Hoa xác thối – Mùi thối kinh, hiếm khi nở nhưng lại nắm giữ khá nhiều kỷ lục.
Xem chi tiết tại đâyAmorphophallus titanum (Becc.) Becc., tên Tiếng anh là Titan arum (chân bê khổng lồ), là một loài thực vật có hoa trong họ Ráy (Araceae), sở hữu cụm hoa không phân nhánh lớn nhất (largest unbranched inflorescence) trên thế giới. Thực ra, cụm hoa của loài cây này không lớn bằng cụm hoa của cây cọ quạt Corypha umbraculifera L., nhưng rõ ràng cụm hoa của C. umbraculifera có phân nhánh nên không được tính ở đây. A. titanum là loài đặc hữu của rừng mưa trên đảo Sumatra của Indonesia.
Do thứ mùi tỏa ra vô cùng nồng nặc của hoa giống hệt với mùi mà một xác chết đang thối rữa, nên chân bê khổng lồ được xếp riêng vào danh sách những loài hoa xác chết (carrion flower) (chi Amorphophallus, Rafflesia, Stapelia, Bulbophyllum, …); và được gọi với các tên phổ biến khác như hoa xác thối (corpse flower) hoặc cây xác thối (corpse plant).
Tiếng Indonesia: Bunga bangkai — với “bunga” hay “flower” [hoa], trong khi “bangkai” có thể được hiểu là “corpse”, “cadaver”, hoặc “carrion” [đều có nghĩa liên quan đến xác chết].
A. Từ nguyên
B. Đặc điểm cây hoa xác thối
Cụm hoa (inflorescence) của A. titanum có thể cao đến hơn 3 mét. Giống như loài Arum maculatum L. (cuckoo pint) và Zantedeschia aethiopica (L.) Spreng. (calla lily), cụm hoa của cây bao gồm một bông mo (spadix) được cấu thành bởi các hoa nhỏ, có mùi; bao quanh bởi một mo (spathe) nhìn giống như một cánh hoa lớn. Trong trường hợp của A. titanum, mo hoa có màu xanh lục đậm phía bên ngoài và đỏ tía sẫm ở bên trong, cùng bề mặt có nhiều rãnh sâu. Bông mo gần như rỗng với hình dáng tương tự một chiếc bánh mì Pháp lớn (large baguette). Ở gần đáy của bông mo, khuất khỏi tầm nhìn phía bên trong vỏ (sheath), có hai vòng hoa nhỏ. Vòng trên mang các hoa đực, vòng dưới đính các lá noãn (carpel) màu đỏ cam sáng. “Mùi hương” của hoa xác thối hệt như mùi thịt thối rữa, thu hút bọ cánh cứng và ruồi ăn xác chết (họ Sarcophagidae) đến thụ phấn. Màu đỏ đậm và bề mặt của cụm hoa cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ảo giác rằng bông hoa là một miếng thịt. Suốt thời gian nở hoa, phần ngọn của bông mo có nhiệt độ xấp xỉ với nhiệt độ cơ thể người, giúp mùi hôi thối dễ dàng lan tỏa ra xung quanh. Cơ chế sinh nhiệt kỳ lạ này cũng được cho “chất xúc tác” hình thành nên ảo giác ở côn trùng ăn xác thối thu hút chúng đến kiếm ăn.
Cả hoa đực lẫn hoa cái đều nở trên cùng một cụm hoa. Hoa cái nở trước, hoa đực nở sau đó từ 1 – 2 ngày. Cơ chế này giúp ngăn cản sự tự thụ phấn của cây.
Sau khi hoa tàn, một chiếc lá đơn duy nhất mọc lên từ giả thân hành (corm) của cây dưới mặt đất, kích thước bằng một cái cây nhỏ, phía trên một cuống hơi xanh, về sau phân thành ba nhánh tại đỉnh, mỗi nhánh mang nhiều lá chét (leaflet). Cấu trúc lá này có thể cao đến 6 mét, vươn rộng đến 5 mét. Mỗi năm, chiếc lá cũ chết đi và một chiếc lá mới sẽ mọc lên tại vị trí cũ. Khi giả thân hành đã có đủ dưỡng chất, nó sẽ “nghỉ ngơi” trong bốn tháng và quá trình này cứ thế lại được lặp lại.
Giả thân hành của hoa xác thối là loại lớn nhất từng được biết đến, thường đạt cân nặng khoảng 50kg. Một mẫu vật tại nhà kính Princess of Wales, Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew được thay chậu sau thời gian dài ngủ nghỉ, khối lượng cân được của nó là 91kg (201 lb). Năm 2006, một giả thân hành trong Vườn Bách thảo Bonn, Đức được ghi nhận là nặng 117kg (258 lb). Một cái khác của A. titanum được trồng ở Gilford, New Hampshire bởi Tiến sĩ Louis Ricciardiello năm 2010 ghi nhận nặng khoảng 138kg (305 lb). Tuy nhiên, kỷ lục hiện tại được nắm giữ bởi Vườn Bách thảo Hoàng gia Edinburgh; nặng 153,9kg (339 lb) sau 7 năm sinh trưởng từ một giả thân hành ban đầu có kích thước chỉ bằng một quả cam. Cụm hoa cao nhất được ghi nhận tại Vườn Bách thảo Bonn (Đức) vào tháng 5 năm 2013 với chiều cao đạt 3,20 mét.
C. Phân bố
A. titanum chỉ có nguồn gốc ở phía tây Sumatra, nơi cây mọc tại các khe hở trong rừng nhiệt đới trên các ngọn đồi đá vôi. Tuy nhiên đến hiện tại thì cây đã được trồng tại các vườn bách thảo và một số nhà sưu tập tư nhân trên khắp thế giới.
D. Nhân giống hoa xác thối
Hoa xác thối chỉ thấy mọc tự nhiên tại các khu rừng mưa nhiệt đới gần xích đạo thuộc Sumatra, Indonesia. Nó được nhà thực vật học người Ý Odoardo Beccari miêu tả khoa học lần đầu tiên bởi vào năm 1878. A. titanum rất hiếm khi ra hoa trong tự nhiên. Lần đầu tiên một cá thể A. titanum ra hoa trong một vườn bách thảo là vào năm 1889 tại Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew ở Luân Đôn. Những lần ra hoa đầu tiên được ghi nhận ở Hoa Kỳ là tại Vườn Thực vật New York vào năm 1937 và 1939. Việc cây ra hoa cũng là cảm hứng lớn cho việc chọn hoa xác thối làm loài hoa chính thức cho quận Bronx vào năm 1939, và chỉ bị thay thế bởi loài hoa hiên (day lily, chi Hemerocallis) vào năm 2000. Tại Vườn Bách thảo Bonn, A. titanum được trồng từ năm 1932 và là bộ sưu tập lớn nhất được Wilhelm Barthlott xây dựng sau năm 1988, với khoảng 30 hoa đã được ghi nhận và nghiên cứu kể từ đó.
Đến nay, số lượng cây được nhân giống đã tăng lên đáng kể, nên việc mỗi năm có năm hoặc nhiều hơn năm sự kiện ra hoa tại các khu vườn trên toàn thế giới trong vòng một năm cũng không có gì làm lạ, khi mà các yêu cầu kỹ thuật đặc biệt trong các khu vườn đã được biết đến một cách chi tiết. Đi kèm với kỹ thuật thụ phấn tiên tiến (advanced pollination techniques) cũng đồng nghĩa với việc loài hoa này hiếm khi được những người làm vườn nghiệp dư chăm bón. Tuy nhiên, vào năm 2011, trường Trung học Phổ thông Roseville (Roseville, California) đã trở thành trường Trung học đầu tiên trên thế giới trình diện một cá thể A. titanum ra hoa.
Năm 2003, cụm hoa cao nhất của A. titanum thuộc về ngành trồng trọt được ghi nhận cao 3.20 mét (tính từ giả thân hành, chính xác là 3,07 mét tính từ mặt đất) tại vườn bách thảo thuộc Đại học Bonn của Đức; kỷ lục trên chính thức được phân tích, chụp ảnh và ghi lại chi tiết và được Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận. Một cụm hoa lớn khác thuộc về Louis Ricciardiello; khi cao 3,1 mét vào năm 2010; được trưng bày tại Winnipesaukee Orchids ở Gilford, New Hampshire, Hoa Kỳ. Sự kiện này cũng đã được Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận.
E. Tần suất nở hoa
Trong quá trình trồng trọt, hoa xác thối thường cần từ 5 đến 10 năm sinh trưởng sinh dưỡng trước khi ra hoa lần đầu tiên. Sau lần ra hoa đầu tiên đó, rất có thể có sự thay đổi đáng kể về tần suất ra hoa vào những lần sau đó. Với một số điều kiện canh tác được biết đến chi tiết, một số cây có thể không ra hoa trở lại sau 7 đến 10 năm kể từ lần đầu tiên trong khi những cây khác có thể ra hoa cứ 2 đến 3 năm một lần. Tại các vườn thực vật của Đại học Bonn, người ta quan sát thấy rằng, trong các điều kiện canh tác tối ưu thì cây ra hoa xen kẽ hai năm một lần. Điển hình là một cá thể hoa xác thối ra hoa hai năm một lần (vào những năm 2014, 16, 18 và 2020) tại Vườn Bách thảo Copenhagen. Cũng có tài liệu ghi nhận về các trường hợp ra hoa liên tục trong vòng một năm, khi ấy các giả thân hành thường cho ra đồng thời một (hoặc hai) lá và một cụm hoa. Cũng có trường hợp một giả thân hành nặng 117kg cho ra đồng thời ba hoa ở Bonn, Đức. Sự trùng hợp trên cũng xảy ra tại vườn bách thảo Chicago vào tháng 5 năm 2020 với bộ ba hoa được đặt biệt danh riêng là “The Velvet Queen”, nhưng việc xem xét đã bị đóng cửa do COVID-19.
Mo hoa thường bắt đầu mở vào giữa buổi chiều, kéo dài đến tối muộn và suốt đêm, do đây là những thời điểm hoa cái rất dễ thụ phấn. Theo tìm hiểu, hầu hết các mo sẽ bắt đầu héo trong vòng mười hai giờ, một số khác được biết là vẫn mở trong khoảng từ 24 đến 48 giờ. Và khi mo héo, hoa cái mất khả năng thụ phấn.
Việc cây tự thụ phấn từng được coi là không thể, nhưng vào năm 1992, các nhà thực vật học ở Bonn đã tự tay thụ phấn cho cây của họ bằng phấn hoa từ những bông hoa đực mọc trên mặt đất. Quy trình trên thành công mỹ mãn, với việc cây cho ra quả và hàng trăm hạt khỏe mạnh, sẵn sàng cho việc sản xuất cây con và phân phối chúng. Chưa kể, một cá thể chân bê khổng lồ tại Đại học Gustavus Adolphus, ở Minnesota, đã bất ngờ cho ra hạt giống có khả năng sống thông qua quá trình tự thụ phấn vào năm 2011.
Khi lá mo dần dần mở ra, bông mo nóng lên đến 37 độ C, và nhịp nhàng tiết ra mùi hương mạnh mẽ thu hút các loài thụ phấn, côn trùng ăn động vật chết hoặc đẻ trứng của chúng vào thịt thối. Hiệu lực của mùi tăng dần từ chiều tối cho đến giữa đêm, sau đó giảm dần vào buổi sáng. Phân tích các hóa chất do bông mo tiết ra cho thấy một mùi hôi thối (stench) bao gồm dimethyl trisulfide (tương tự như mùi của pho mát limburger), dimethyl disulfide (tỏi), trimethylamine (thịt cá thối rữa), axit isovaleric (tất ướt đẫm mồ hôi), benzyl alcohol (hương hoa ngọt ngào ), phenol, và indole (mùi phân).
F. Tài liệu tham khảo
1. Loài Amorphophallus titanum. Wikipedia, the free encyclopedia. Truy cập ngày 21/10/2023.
2. World Flora Online (WFO). wfo-0000982521. Truy cập ngày 21/10/2023.
Comments are closed.