Cách trồng cherry không khó.
Những quả cherry căng mọng nhìn thích mắt ghê, tiếc là phải mua với giá cao thì thật không thỏa chút nào. Nhất là nhà vừa có sẵn vườn nhưng lại để trống ngày này qua tháng khác. Thôi thì bắt tay vào trồng cherry ngay để khỏi bỡ ngỡ nhé.
1. Xử lý hạt giống
Thực hiện quá trình phân tầng ấm ( warm stratification ) để làm tăng tỷ lệ nảy mầm của hạt:
- Mua dớn trắng ( sphagnum moss ) tươi, vô trùng tại các tiệm vật tư. Vật liệu này có khả năng chống nấm mốc, vốn là đối tượng gây hại chính ở giai đoạn này. Tiến hành xử lý rêu bằng găng tay sạch để tránh bào tử có cơ hội lây lan.
- Bỏ dớn trắng vào túi nilon hoặc hộp đựng và đổ ngập nước ở nhiệt độ phòng ( khoảng 20ºC ) vào rêu. Chờ khoảng độ từ 8 – 10 tiếng cho rêu hút nước, sau đó vắt bớt nước thừa.
- Chọc vài lỗ thông khí trên nắp hộp. Nếu dùng túi nilon, bạn chỉ cần mở hé miệng túi.
- Cho hạt giống cherry vào và để yên như vậy trong khoảng 2 tuần ở nhiệt độ ổn định. Kiểm tra sau một hoặc hai ngày để chắt bớt nước đọng, sau đó kiểm tra hàng tuần và vứt đi các hạt bị mốc ( nếu có ).
Việc tiếp theo chúng ta cần làm là khiến cho hạt giống cherry “tưởng” rằng chúng đang trải qua mùa đông lạnh. Đây là phương pháp “phân tầng lạnh”, rất giống với bước trên, chỉ thay đổi một số bước
- Bạn vẫn có thể sử dụng lại dớn trắng, nhưng nên chuyển qua rêu than bùn hoặc hỗn hợp 50 : 50 rêu than bùn và cát để đạt hiệu quả cao hơn. Đá vermiculite cũng dùng được tốt.
- Thêm một lượng nước vừa đủ để làm ẩm vật liệu nhưng không được ướt sũng, sau đó cho hạt vào.
- Cho vào tủ lạnh hoặc đặt ở nơi có nhiệt độ từ 0,5 đến 5ºC.
Phần lớn các giống cherry đều cần được xử lý lạnh trong 3 tháng trước khi gieo trồng, một số giống có khi cần đến 5 tháng. Kiểm tra hạt khoảng mỗi tuần một lần. Chắt đi phần nước đọng nếu có, hoặc cho thêm nước nếu thấy vật liệu bị khô.
Tiến hành kiểm tra thường xuyên hơn khi đến cuối giai đoạn phân tầng lạnh. Nếu phần vỏ cứng bên ngoài hạt bắt đầu nứt ra, bạn có thể đem hạt ra trồng ngay hoặc giảm nhiệt độ xuống 0ºC cho đến khi bạn sẵn sàng trồng.
Ngay sau khi đợt giá lạnh vào cuối mùa xuân qua đi là lúc bạn có thể gieo hạt giống cherry xuống đất.
2. Gieo hạt giống cherry
Cây cherry cần nhiều ánh nắng và độ thoáng khí. Chúng cũng ưa đất cát, màu mỡ với độ thoát nước tốt và độ pH trung tính hoặc hơi chua.
Cây con cần có đủ không gian để rễ cái ( tap-root ) phát triển. Nếu trồng cây trong chậu, bạn cần dùng chậu sâu tối thiểu 20 cm.
Dùng ngón tay chọc một lỗ sâu khoảng một đốt ngón tay và thả một hạt vào đó; chú ý gieo hạt cách nhau 30 cm. Bạn vẫn có thể gieo hạt sát nhau hơn, nhưng sẽ phải bỏ bớt số lượng cây con khi chúng đã mọc cao đến khoảng 5 cm.
Nếu trồng cây vào mùa thu, bạn hãy phủ một lớp cát dày khoảng 2,5 – 5 cm lên trên hạt; giúp bảo vệ chồi cây khỏi nhiệt độ thấp khi mùa đông tới. Nếu trồng cây trong mùa xuân, bạn chỉ cần lấp đất vào lỗ cao đến ngang mặt đất.
Nếu gieo hạt trực tiếp vào đất trong vườn thay vì trồng trong chậu, hạt giống khi này sẽ là mục tiêu chính của các loài động vật chuyên đào bới tìm thức ăn trong đất. Lúc này ta cần dựng xung quanh khu vực gieo hạt một tấm lưới sắt hoặc vải kim loại, bẻ gập các cạnh và ấn xuống đất sâu vài cm để tạo thành một hàng rào chắn. Dỡ hàng rào này khi các chồi đầu tiên mọc lên.
Tưới nhẹ lên hạt sau khi đợt sương giá cuối cùng kết thúc. Chỉ tưới khi đất hầu như đã khô hẳn. Cây cherry con không thể sinh trưởng trên đất quá ẩm, nhưng cũng không thể sống nếu đất khô hạn quá lâu.
Hạt giống cherry nảy mầm khá chậm. Nếu bạn dùng cả hai phương pháp phân tầng ấm và phân tầng lạnh, cây có thể nảy mầm trong vài tháng tới. Tuy vậy, một số hạt có thể phải mất cả năm mới nảy mầm và trồi lên khỏi mặt đất vào mùa xuân năm sau.
3. Chăm sóc cây giống cherry
Tránh việc đất quá ẩm khi trồng cây cherry. Khi cây con mọc rễ cái, bạn hãy kiểm tra đất ở độ sâu khoảng 7,5 cm và tưới khi sờ thấy đất khô. Tưới nhỏ giọt cho đến khi ướt lớp đất ở độ sâu của rễ. Điều này ban đầu sẽ không mấy tốn thời gian, nhưng bạn cần nhớ điều chỉnh lại thao tác tưới khi cây anh đào phát triển.
Khi cây đạt đến độ cao khoảng 15 cm hoặc đủ lớn để rễ cây có khả năng cạnh tranh hoặc chạm xuống đáy chậu, bạn cần cung cấp thêm không gian cho cây. Có thể bỏ đi những cây thấp nhất hoặc trồng tách ra. Mỗi cây cần phải trồng cách nhau khoảng 6 m. Nhớ rằng thời gian trồng lại tốt nhất là khi cây đang ngủ đông, tức là vào mùa đông. Nếu bạn trồng lại khi cây đang tăng trưởng mạnh, cây sẽ bị stress và có thể chết.
Đắp lớp phủ bằng phân hữu cơ hoại kỹ mỗi năm vào đầu mùa xuân. Bắt đầu đắp lớp phủ sau khi cây nảy mầm, vì lớp phủ có thể ngăn chặn mầm cây trồi lên mặt đất.
Tốt nhất là nên tránh sử dụng phân bón vô cơ cho cây con, vì cây rất dễ bị cháy lá. Trường hợp này nên áp dụng phân hữu cơ.
Rào xung quanh cây con bằng lưới sắt để ngăn hươu nai, hoặc vật nuôi như chó đến cắn phá. Thực hiện việc này ngay khi cây bắt đầu mọc lên.
Mỗi tháng một lần, bạn nên tìm xem có các lỗ trên thân cây bị rỉ nước hoặc có phân mọt trông như mạt cưa không. Cắm kim vào các lỗ này để giết sâu bọ.
Vào mùa xuân, tiến hành quấn vải màn quanh thân cây để ngăn chặn côn trùng đẻ trứng.
Cây anh đào không quá khó cắt tỉa, việc cắt tỉa vừa giúp cây sai quả lại còn trông đẹp mắt hơn. Nói chung, giống cherry chua chỉ cần cắt tỉa một chút để tạo các cành đối xứng. Với cherry ngọt, bạn hãy cắt bớt cành chính ở giữa để kích thích cây mọc thêm chồi bên.
Nếu để nguyên, cây anh đào thường sẽ mất năm năm hoặc lâu hơn mới ra quả, đối với những cây có thể đậu quả. Ghép cành có hơi mạo hiểm một chút đối với những cây trồng từ hạt, bởi bạn sẽ không biết chính xác cây thuộc giống nào, về việc này có thể xin gợi ý từ các nhà vườn. Bạn có thể ghép cành cây cherry vào gốc ghép 2 tuổi và có thể thu hoạch quả vào năm thứ ba hoặc thứ tư nếu ghép thành công.
Không ai có thể trồng cherry mà không phải chia sẻ bớt “thức ăn” tự nhiên này cho lũ chim. Nếu may mắn nhìn thấy cây ra quả, bạn hãy tìm cách bảo vệ chúng trước khi quả chín. Có nhiều cách để đánh lạc hướng hoặc xua đuổi chim, bao gồm việc trồng cây dâu tằm ( lũ chim còn thấy ngon hơn ) và treo các vật có bề mặt sáng trên cành cây. Một số nhà vườn cũng trùm lưới lên cây để ngăn chim và các loài động vật khác đến ăn quả.