Cỏ lá gừng là một trong những loại cỏ được sử dụng nhiều trong thiết kế sân vườn, cảnh quan cho các công trình công cộng. Đây là loại cỏ rất dễ trồng và chăm sóc.
1. Thông tin sơ lược về cây có lá gừng
- Tên thường gọi: Cỏ lá gừng;
- Tên gọi khác: Cỏ lá tre;
- Tên khoa học: Axonopus compressus;
- Họ thực vật: Poaceae (Hòa thảo);
- Xuất xứ: Miền nam Hoa Kỳ, Mexico và Brazil;
2. Đặc điểm hình thái của cây cỏ lá gừng
Cỏ phát triển từ các bộ phận như rễ và nhánh, thân cây được chia thành các đốt ngắn và ở trên mỗi đầu đốt là những bẹ lá bao quanh, thân có màu xanh hoặc đỏ tía.
Cỏ lá gừng có thân thân nhỏ, cành và nhánh thường bò sát đất, chính vì khả năng bò sát và sinh trưởng nhanh nên loại cỏ này có thể đan thành thảm cỏ xanh đẹp mắt. Lá đơn, hình bầu dục nhỏ dài, nhọn ở đầu và bè ra ở giữa, màu xanh lục và có thể dài tới 20 cm, tuy nhiên chiều dài của lá còn phụ thuộc vào môi trường sống, ngoài ra lá còn có lớp lông cứng nên khi ta sờ vào sẽ có cảm giác ráp tay.
Cành hoa có chiều cao từ 10 – 15 cm, hoa có màu vàng nhạt ửng đỏ ở đầu hoa, trên một thân cây thì thường có khoảng 2 – 4 nhánh, quả mọc dài từ cuống lên tới đầu nhánh, xếp so le nhau, lúc còn non phấn hoa phủ trên dọc cành quả, sau khi đã thụ phấn xong hoa cỏ bay đi và để lại lớp quả, quả sẽ rụng và lên mầm.
Cỏ chịu nắng nóng tốt và có khả năng sống được trong môi trường thiếu ánh sáng.
3. Đặc điểm sinh thái
Cỏ lá gừng là loại cây ưa nắng, tuy nhiên chúng vẫn có thể sống ở những nơi có bóng râm, khi sống trong môi trường có nắng cỏ sẽ phát triển rất nhanh, cành và nhánh của cây cũng phát triển và bò ra xung quanh, lá có chiều dài từ 3 – 6 cm dày và bè ra, đan thành những thảm có chiều cao đồng đều và se khít nhau.
Trong môi trường bóng râm và ít ánh sáng, cỏ vẫn sẽ phát triển nhanh và tốt, nhưng cành và nhánh của nó sẽ không tán ra xung quanh mà chỉ tập trung ngoi lên trên để đón ánh sáng, lá cây sẽ mỏng manh hơn và vươn dài yếu ớt, chính vì thế mà ta thấy được những chỏm cỏ rất cao, không đan thảm và có để lộ ra những cành lá đang phân hủy, gầy gò và thiếu sức sống.
4. Công dụng của cỏ lá gừng
Cỏ lá gừng thường được trồng để trang trí nền tại các công viên, hoa viên, phủ xanh khu công nghiệp, đường phố, bồn hoa đô thị, vườn biệt thự, trường học, …
5. Phương pháp trồng cỏ lá gừng
- Cải tạo lớp đất mặt, làm tơi xốp đất và thu dọn cỏ dại.
- Bón lót phân tro và phân NPK đa năng.
- Xé cỏ lá gừng giống ra thành từng mảng rồi cấy với mật độ vừa từ 3 – 4 cm trải đều trên bề mặt đất.
- Đạp nhẹ hoặc dẫm chân lên diện tích cỏ vừa trồng, đảm bảo cho cỏ và đất được kết dính với nhau.
- Tưới nước thật đẫm lên cỏ.
- Rải thêm một lớp xơ dừa hoặc tro trấu lên cỏ để giữ ẩm, tạo điều kiện để rễ cây phát triển nhanh và mạnh.
- Sau trồng, cần tưới nước cho thảm cỏ mỗi ngày.
- Kết quả: Sau 25 – 30 ngày cỏ sẽ phủ đều, non, mượt và đẹp.
6. Chăm sóc cỏ lá gừng
Nước tưới:
- Sau khi trồng 1 – 5 ngày: Tiến hành tưới nước thường xuyên, mỗi ngày 3 lần vào sáng, trưa và chiều. Chú ý là vào buổi trưa trời nắng gắt phải tưới ẩm cho thảm cỏ lá gừng, không để cỏ giống quá khô.
- Từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 30: Ngày tưới 2 lần vào sáng và chiều.
- Sau 1 tháng: Tùy vào thời tiết mà điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp, đảm bảo cỏ luôn có đủ độ ẩm.
Phân bón:
- Sau khi trồng được 7 ngày tiến hành bón phân Ure theo định mức 1kg/50 m2 để kích thích cỏ ra chồi non. Tới ngày thứ 25 tiến hành bón thêm một đợt phân Ure với định mức như trên. Duy trì bón Ure mỗi tháng 1 lần.
- Sau khi bón phải tiến hành tưới đẫm nước cho cỏ lá gừng. Trường hợp trời mưa thì không cần tưới.
- Nếu cỏ có hiện tượng vàng lá sau khi bón phân hóa học thì ta bổ sung thêm phân vi sinh để cải tạo đất.
Cắt, tỉa cây cỏ lá gừng:
- Tiến hành cắt tỉa mỗi tháng 1 lần tùy theo điều kiện thực tế, kích thích cỏ mọc lá non đảm bảo thảm cỏ luôn xanh tươi.
- Thực hiện nhổ cỏ dại định kỳ, đảm bảo vẻ mỹ quan cho thảm cỏ lá gừng.
Phòng trừ sâu, bệnh hại:
- Tổ kiến trên thảm cỏ: Sử dụng các loại thuốc trừ kiến sinh học.
- Sâu non bọ cánh cứng: Thường ăn rễ cỏ lá gừng và thu hút chim xuống rỉa cỏ, chưa kể còn tạo điều kiện cho một loài nấm và tuyến trùng xâm nhập. Có thể sử dụng một số loại thuốc như Regent, Configent hoặc dùng thuốc nước tưới gốc cây như Pyrinex, Sairifos, …
- Nấm mốc nhờn ở cỏ lá gừng: Thường xuất hiện vào cuối mùa hè và mùa thu, đối tượng này về cơ bản không quá gây hại. Tuy nhiên, bệnh không có thuốc trị nên chỉ có thể phòng bệnh bằng cách thông khí và xới cỏ, khi xuất hiện nấm thì xịt nước để rửa sạch ngay lập tức.
- Bệnh mốc trắng ở cỏ: Thường thấy vào mùa thu hoặc mùa lạnh, với hiện tượng là một lớp phủ trắng trên những đám cỏ vàng hoặc hơi nâu, chúng lây lan rất nhanh và phá hại bãi cỏ. Cần xới cỏ lá gừng để giảm rủi ro gây bệnh và hạn chế bón nhiều nitơ vào mùa thu
- Bệnh đỏ lá: Là loại bệnh phổ biến gây hại cho cỏ, thường phát triển mạnh nhất vào mùa hè và mùa thu. Cỏ khi nhiễm bệnh sẽ bị nhuốm đỏ thành từng mảng khác nhau, sau đó chuyển sang màu nâu rồi chết. Cần thường xuyên thông khí và xới cỏ, đồng thời bón phân đạm SA (ammonium sulfate) ngay khi có những triệu chứng lác đác trên cỏ.
- Bệnh gỉ sắt: Thường lây lan rất nhanh, gây vàng cỏ. Bệnh không có hóa chất đặc trị, chỉ có thể ngăn chặn tình trạng lây lan bằng cách thường xuyên cắt tỉa và dọn sạch cỏ lá gừng đang bị bệnh. Tránh dùng nhiều phân nitơ vào mùa thu, vì chúng kích thích tăng trưởng cao, dễ làm cây nhiễm bệnh.
Ngoài vẻ đẹp mà cỏ lá gừng mang lại thì đây cũng là loại cỏ rất dễ hồi sinh, chỉ cần một cành nhánh và một mẫu rễ cây cỏ có thể nảy mầm và vươn lên đầy sức sống khi được tiếp xúc với nước. Chính nhờ đặc điểm dễ tái sinh và chăm sóc cỏ lá gừng vẫn là loại cỏ luôn được mọi công trình ưa dùng, tính tới thời điểm hiện tại trên đất nước ta diện tích loại cỏ này là lớn nhất so với các loại cỏ cảnh khác.