Ruồi đục lá, dòi đục lá trên cây trồng và cách phòng trừ
Lần cập nhật nội dung gần nhất: 4/9/2019.
A. Tổng quan về ruồi đục lá
Ruồi đục lá ( danh pháp khoa học: Liriomyza spp. ) là một loài ruồi trong họ Agromyzyidae thuộc bộ Hai cánh Diptera, chuyên sinh sống và gây hại nhiều trên các loại cây trồng như bầu, bí, dưa, cà, ớt, các loại đậu rau.
Cơ thể trưởng thành dài có 2 màu chủ đạo là vàng và đen; con cái lớn hơn con đực. Trứng hình bầu dục, mới đẻ có màu trắng sữa, sau đó chuyển dần sang màu trắng đục. Trứng nằm gọn trong vết châm của ruồi cái trên lá. Sâu non không chân, có 3 tuổi; mới đầu cơ thể có màu trắng trong, tuổi 2 màu vàng nhạt, tuổi 3 màu vàng rơm. Nhộng hình bầu dục.
B. Tập tính sống và gây hại
Trưởng thành hoạt động từ 7 – 9 giờ sáng và 4 – 5 giờ chiều. Trưởng thành cái dùng bộ phận đẻ trứng rạch nhiều lỗ, các lỗ đục thường xuất hiện ở chóp lá hay dọc theo bìa lá. Dòi gây hại cho cây bằng cách đục thành những đường ngoằn ngoèo ở mặt trên lá, lúc đầu đường đục nhỏ, càng lúc càng to dần cùng với sự phát triển của dòi. Đẫy sức dòi đục thủng biểu bì chui ra ngoài và làm nhộng trên mặt lá hay trên các bộ phận khác của cây hoặc buông mình xuống đất làm nhộng. Dòi phá hại từ khi cây mới mọc lá mầm cho đến khi ra hoa, mang trái.
C. Phòng trừ ruồi đục lá
Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy tàn dư cây trồng.
Cắt bỏ các lá già, lá bị dòi đục nặng tập trung đem đi tiêu hủy.
Phủ nơi đất trồng bằng màng phủ nông nghiệp.
Sử dụng các loại thuốc Kola 700WG; Rigell 800WG; Monster 40EC; Penalty Gold 50EC; Virtako 40WG; Sairifos 585EC khi mật độ dòi đục lá cao.
Tài liệu tham khảo
- Liriomyza – Wikipedia Tiếng Việt;
- Ruồi đục lá, dòi đục lá – Cẩm nang cây trồng;