Nấm răng quỷ, hình ảnh dưới đây có thể làm bạn giật mình, ghê sợ; khiến những người có mắc chứng sợ lỗ ( Trypophobie ) phải khóc thét; nhưng thực tế chứng minh lại hoàn toàn những gì bạn thấy đấy,
Lần cập nhật nội dung gần nhất: 28/11/2020.
Được biết đây là một loài nấm không ăn được ( mặc dù không hề có độc ) có tên gọi là nấm răng quỷ, cũng bởi tua tủa nhưng “răng” chen chúc nhau khá kì dị phía dưới bề mặt mũ nấm. Đối với những quả thể non, trên bề mặt mũ nấm còn “ứa” ra những giọt chất lỏng màu đỏ tươi khá là hãi hùng.
Qua tìm hiểu kĩ hơn, nấm răng quỷ là một loài nấm răng ( hydnoid fungus ), sản sinh bào tử trên bề mặt các gai dọc ( vertical spine ) hoặc phần nhô ra tựa “răng” nhọn tồn tại dưới bề mặt của quả thể ( basidiocarp ).
Nấm răng quỷ cũng là nấm rễ cộng sinh ( mycorrhizal ), hình thành mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với nhiều cây thuộc ngành Thông Pinophyta; nấm có thể mọc đơn lẻ, rải rác hoặc tập hợp thành từng đám trên mặt đất.
Tên thường gọi | Nấm răng quỷ |
Tên gọi khác trong Tiếng Việt | Đang tìm hiểu |
Tên Tiếng Anh | Strawberries and cream ( kem dâu tây ), the bleeding Hydnellum ( nấm Hydnellum chảy máu ), the bleeding tooth fungus ( nấm răng chảy máu ), the red – juice tooth, the Devil’s tooth ( răng Quỷ ) |
Tên gọi khác tại một số quốc gia, lãnh thổ, khu vực, dân tộc, bộ lạc, … | |
български ( tiếng Bungaria ): Дяволски зъб čeština ( tiếng Séc ): lošákovec palčivý Deutsch ( tiếng Đức ): Scharfer Korkstacheling eesti ( tiếng Estonia ): Pecki kübarnarmik فارسی ( tiếng Ba Tư ): قارچ دندان خونی suomi ( tiếng Phần Lan ): karvasorakas magyar ( tiếng Hungary ): Csípős parásgereben қазақша ( tiếng Kazakh ): Қанды саңырауқұлақ български ( tiếng Bungaria ): Дяволски зъб čeština ( tiếng Séc ): lošákovec palčivý Deutsch ( tiếng Đức ): Scharfer Korkstacheling eesti ( tiếng Estonia ): Pecki kübarnarmik فارسی ( tiếng Ba Tư ): قارچ دندان خونی suomi ( tiếng Phần Lan ): karvasorakas magyar ( tiếng Hungary ): Csípős parásgereben қазақша ( tiếng Kazakh ): Қанды саңырауқұлақ | |
Danh pháp khoa học ( hiện tại ) | Hydnellum peckii Banke |
Danh pháp đồng nghĩa | Hydnum peckii (Banker) Sacc. |
Calodon peckii Snell & E.A. Dick | |
Bộ ( Ordo ) | Thelephorales |
Họ ( Familia ) | Bankeraceae |
Chi ( Genus ) | Hydnellum |
Đặc trưng của quả thể là phần mũ nấm ( cap ) hình phễu với rìa màu trắng, dù vẫn có nhiều biến dị khác. Khi còn non, quả thể ẩm, có thể “chảy” ra một chất lỏng màu đỏ tươi chứa một sắc tố được biết là có đặc tính chống đông máu tương tự như Heparin. Với cơ chế “chảy máu” lạ kì, quả thể của H. peckii có thể dễ dàng nhận biết khi còn non, tuy nhiên chúng sẽ hóa nâu và khó nhận ra khi về già.
A. Phân loại, phát sinh và tên gọi nấm răng quỷ
Loài này được mô tả khoa học lần đầu bởi nhà nấm học người Mỹ Howard James Banker vào năm 1913. Sau đó Pier Andrea Saccardo đã đặt loài này trong chi Hydnum vào năm 1925; Walter Henry Snell và Esther Amelia Dick về sau đặt nó trong chi Calodon vào năm 1956.
Loại nấm này được phân loại vào tổ tiên ( stirps ) ( những loài được cho là hậu duệ của một tổ tiên chung ) Diabolum của chi Hydnellum, một nhóm các loài tương tự có các đặc điểm chung sau: Trama rõ rệt với các đường đồng tâm hình thành những vùng nhạt và sẫm màu xen kẽ; vị cực cay; mùi thơm; bào tử hình bầu dục, và không có phản ứng amyloid ( không hấp thụ Iốt khi nhuộm bằng thuốc thử Melzer ), không bắt màu với thuốc thử xanh Methyl – C37H27N3Na2O9S3 ( acyanophilous ); kèm sự hiện diện của các mấu liên kết ( clamp connection ) trong sợi nấm.
Phân tích phân tử dựa trên trình tự vùng đệm trong được sao mã ( Internal transcribed spacer, viết tắt là ITS ) của một số loài chi Hydnellum đã đặt H. peckii vào trong mối quan hệ họ hàng gần với H. ferrugineum và H. spongiosipes. Ngoài ra H. peckii còn có bản in bào tử ( spore print ) màu nâu.
B. Mô tả về nấm răng quỷ
Quả thể ( sporocarps ) là cấu trúc sinh sản được tạo ra từ tản nấm ( mycelium ) khi đáp ứng các điều kiện môi trường thích hợp về nhiệt độ, độ ẩm cùng hàm lượng dinh dưỡng sẵn có. H. peckii là một loại nấm răng ( hydnoid fungus ), phần mũ nấm gắn trên đỉnh của cuống ( thân ), mang đặc trưng của chi Hydnum với màng bào ( hymenium ) tua tủa giống như răng, thay vì lá tia ( gill ) hoặc lỗ nấm ( pores ) ở mặt dưới của mũ. Các quả thể mọc san sát nhau thường hợp nhất lại thành một bản thể duy nhất ( trong tiếng Anh gọi là “confluence” ) và có thể đạt chiều cao lên tới 10,5 cm. Quả thể mới thường tiết ra một chất lỏng màu đỏ tươi nổi bật chúng còn ẩm.
Bề mặt của mũ nấm có thể lồi hoặc phẳng, ít nhiều không đều và đôi khi hơi lõm ở giữa; thường được phủ “lông” dày khiến chúng có kết cấu tương tự như nỉ ( felt ) hoặc nhung ( velvet ); những “lông” này dần bong ra theo tuổi, khiến cho mũ của mẫu vật trưởng thành thường nhẵn. Hình dạng của mũ nấm thay đổi từ hơi tròn đến không đều, 4 – 10 cm, hoặc thậm chí rộng tới 20 cm dưới kết quả của “confluence”. Mũ nấm ban đầu có màu trắng, về sau chuyển dần sang hơi nâu, với vô số các đốm màu nâu đen, không đều đến gần như đen, nơi mũ bị “chảy máu”. Khi trưởng thành, bề mặt mũ có dạng sợi và dai, có vảy và rìa lởm chởm, màu nâu xám ở phần trên của mũ và hóa gỗ một phần.
Các gai mảnh, hình trụ và thon nhọn ( terete ), dài dưới 5 mm và càng gần về rìa mũ càng ngắn. Vô số gai mọc chen chúc nhau, nên thường có từ ba đến năm “răng” trên 1 mm2; ban đầu có màu trắng hơi hồng, về sau bắt màu nâu xám theo tuổi.
Cuống ( stipe ) dày, rất ngắn và thường bị biến dạng; hình hành ( bulbous ) khi xuyên qua mặt đất và rễ có thể đâm sâu vào trong đất vài cm. Mặc dù tổng chiều dài của cuống vào khoảng 5 cm và rộng từ 1 – 3 cm, nhưng chỉ khoảng 0,1 – 1 cm là xuất hiện trên mặt đất. Phần trên được phủ kín bởi các “răng” sắc nhọn xuất hiện ở mặt dưới của mũ, trong khi phần dưới thường có lông và hay được bọc xung quanh bởi các tàn dư ( debris ) nơi thảm rừng.
Mùi ( odor ) của quả thể được mô tả là “nhẹ đến khó chịu”, như Banker đề xuất trong dòng mô tả ban đầu của mình, tương tự như mùi của hạt ( nut ) cây mại châu hay hồ đào Mỹ ( hickory ).
1. Đặc điểm dưới kính hiển vi
Quan sát bản in bào tử ( spore print ) thì thấy bào tử có màu nâu. Quan sát chúng bằng kính hiển vi quang học ( light microscope ) thì thấy một số các chi tiết nhỏ liên quan đến cấu trúc như: Bào tử có dạng hình cầu ( spherical ) xù xì, bề mặt của chúng được bao phủ bởi các hạch nhỏ ( nodule ) giống như mụn cóc và kích thước nằm trong khoảng từ 5,0 – 5,3 hay 4,0 – 4,7 µm.
Sợi nấm ( hypha ) hình thành nên mũ nấm trong mờ, nhẵn, có thành mỏng, dày từ 3 – 4 µm. Chúng sẽ mất ổn định khi khô, nhưng có thể dễ dàng hồi sinh với dung dịch Kali hydroxit yếu ( 2% ). Bên trong mũ nấm, sợi nấm ( hypha ) quấn xiết lấy nhau một cách hỗn độn với xu hướng chạy theo chiều dọc. Chúng được chia thành các tế bào bởi các vách ngăn ( septa ) kèm các mấu liên kết ( clamp connection ) – các nhánh ngắn kết nối một tế bào với tế bào trước cho phép các sản phẩm của quá trình phân chia nhân ( nuclear division ) đi qua. Các tế bào mang bào tử phía trong màng bào ( hymenium ) hay đảm nấm ( basidium ), có kích thước vào khoảng 3,5 – 4,0 hay 4,7 – 6 µm, hình gậy.
2. Các loài tương tự
H. diabolus ( một số ấn phẩm đề cập đến tính ngữ chỉ loài là diabolum ) có ngoại hình rất giống với H. peckii, đến nỗi một số người coi nó và H. peckii là đồng nghĩa về mặt danh pháp; H. diabolus được cho là có mùi hăng ngọt nhưng vẫn chưa là gì so với H. peckii. Sự khác biệt giữa hai loài chỉ được hiểu rõ khi quan sát các mẫu vật trưởng thành: H. diabolus có cuống ( stipe ) dày không đều, trong khi cuống của H. peckii dày lên bởi một “lớp xốp rõ ràng”. Ngoài ra, khi về già H. peckii có mũ nhẵn, còn H. diabolus xuất hiện lông măng ( tomentose ). Các loài liên quan như H. pineticola cũng tiết ra những giọt chất lỏng màu hồng khi còn non và ẩm, thường được tìm thấy mọc dưới các cây tùng bách tại đông bắc Bắc Mỹ. H. pineticola tuy có vị được cho là “khó chịu”, nhưng không hăng ( acrid ). Quả thể có xu hướng phát triển đơn lẻ, thay vì hợp nhất thành một khối giống như H. peckii, và chúng cũng không có cuống hình hành ( bulbous ).
C. Sinh thái học
Hydnellum peckii là một loại nấm rễ cộng sinh, thiết lập mối quan hệ tương hỗ với rễ của một số cây nhất định ( gọi là “vật chủ” ), trong đó nấm trao đổi khoáng chất và các axit amin chiết ra từ đất để cố định Carbon ( Carbon fixation ) từ vật chủ. Sợi nấm dưới mặt đất phát triển một lớp mô bao quanh rễ con của một loạt các loài cây, hình thành mối liên kết mật thiết đặc biệt có lợi cho vật chủ ( hay nấm ngoại cộng sinh [ ectomycorrhizal ] ), trong đó nấm tạo ra các enzym khoáng hóa các hợp chất hữu cơ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển chất dinh dưỡng cho cây.
Cấu trúc nấm ngoại cộng sinh của H. peckii nằm trong số ít các loài thuộc họ Bankeraceae được đem ra nghiên cứu chi tiết. Chúng đặc trưng bởi một tổ chức sợi dày ( plectenchyma ), còn gọi là lớp phủ ( mantle ) – một lớp mô hình thành từ sợi nấm được sắp xếp có hệ thống theo hướng song song, hoặc theo hàng, hiếm khi phân nhánh hoặc chồng chéo lên nhau. Sợi nấm của nấm ngoại cộng sinh có thể hình thành các bào tử vách dày ( chlamydospore ), một sự thích nghi giúp nấm chống chịu lại được các điều kiện bất lợi.
Bào tử vách dày của H. peckii có cấu trúc đặc biệt, khác biệt rõ rệt với các loài khác trong họ Bankeraceae như lớp thành tế bào phía trong dày, mịn và thành ngoài được phân hóa xuyên tâm thành mụn cóc. Phần lớn sinh khối ( biomass ) dưới lòng đất của nấm tập trung ở gần bề mặt, rất có thể là các “mycelial mat” ( “thảm tản nấm” ). Được biết, tản nấm có thể vượt ra ngoài phạm vi của các quả thể, khi cách xa tới đó 337 cm.
Các kỹ thuật phân tử ( molecular technique ) nay đã có những bước phát triển lớn để có thể trợ giúp các nỗ lực bảo tồn các loài nấm răng ( hydnoid fungi ) được hiệu quả, bao gồm cả H. peckii. Dù sự phân bố của nấm theo truyền thống được xác định bằng cách đếm số quả thể, tuy nhiên về lâu dài phương pháp này lại cho thấy một nhược điểm lớn là quả thể không được sản sinh đều đặn hàng năm và việc không xuất hiện quả thể không đồng nghĩa với việc thiếu vắng các đi tản nấm trong đất. Các kỹ thuật hiện đại hơn sử dụng phản ứng chuỗi polymerase ( polymerase chain reaction – PCR ) để đánh giá sự hiện diện của ADN nấm trong đất đã giúp giảm bớt phần nào các vấn đề trong việc theo dõi sự xuất hiện và phân bố của tản nấm.
D. Phân bố của nấm răng quỷ
Loại nấm này có phân bố rộng ở Bắc Mỹ và đặc biệt phổ biến ở Tây Bắc Thái Bình Dương; phạm vi của nấm kéo dài từ phía bắc đến Alaska và phía đông đến Bắc Carolina. Tại khu vực Puget Sound thuộc tiểu bang Washington của Hoa Kỳ, nấm được tìm thấy cùng với loài Linh sam Douglas ( Pseudotsuga menziesii (Mirb.) Franco ), các loài trong chi Lãnh sam firs và chi Tsuga. Dọc theo bờ biển Oregon, mẫu vật của nấm được thu thập chủ yếu bên dưới loài Pinus contorta Douglas ex Loudon. Ngoài Bắc Mỹ, H. peckii còn phổ biến ở châu Âu và sự xuất hiện của nấm đã được ghi nhận ở Ý, Đức, và Scotland. Phổ biến là vậy, nhưng số lượng cá thể của loài nấm này đang ngày càng hiếm ở một số nước châu Âu như Na Uy, Hà Lan, và Cộng hòa Séc. Ô nhiễm gia tăng ở Trung Âu được đánh giá là một trong những tác nhân có thể làm suy giảm sức sống của nấm. Báo cáo từ Iran năm 2008 và Hàn Quốc năm 2010 là những báo cáo về nấm đầu tiên bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ.
E. Về mặt hóa học
Việc sàng lọc chiết xuất của H. peckii cho thấy sự hiện diện của một chất chống đông máu có tên là Atromentin ( 2,5-dihydroxy-3,6-bis (4-hydroxyphenyl) -1,4-benzoquinone ), tương tự với hoạt tính sinh học ( biological activity ) của chất chống đông Heparin nổi tiếng. Atromentin cũng có hoạt tính kháng khuẩn, ức chế enzyme ENR ( Enoyl-[acyl-carrier-protein] reductase (NADH) ) ( cần thiết cho quá trình sinh tổng hợp axit béo ) ở vi khuẩn Streptococcus pneumoniae.
Hydnellum peckii được biết có thể tích lũy sinh học ( bioaccumulate ) kim loại nặng Xêsi ( Cs ). Trong một nghiên cứu thực địa ở Thụy Điển, có đến 9% tổng số Xêsi trên lớp đất dày 10 cm được tìm thấy trong tản nấm. Nhìn chung, nấm ngoại cộng sinh phát triển mạnh nhất ở các tầng hữu cơ phía trên của đất hoặc ở mặt phân cách giữa các lớp hữu cơ và khoáng chất, có liên quan đến việc giữ và quay vòng theo chu kỳ của đồng vị phóng xạ Caesium-137 trong đất rừng giàu hữu cơ.
Tài liệu tham khảo
- Hydnellum peckii – Wikipedia Tiếng Anh;
- Hydnellum peckii Banker 1913 – MycoBank. International Mycological Association;
Comments are closed.