Ruồi đục lá hại rau màu và biện pháp quản lý.
Lần cập nhật nội dung gần nhất: 5/9/2020.
A. Phân loại học
Bậc phân loại | Tên gọi |
Giới ( Kingdom ) | Animalia ( Động vật ) |
Ngành ( Phylum ) | Arthropoda ( Động vật chân khớp ) |
Lớp ( Class ) | Insecta ( Côn trùng ) |
Bộ ( Order ) | Diptera |
Phân bộ ( Suborder ) | Sternorrhyncha |
Họ ( Family ) | Agromyzidae ( Ruồi đục lá ) |
Chi ( Genus ) | Liriomyza |
Tên nhị thức ( Binomial name ) | |
Liriomyza sativae Blanchard |
B. Giới thiệu
Liriomyza sativae, còn được gọi là vegetable leaf miner ( sâu vẽ bùa hại rau màu ), là một loài ruồi đục lá trong họ Agromyzidae. Sâu non ( dòi ) của L. sativae ăn lá của nhiều loại rau và cỏ dại, trong đó ký chủ ưa thích nhất của chúng là các cây thuộc họ Bầu bí, họ Đậu và họ Cà.
C. Phân bố
L. sativae có mặt trên khắp miền nam Hoa Kỳ từ Florida đến California và Hawaii, thậm chí ở hầu hết Trung và Nam Mỹ. Vốn ban đầu chỉ giới hạn ở khu vực Tân thế giới ( Tây bán cầu ), thế nhưng hiện nay người ta liên tiếp phát hiện ra sự “bành trướng” của loài ruồi này tại môi trường mới trên nhiều khu vực của Châu Á và Trung Đông dưới hình thức là một loài ngoại lai gây hại nông nghiệp. L. sativae không thể sống sót tại những khu vực có khí hậu lạnh trừ những nơi chuyên canh tác trong nhà kính.
D. Ký chủ của ruồi đục lá L. sativae
L. sativae có phổ ký chủ rộng, nhất là các cây thuộc họ Bầu bí Cucurbitaceae, họ Cà Solanaceae, họ Đậu Fabaceae và họ Cúc Asteraceae. Các cây rau bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm đậu đũa, đậu cô ve, cà tím, khoai tây, hồ tiêu, cà chua, bí, dưa lê, dưa chuột và dưa hấu.
Các loài cây mọc hoang đóng vai trò là ký chủ phụ của L. sativae bao gồm lu lu đực hoa nhỏ Solanum americanum Mill. và hoa đơn buốt Bidens pilosa L..
E. Vòng đời
Ngưỡng phát triển ( developmental threshold ) của trứng, sâu non và nhộng ước tính là từ 9 – 12oC. Thời gian phát triển kết hợp theo yêu cầu của giai đoạn trứng và sâu non là từ 7 – 9 ngày ở nhiệt độ từ 25 – 30oC; giai đoạn nhộng cũng tương tự. Cả thời gian phát triển của trứng – sâu non và nhộng đều kéo dài đến khoảng 25 ngày ở 15oC. Ở nhiệt độ tối ưu ( 30oC ), L. sativae hoàn thành quá trình phát triển từ trứng đến giai đoạn trưởng thành trong khoảng 15 ngày.
1. Trứng
Trứng hình bầu dục, kích thước xấp xỉ 0,25 x 0,12 mm; mới đẻ có màu trắng sữa, sau đó chuyển dần sang màu trắng đục. Trứng nằm gọn trong vết châm của ruồi cái trên lá. Những vết châm không có trứng thì mép không gọn và hình dạng có thể tròn, hoặc góc cạnh. Những vết châm có trứng thì luôn có hình bầu dục và mép ngọn.
Trứng được đẻ ngay dưới bề mặt lá; thời gian nở từ 2 – 5 ngày tùy theo nhiệt độ. Cụ thể, từ 4 – 7 ngày ở 24oC. Con cái có thể đẻ tối đa 600 đến 700 trứng, phổ biến nhất vẫn là từ 200 đến 300 trứng.
2. Sâu non ( dòi )
Sâu non không chân, không có nang đầu ( head capsule ); có 3 tuổi ( instar ) và đạt chiều dài khoảng 2,25 mm. Mới đầu cơ thể sâu non ( dòi ) có màu trắng trong, tuổi 2 có màu vàng nhạt, tuổi 3 có màu vàng rơm. Chiều dài và phạm vi trung bình của phần xương họng ( cephalopharyngeal skeleton ) của từng tuổi lần lượt là 0,09 ( 0,6 đến 0,11 ) mm; 0,15 ( 0,12 đến 0,17 ) mm và 0,23 ( 0,19 đến 0,25 ) mm. Móc miệng hình chữ Y rất linh hoạt.
Dòi khi đẫy sức sẽ khoét một khe hình bán nguyệt phía cuối đường đục ở mặt trên lá bị hại; sau đó chui ra khỏi lá, rơi xuống đất và đào xuống đến độ sâu chỉ vài cm để hóa nhộng.
Thời gian phát triển của sâu non cũng phụ thuộc vào nhiệt độ và có thể là cả cây ký chủ. Tối đa có thể lên đến 24 thế hệ trong một năm ( phổ biến nhất vẫn là từ 10 – 14 ).
3. Nhộng
Nhộng hình bầu dục, hơi dẹt, màu nâu đỏ, chiều dài khoảng 1,5 mm và chiều rộng 0,75 mm. Sự hóa trưởng thành sẽ thay đổi tùy theo mùa và nhiệt độ. Cụ thể là từ 7 – 14 ngày sau khi hóa nhộng ở nhiệt độ từ 20 – 30oC.
4. Trưởng thành ( ruồi )
Cơ thể trưởng thành dài tới 1,7 mm với 2 màu chủ đạo là vàng và đen; con cái lớn hơn con đực; khu trán ( frons ), đốt râu thứ ba và phiến mai / mảnh mai ( scutellum ) có màu vàng; ngực giữa ( mesothorax ) và bụng ( abdomen ) có màu đen.
Mảnh lưng giữa ( mesonotum ) màu đen bóng của L. sativae được sử dụng để phân biệt loài ruồi này với họ hàng gần của chúng, L. trifolii có mảnh lưng giữa màu đen xám. Sải cánh rộng từ 1,25 – 1,7 mm; với con đực trung bình vào khoảng 1,3 mm và con cái khoảng 1,5 mm. Bụng con cái có máng đẻ trứng dài và nhọn.
Kích thước cơ thể trưởng thành nhỏ của L. sativae giúp phân biệt chúng với pea leafminer ( sâu vẽ bùa hại đậu ), L. huidobrensis, có sải cánh rộng từ 1,7 – 2,25 mm. Xương đùi ( femur ) màu vàng của L. sativae cũng là một chỉ tiêu nhận biết cả 2 loài này, bởi xương đùi của L. huidobrensis có màu sẫm.
Chuyển động cánh của L. sativae được đo bằng video tốc độ cao và các luồng di chuyển của cánh được tính bằng các con số. Cụ thể, ruồi sử dụng tần số đập cánh cao ( ≈ 265 Hz ) và biên độ hành trình lớn ( ≈ 182o ); do đó, ngay cả khi chiều dài cánh ( R ) của nó nhỏ ( R ≈ 1,4 mm ), vận tốc trung bình của cánh đạt ≈ 1,5 m/s, tương đương với vận tốc của côn trùng cỡ trung bình ( R ≈ 3 mm ). Thế nhưng số Reynolds ( Re ) của cánh vẫn thấp ( ≈ 40 ), do kích thước cánh nhỏ. Khi tăng biên độ hành trình, các bộ phận bên ngoài của cánh có chuyển động “vỗ và đập”. Hệ số nâng trung bình cao, ≈ 1,85. Chuyển động “vỗ và đập” từng phần làm tăng lực nâng lên ≈ 7 %, so với trường hợp không có tương tác khí động lực học giữa các cánh ( Xin Cheng và Mao Sun. Wing-kinematics measurement and aerodynamics in a small insect in hovering flight. Scientific Reports. 6 (1): 25706 ).
Đỉnh điểm cho sự hóa trưởng thành của L. sativae là vào lúc sáng sớm, nhất là từ 6 – 8 giờ sáng. Sau khi vũ hóa thì màu sắc ổn định. Ruồi có tính ăn thêm và thường sau 1 ngày mới giao phối. Thời điểm giao phối nhiều nhất là từ 6 – 8 giờ và từ 11 – 18 giờ trong ngày. Thời gian giao phối kéo dài từ 40 – 120 phút.
F. Tập tính gây hại của ruồi đục lá L. sativae
Cả trưởng thành ( ruồi ) và sâu non của L. sativae đều gây hại, nặng nhất vẫn là giai đoạn sâu non ( dòi / sâu vẽ bùa ).
Ruồi gây hại quanh năm, từ khi cây con đến khi thu hoạch, tỷ lệ lá bị hại tăng dần và đạt gần 90 – 100 % vào thời kỳ cuối. Tháng 12, 1, 2, 6 và 7 tỷ lệ hại thấp hơn các tháng khác ( do nhiệt độ thấp vào mùa đông và quá cao vào mùa hè so với nhu cầu sinh thái loài này ).
Ruồi cái dùng bộ phận đẻ trứng rạch mặt lá tạo nhiều lỗ để kiếm ăn và đẻ trứng. Trong số đó có khoảng 15 % số lỗ là chứa trứng. Phần lớn các lỗ còn lại dùng làm thức ăn cho cả ruồi cái và ruồi đục ăn kèm do chất lỏng ứa ra từ vết chích. Các lỗ đục thường xuất hiện ở chóp lá hay dọc theo 2 mép lá.
Cả trưởng thành đực và cái của L. sativae đều có thể hoạt động như vật trung gian truyền bệnh cho cấy trồng bằng cách truyền bệnh khi kiếm ăn hoặc đẻ trứng, nhưng không phải là vật chủ mang sẵn mầm bệnh.
Dòi đục qua lớp biểu bì và ăn sâu vào lớp nhu mô tạo thành các đường đục ngoằn ngoèo. Giữa đường đục có vết phân màu xanh hoặc nâu đen do dòi thải ra. Độ rộng của đường đục tăng đều từ khoảng 0,25 mm đến khoảng 1,5 mm theo độ tuổi của dòi. Các vết đục chạy khắp mặt lá làm cho lá bị khô, giảm diện tích quang hợp, cây sinh trưởng kém, giảm phẩm chất của trái, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất.
Cây con thường bị hại nặng nhất ở phần lá mầm ( cotyledon ).
G. Biện pháp quản lý ruồi đục lá L. sativae
– Trồng cây khỏe, luân canh với cây lúa nước; bón phân cân đối, giữ đủ ẩm.
– Sử dụng bẫy dính màu vàng để kiểm soát số lượng trưởng thành.
– Vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp các loài cỏ lá rộng ( ký chủ phụ ) một tháng trước khi trồng, gieo cấy đồng loạt.
– Cắt tỉa, tiêu hủy các lá bị ruồi hại nặng, tránh đem đi ủ.
– Ruồi đục lá có nhiều loài ký sinh, nên theo dõi mật độ và tỷ lệ lá bị hại trước khi cân nhắc việc sử dụng thuốc hóa học.
– Trường hợp bị nặng có thể sử dụng một số loại thuốc hóa học như Cyper 25EC; Nouvo 3.6EC; Hopsan 75EC; …
Tài liệu tham khảo
- Liriomyza sativae – Wikipedia Tiếng Anh;
- Liriomyza sativae ( vegetable leaf miner ) – CABI;
- Liriomyza sativae Blanchard – Featured Creatures. Đại học Florida.
- Ruồi đục lá – Cẩm nang cây trồng;