Hoa hồng môn – loài hoa của sự hãnh diện.
Lần cập nhật nội dung gần nhất: 12/12/2020.
Hoa hồng môn hay môn hồng, vĩ hoa tròn, buồm đỏ ( danh pháp khoa học Anthurium andraeanum Linden ex André; đồng nghĩa Anthurium andraeanum var. divergens Sodiro; Anthurium venustum Sodiro ) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Ráy Araceae có nguồn gốc từ Colombia và Ecuador. Dưới đây là hình ảnh hoa hồng môn cho bạn đọc tham khảo.
Cây hồng môn có tác dụng gì ?
Làm cảnh với hồng môn chưa bao giờ là trở ngại. Với mo hoa tuy ở độ tuổi “thiếu nữ”, sắc đỏ tươi rói nhưng đã “già gân” thế kia thì bảo sao không ăn đứt mấy loại hoa cảnh khác. Bảo đảm những ai lần đầu tiếp xúc thường sẽ khen nấy khen để cấu trúc kì diệu mà mẹ thiên nhiên ban tặng này cho xem; đôi khi hút quá còn khiến nhiều người tưởng nhầm đây là bộ phận giả được gắn trực tiếp vào cây để lấy lòng khách.
Và như để “đánh bóng tên tuổi”, hồng môn đã trực tiếp đi thi và vinh dự dành được Giải thưởng Công trạng Làm vườn ( Award of Garden Merit ) của Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia – một giải thưởng thường niên lâu đời dành cho các loài cây xứng đáng; được NASA Clean Air Study chọn mặt gửi vàng khi liệt kê vào danh sách những loài cây có công dụng hiệu quả trong việc loại bỏ formaldehyde, xylene, toluen và amoniac khỏi không khí; nên trông hồng môn bình thường vậy thôi nhưng lại không tầm thường đâu nhé.
Cây hồng môn có ý nghĩa gì ?
Cùng làm rõ từ “hồng môn” nhé, theo các nhà văn vở học, “hồng” tượng trưng cho ”sắc hồng may mắn“, “môn” tượng trưng cho ”gia môn phú quý”, ghép lại đúng là đẹp cả về từ lẫn nghĩa, như kiểu ông thần tài nào đó rắc đầy phú quý và may mắn vào nhà vậy.
Bạn có để ý, dáng lá và mo hoa của hồng môn thường thường lấy ý tưởng thiết kế từ hình trái tim một cách có sắp đặt, nên không có gì khó hiểu khi từ lâu loài hoa này đã trở thành nơi chốn để gửi gắm tình cảm lứa đôi, mà lại là tình cảm chân thành không gian dối – một thứ tình cảm nồng ấm, một sự thanh lịch và tao nhã đến lạ thường mới chịu đó. Sắc đỏ của mo hoa được ví như một ngọn lửa đang cháy mãnh liệt, hệt như ngọn lửa của tình yêu thật cuồng nhiệt và tha thiết.
Một điểm rất đáng chú ý nằm ở “cột” hoa tự của hồng môn là chúng thường có sự biến đổi về sắc hoa, các hoa còn non thường sẽ đậm màu hơn trong khi đó những hoa trưởng thành thường có màu nhạt hơn và khi hoa về già lại thường bị phai màu và chuyển sang sắc trắng pha lục giống màu lá cây. Chính vì điều này mà hồng môn có thêm sắc thái lãng mạn, bộc bạch sự thanh cao giống như cuộc đời của mỗi con người vậy.
Ý nghĩa của từng sắc mắc trên hồng môn:
- Hồng môn đỏ: Sự nhiệt tình, nồng nàn, và cũng rất ấm áp.
- Hồng môn cam: Sự đam mê, hạnh phúc cũng đồng thời khơi gợi cảm hứng sáng tạo, một tinh thần quyết đoán tuyệt vời và niềm tin vào thành công.
- Hồng môn trắng: Màu trắng luôn luôn gắn liền với sự tinh khiết, thánh thiện và được xem là màu của sự hoàn hảo và trong cuộc sống thường là màu của hi vọng.
- Hồng môn xanh: Biểu tượng của sự kiên trì, khao khát hướng tới tương lai tốt đẹp cùng chí hướng luôn muốn được bay xa.
- Hồng môn hồng: Màu hồng là màu sắc của sự lãng mạn, biểu tượng cho một tình yêu ngọt ngào và một tình bạn trong sáng.
Cây hồng môn nên đặt ở đâu ?
Hồng môn với độ tươi rói có thừa nên đặt đâu cũng đẹp, nhất là những nơi có đủ ánh sáng, có thể kể ra cụ thể như:
- Ban công, cửa sổ: Một vị trí vô cùng thích hợp để nuôi dưỡng sắc đẹp tự nhiên của môn hồng khi tiếp nhận liên tục ánh sáng tran hòa từ thiên nhiên.
- Trên bàn làm việc, bàn học: Bạn còn nhớ công dụng lọc sạch không khí của hồng môn ở trên chứ. Đúng đó, hãy để hồng môn được tự do bộc phát năng lực của mình để cân bằng các tác động xấu trong không gian làm việc – nơi vốn thiếu khí sống lâu ngày cùng sự tích tụ các hóa chất gây ô nhiễm trong máy móc sử dụng, trong các loại thuốc xịt côn trùng hoặc thuốc tẩy rửa, kèm áp lực khi ngồi trước máy tính, điện thoại trong thời gian dài.
- Trên quầy thu ngân: Nếu đã đọc qua ý nghĩa cây hồng môn rồi thì bạn nên đặt để ngay vị “thần tài” này trên đó đi thôi vì một chu kỳ kinh doanh thuận lợi.
- Nhà hàng, khách sạn: Với màu sắc sáng, đầy uy lực nên khi có cơ duyên được kết hợp với những chậu màu trắng, màu hồng, hồng môn sẽ càng tôn lên được sự sang trọng và quý phái cho không gian, nhất là với những không gian đòi hỏi sự cầu kì trong thiết kế.
Cách trồng và chăm sóc hoa hồng môn
1. Nhiệt độ và ánh sáng thích hợp
Hồng môn được biết là loại cây ưa mát và độ ẩm cao. Độ ẩm thích hợp thường từ 70 – 80 %, nhiệt độ 18 – 20oC. Nếu độ ẩm quá thấp thì màu lá sẽ nhạt, nếu độ ẩm quá cao thì chậu cảnh dễ sinh bệnh. Nhiệt độ thấp hơn 15oC cây phát triển vô cùng kém. Ngược lại nếu cao hơn 30oC thì lá cây sẽ chuyển vàng rõ rệt, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến chết cây.
Lưu ý nữa là sau khi trồng các bạn nên tiến hành tưới nước vào gốc khoảng 1 – 2 ngày một lần. Không nên tưới quá nhiều để tránh việc úng cây tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Mùa khô thì ngày tưới nước 2 lần.
2. Kỹ thuật tạo đất trồng hoa hồng môn
Đất trồng cần tươi xốp, giữ độ ẩm tốt, có thể sử dụng đất sạch trộn sẵn đang được bày bán rầm rộ trên thị trường. Tùy vào nhu cầu trồng hồng môn mà chúng ta có thể trồng luống hoặc trồng thẳng trực tiếp vào chậu.
Nếu làm luống thì nên để rộng khoảng 1,6 m; dài tùy theo khổ đất. Xung quanh có bờ để đổ vật liệu vào dày khoảng 20 cm. Tiến hành trồng hàng cách hàng 40 x 40 cm. Cây giống đạt chuẩn phải cao từ 10 – 15 cm, 4 – 5 lá, không có dấu vết của sâu bệnh.
Tiến hành lấy cây con ra khỏi bầu cũ thật nhẹ nhàng, đặt vào chậu mới, đường kính tùy theo tuổi của cây. Sử dụng giá thể đã trộn sẵn ( đã xử lý nấm bệnh trước đó ) thêm đều vào xung quanh, ấn thật nhẹ tay, đảm bảo cây không bị vỡ bầu. Tiến hành tưới nước nhẹ, trong vòng 7 – 10 ngày không được tưới đạm nhưng phải cần giữ ẩm. Sau khi cây ổn định bộ rễ, không bị héo, thì thực hiện luôn phần tưới phân cho cây. Hòa loãng phân để tưới, kết hợp khi tưới nước.
3. Kỹ thuật bón phân
Khi trồng hồng môn tuyệt đối không nên lạm dụng bón lót cho cây mà chỉ nên tưới nước. Sau khi trồng ở nơi râm mát được khoảng 2 tuần cần tiến hành chuyển chậu cây sang khu vực dưỡng cây. Khi dưỡng cây được khoảng gần 2 tháng thì có thể tưới nước phân hoặc dùng đỗ tương, xác động vật để chăm sóc thêm cho chậu cảnh của mình thêm đẹp. Khi thấy hồng môn bắt đầu ra hoa thì sử dụng loại phân NPK 12-12-17-9 + TE hòa tan vào nước tưới giúp hoa to, màu sắc tươi đẹp hơn, nhìn thích mắt hơn.
4. Kỹ thuật trồng cây hồng môn
Nhân giống khá dễ dàng khi ta có thể tách bụi cây mỗi khi thay chậu. Lưu ý là cây mẹ phải đạt từ 4 năm tuổi trở lên. Cây con mọc ở bên cây mẹ cũng phải có từ 3 – 4 lá thật, dùng dao bén tách cây con ở phía sát gốc, dùng rễ lục bình bọc chỗ cắt lại, để đảm bảo bộ rễ cây con có cơ hội được sinh trưởng. Sau đó tiến hành trồng cây con này với cả rễ lục bình xuống giá thể trồng.
5. Phòng trừ sâu bệnh hại tấn công hoa hồng môn
Nhện: Gây hại chủ yếu trên lá làm cho lá bị cháy, cuối cùng khiến lá bị vàng khô và rụng nhanh. Phòng trừ bằng cách sử dụng Pegesus 500EC liều lượng 8 –10 ml/bình 8 lít, phun 3 bình/sào Bắc Bộ, hoặc sử dụng luân phiên với một số loại thuốc khác như: Ortus 5 EC liều lượng 10 ml/bình 8 lít, Comite 73 ND liều lượng 10 –15 ml/ bình 8 lít.
Rệp: Chuyên môn chích hút nơi lá non, mầm non của hoa làm cho cây bị suy nhược, lá và hoa mới không thể mọc và bị biến dạng, cong queo, phát dục khó. Dịch do chúng tiết ra là nguồn dẫn dụ kiến đến dẫn đến bệnh muội than hoặc các loại bệnh nấm khác. Sử dụng Karate 2,5 EC liều lượng 10 – 15 ml/bình 10lít, Ofatox 400WP hoặc Supracide 40ND liều lượng 10 – 15 ml/bình 10 lít. Hay dùng tấm bìa màu vàng dẫn dụ để diệt trừ.
Bệnh đốm vòng trắng ( vành khuyên trắng ): Gây hại ở các bộ phận trọng điểm như ở rễ và ở cổ thân cây, lá và rễ cây bị nhiễm bệnh sẽ thối nhũn. Lưu ý không tái sử dụng khay và chất nền cũ vốn chưa qua khử trùng. Sử dụng Futanin 50% 50ml/bình 8 lít phun toàn bộ lên cây. Kết hợp vệ sinh nơi trồng, loại bỏ những cây bị bệnh, lá bị bệnh đem đi tiêu hủy.
Bệnh thối cây do vi khuẩn ( chi Xanthomonas ): Bệnh do trung gian truyền bệnh là bọ trĩ chích hút. Phòng tránh bằng cách không sử dụng cây có dấu hiệu bị bệnh để nhân giống. Cần tiến hành cách ly và tiêu hủy cây bị bệnh, khử trùng sạch dụng cụ. Hạn chế tưới quá nhiều nước, khi tưới không để nước bắn từ luống này sang luống khác. Giảm tối đa lượng phân đạm bón cho cây, tăng cường thêm kali, lân, các vitamin và các nguyên tố vi lượng giúp cây khỏe mạnh để chống chịu lại bệnh. Sử dụng Starner, Streptomycin hoặc Oxytetracyclin phun cho cây.
Lời kết về hoa hồng môn
Mẹ thiên nhiên đã vô cùng ưu ái khi ban tặng cho ta loài hoa hồng môn, vậy tại sao ta không làm điều tương tự với bạn bè, người thân, gia đình những lúc tân gia, sinh nhật, khai trương, … để tích lũy thêm nhiều may mắn, hạnh phúc cùng tình cảm và tấm lòng thành từ phía đối diện nhỉ. Đây vốn sống lâu năm, tăng trưởng tốt, dễ chăm sóc bởi vậy đây sẽ là một sự lựa chọn vô cùng sáng suốt.