Mạnh tay cắt tỉa nếu muốn cây cảnh tốt tươi, ra hoa rực rỡ thì bạn cần biết cách cầm kéo và ra tay một cách “tàn nhẫn”. Bởi nếu cây trồng không được chăm sóc và “uốn nắn” vào khuôn khổ thì chúng sẽ mọc tùy ý và tự biến mình thành mồi ngon cho một số loài côn trùng gây hại và mầm bệnh xâm nhập. Bởi vậy, chúng ta phải thường xuyên cắt tỉa và tạo dáng lại cho cây, tức là tạo hình lại cành và lá của cây cảnh. Nói chính xác hơn là bấm ngọn, ngắt nụ, tỉa cành, xén gốc và tỉa thưa.
Tại sao phải cắt tỉa cây cảnh ?
Tỉa cành có thể loại bỏ những cành thừa và mập, giúp cành nhánh trên cây phát triển đều, hoặc điều chỉnh lại sức sống của cây, tiết kiệm chất dinh dưỡng và tăng số lượng nụ hoa.
Bởi hoa thường mọc trên cành mới, vì vậy chỉ bằng cách liên tục cắt tỉa cành già và kích hoạt các cành mới sẽ kích thích cây ra nụ và nở hoa nhiều hơn nữa.
Cắt tỉa cây thường được tiến hành vào 2 thời kỳ, đó là thời kỳ ngủ đông và cắt tỉa thời kỳ sinh trưởng. Tỉa cành chủ yếu trong thời kỳ ngủ nghỉ của cây là cắt tỉa các cành già, các cành rậm rạp giúp cây thông thoáng và hạn chế mất sức. Việc cắt tỉa vào đầu mùa xuân cần được thực hiện khi cây đâm chồi nảy lộc. Nếu tỉa sớm quá thì chồi nảy mầm trên cành mới sẽ dễ bị đông cứng vì lạnh. Còn nếu tỉa quá muộn, chồi mới nhú ra không lưu giữ được chất dinh dưỡng, do vậy sẽ không có tác dụng kích thích ra nụ, nở hoa.
Tỉa cành hoa trong thời kỳ sinh trưởng là công việc được tiến hành thường xuyên, cắt tỉa cành lá trong thời kỳ cây ra hoa sẽ điều chỉnh được sự phân bố chất dinh dưỡng cho hoa.
Cắt ngọn cây nhằm loại bỏ hoặc giảm điểm phát triển ở đầu thân cây cảnh, ngăn cây hoa phát triển lung tung, khuyến khích chúng phân nhánh nhiều hơn, tăng số lượng và phẩm chất của hoa.
Cắt rễ là cũng là để khuyến khích cây ra hoa. Những cây có cành, lá um tùm thường ra hoa rất bé và thưa. Lúc này ta có thể cắt bỏ một phần rễ để kìm hãm sự sinh trưởng, thúc đẩy cây ra hoa. Ngoài ra, khi thay đất cho cây cần phải cắt tỉa qua bộ rễ để loại bỏ những rễ bị bệnh.
Tỉa cành là cắt tỉa những cành chết, cành yếu, cành bị bệnh, cành sần sùi, cành rậm rạp vốn là những thứ gây bất lợi cho sự sinh trưởng của cây.
Cắt bỏ chồi là việc loại bỏ chồi nách và chồi mới ra khỏi cành và gốc, khi đó, cây sẽ tập trung chất dinh dưỡng cho những chồi còn lại, duy trì hình dáng của cây mà bạn muốn.
Lưu ý: Dụng cụ cắt tỉa cần được xử lý trước và vết cắt trên cây sau khi chúng ta cắt tỉa cần được bịt lại để hạn chế nguồn bệnh xâm nhập.
Cây cảnh chơi lá có cần cắt tỉa không ?
Một số loại cây có tán lá lớn như cây cọ, đa búp đỏ, cây bàng Singapore, … vốn ít khi được để tâm tới vấn đề này do chúng đều là những loại cây sinh trưởng chậm và lá của chúng khi về già sẽ tự rụng. Tuy nhiên, thực tế là cây cảnh chơi lá cũng cần được cắt tỉa để tạo dáng, thúc đẩy cây sinh trưởng bằng cách tỉa bớt ngọn.