Lần cập nhật cuối: 22/11/2022.
1. Kỹ thuật chăm sóc cây cà chua cherry
Cà chua cherry là loại quả đang được nhiều người ưa chuộng hiện nay. Không chỉ có màu đẹp mắt, mà cà chua cherry có vị ngọt cao hơn, so với giống cà chua bình thường. Ngoài ra, trong cà chua cherry có chứa nhiều Vitamin A, C, K có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Vụ mùa: Cà chua cherry có thể trồng quanh năm, nhưng chính vụ là từ tháng 5 đến tháng 12. Cà chua là giống cây dễ sống nếu chăm sóc tốt, mỗi cây có thể cho năng suất lên đến 7 – 8kg/cây.
2. Các bước trồng cà chua cherry
– Gieo hạt:
Bạn có thể mua hạt giống ở các cửa hàng bán đồ nông nghiệp hoặc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA). Khi đã có hạt giống các bạn có thể gieo hạt vào các khay hạt giống hoặc thùng xốp. Trước khi gieo bạn chuẩn bị giá thể gồm: Xơ dừa (70%), phân hữu cơ (phân bò hoặc gà) + vỏ trấu hun + đất (30%); Chuẩn bị phân xong bạn trộn đều và tưới nước đủ ẩm rồi gieo hạt xuống, sau đó phủ bạt đợi trong 25 ngày đến khi lên cây con.
– Xử lý đất trồng:
Trước khi trồng cây con trước 15 ngày bạn phải xử lý đất trồng bằng phân hữu cơ. Xới đất tơi → lên luống chống ngập úng (khoảng cách 50cm, cao 15cm) → tạo lỗ trồng cây (khoảng cách 20 cm).
– Xuống cây con:
Trồng cây con vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn (tránh trồng vào lúc nắng nóng) → phun thuốc sinh học trước khi xuống cây giống để phòng trừ sâu bệnh hại → xuống cây con. Trồng vào lỗ đã đào sẵn (bán kính 10cm) ấn bầu xuống 2/3 lỗ đã đào.
3. Cách chăm sóc cà chua cherry
– Tưới nước: Cà chua là loại cây ưa nắng, nếu nắng quả thu hoạch sẽ ngọt và có màu đỏ đậm đẹp mắt hơn. Bạn tưới nước hàng ngày nếu mùa hè thì 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát, mùa đông thì 1 lần/ngày vào sáng hoặc chiều.
– Bón phân: Khi cây nhỏ tưới phân dung dịch hỗn hợp đa lượng và vi lượng 2 lần/tuần. Đến khi cây lớn cho thu hoạch quả thì tăng lượng phân tưới lên 3 – 4 lần/tuần.
– Làm giàn leo: Khi cây bắt đầu lớn dùng dây dù quấn quanh thân cây cà chua theo chiều kim đồng hồ, buộc dây vào hệ thống dòng dọc hoặc cánh bướm để dễ dàng hạ hoặc nâng giàn.
– Tỉa cành: Bạn nên tỉa bớt những cành lá nhánh phụ để loại bỏ các lá già, vàng úa ở gần gốc cà chua cherry. Mục đích của việc tỉa lá cây là để cắt giảm lượng dinh dưỡng không cần thiết tập trung nuôi nhánh chính, làm thoáng gốc cây tránh nấm và sâu bệnh hại, tăng lượng ánh sáng mặt trời tiếp thu chiếu trực tiếp vào quả cà chua.
* Một số loại sâu bệnh thường gặp ở cây cà chua:
– Bệnh héo xanh;
– Bệnh virus khảm;
– Bệnh nứt quả, thối quả;
– Bệnh thối rễ, vàng lá;
– Nhện đỏ, rệp cùng một số loài sâu hại khác;
Nếu cây bạn trồng gặp phải các loại bệnh trên có thể đến các cửa hàng bán cây giống hoặc bán đồ chuyên dụng về nông nghiệp để mua các loại thuốc bảo vệ thực vật dành riêng cho từng loại bệnh.
Nguồn: Học cách trồng cà chua cherry sai trĩu quả của Chimi Farm. Tác giả: Admin – Chimi.com