới 40 tấn bồ kết.
Vào tháng 10 – 11, quả chín, hái về phơi hay sấy khô. Khi mới hái quả có màu xanh hay hơi vàng, phơi và để lâu có màu đen bóng.
Gai bồ kết có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào các tháng 9 đến tháng 3 năm sau, hái về phơi khô hoặc nhân lúc gai còn đang tươi, thái mỏng rồi mới phơi hay sấy khô.
2. Thành phần hoá học
Cây bồ kết – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi (đã sửa chính tả, một số thông tin có thể không còn chính xác):
Từ quả bồ kết ở Việt Nam, chúng tôi đã chiết được chất saponin tinh khiết với hiệu suất 10% (G. Herman – I. Ciulei, Đỗ Tất Lợi, Y học tạp chí số 1-1961, 26-29), chất saponin này không mùi, vị nhạt, gây hắt hơi mạnh, cho với axit sunfuric đặc màu vàng sau sang màu đỏ và tím (phản ứng Kobert), với phản ứng Lieberman (acetic anhydride và axit sunfuric đặc) giữa hai lớp chất lỏng cho một vòng màu tím, sau đó lớp trên có màu xanh lục, với axit trichloroacetic nóng (phản ứng Hirschson) cho màu vàng sau ngả sang màu đỏ, độ chảy 198 – 202oC, năng suất quay cực -32%, chỉ số phá huyết đối với máu bò 33.000. Saponin này tan trong rượu và nước.
Từ chất saponin này, chúng tôi đã thuỷ phân và kết tinh được chất sapogenin có tinh thể hình kim tụ thành hình ngôi sao, không tan trong nước, tan trong ête, cồn và chloroform, độ chảy 298 – 301oC cho phản ứng Lieberman. Hiệu suất sapogenin từ quả bồ kết là 3%.
Năm 1929 (Nhật dược chí số 29), một tác giả Nhật Bản có chiết được từ bồ kết cùng loài nhưng mọc ở Nhật Bản chất saponin cấu tạo triterpenic và gọi là gleditsaponin với hiệu suất 10%, công thức thô xác định là C59H100O20 .Chất saponin này thuỷ phân cho gleditsapogenin và glucose, ngoài ra còn có arabinose. Chỉ số phá huyết của gleditsapogenin đối với máu sơn dương là 75.000.
Năm 1963, Bùi Đình Sang có chiết được từ bồ kết Việt Nam saponin, men peroxidase và hai chất khác có tinh thể chưa xác định được tính chất.
Năm 1969, Ngô Thị Bích Hải đã chiết được từ quả bồ kết mọc ở Việt Nam 8 chất flavonoid và 7 hợp chất triterpene:
5 trong số 8 chất flavonoid đã được rút ra dưới dạng tinh khiết và xác định là luteolin, isovitexin (saponaretin), vitexin, homoorientin và orientin.
Phần aglycone của hợp chất triterpene là axit oleanolic và echinocystic. Phần đường là xylose, arabinose, glucose và galactose.
3. Tác dụng dược lý
Cây bồ kết – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi (đã sửa chính tả, một số thông tin có thể không còn chính xác):
Sơ bộ nghiên cứu tác dụng dược lý, Ngô Thị Bích Hải đã thấy rằng hỗn hợp flavonoside và chất saponaretin riêng biệt có hoạt tính chống siêu vi trùng; hỗn hợp saponin bồ kết có tác dụng đối với trùng roi âm đạo, hỗn hợp saponin và flavonoid có tác dụng giảm đau.
Trong Trung Hoa y học tạp chí (1954, 5: 411), 2 tác giả Trung Quốc đã báo cáo nước sắc bồ kết có tác dụng trừ đờm.
Khi tiêm chất gleditsapogenin vào tĩnh mạch thỏ với liều 40 – 47mg trên 1kg thể trọng thì thỏ chết (Nhật được chí 1928, 48: 146).
Công dụng của cây bồ kết cho mái tóc và sức khỏe
Theo nghiên cứu của giới khoa học thì trong bồ kết chứa nhiều hỗn hợp flavonoside và chất saponaretin. Các chất này trong quả bồ kết có tác dụng chống siêu vi trùng. Đặc biệt hỗn hợp saponin trong bồ kết có tác dụng kích thích quá trình mọc tóc và trị rụng tóc hiệu quả.

Những tác dụng của bồ kết với mái tóc:
– Tóc suôn mượt vào vào nếp hơn.
– Trị nấm da đầu thần tốc.
– Kích thích tóc mọc nhanh, thích hợp với những người bị nấm da đầu có hiện tượng tóc gãy rụng và da đầu trọc một mảng lớn.
Ngoài ra theo Đông Y, bồ kết có vị cay mặn, tính hơi ôn, có độc, vào hai kinh Phế, Đại tràng. Có tác dụng thông khiếu, tiểu đờm, sát trùng. Dùng chữa trúng phong, cấm khẩu, tiêu thực, đờm suyễn, sáng mắt, ích tinh.
- Hạt bồ kết (còn gọi là Tạo giác tử – Semen Gleditschiae – đã chín và sấy khô) có vị cay, tính ôn, không độc. Có tác dụng thông đại tiện, bị kết, chữa mụn nhọt.
- Gai bồ kết (còn gọi là Tạo giác thích – Spina Fleditschiae – hái ở thân bồ kết, đem về phơi hoặc sấy khô) có vị cay, tính ôn, không độc. Chữa ác sang, tiêu ung độc, thông sữa hiệu quả.
Lưu ý về cây bồ kết
Trong cây bồ kết, cả trái, hạt, lá và vỏ đều có độc tính. Nên nhớ tính độc chỉ cao khi dùng làm thuốc uống. Còn nếu sử dụng ngoài da thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Độc từ bồ kết có thể gây ra các triệu chứng như tức ngực, nóng rát ở cổ, nôn ói. Sau đó tiêu chảy, tiêu ra nước có bọt, đau đầu, chân tay rã rời.
Phụ nữ mang thai không nên dùng bồ kết. Vì trong bồ kết có chứa chất tẩy rửa, tính acid nhẹ nên dễ gây hưng phấn ở cổ tử cung dễ sinh non, sảy thai, ảnh hưởng không tốt tới thai nhi sau này.
Những người cơ địa yếu không dùng bồ kết vì sẽ làm trướng bụng, tức bụng, ăn uống khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ thường xuyên.
Cây bồ kết mua ở đâu uy tín chất lượng ?
Địa chỉ: Ngách 68/45, ngõ 68, đường Nguyễn Văn Linh, Long Biên. Đối diện với Tổng công ty may 10, Hà Nội.
- Quý khách xin vui lòng liên hệ với Cây cảnh Hải Đăng để được các chuyên viên của chúng tôi tư vấn lựa chọn sản phẩm cây bồ kết phù hợp.
- Chúng tôi sẽ chụp ảnh sản phẩm cho quý khách nếu có yêu cầu.
- Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ hàng hóa đảm bảo chất lượng và đúng quy cách trước khi giao.
- Quý khách ở xa vui lòng tiến hành chuyển khoản trước. Nếu quý khách ở nội thành có thể áp dụng ship nhanh với chi phí 30k một lần ship.