Các loài hoa hiếm và đẹp sử dụng trong trang trí sẽ tiếp nối đến phần 2 cho bạn đọc. Lưu ý trong danh sách có một thành viên không xuất phát từ tự nhiên. Vậy còn chần chừ gì, tìm hiểu ngay các loài hoa hiếm và đẹp phần cuối thôi nào.
Lần cập nhật nội dung gần nhất: 10/1/2021.
6. Cúc vạn thọ tây sôcôla
Cosmos atrosanguineus (Hook.) Voss, not Stapf; tên Tiếng anh là chocolate cosmos ( cúc vạn thọ tây sôcôla ); một loài thực vật có hoa trong chi Cosmos thuộc họ Cúc Asteraceae; có nguồn gốc từ Mexico. Không như nhiều người nghĩ loài này đã thực sự tuyệt chủng trong tự nhiên, thì C. atrosanguineus lại “khá phong phú” ở Mexico. C. atrosanguineus được đưa vào nhân giống tại Anh năm 1885.
Về đặc điểm, Cosmos atrosanguineus là một loài cây thân thảo sống lâu năm, cao tới 40 – 60 cm, rễ củ thịt. Lá kép hình lông chim dài 7 – 15 cm, lá chét dài 2 – 5 cm. Cụm hoa dạng đầu với đường kính từ 3 – 4,5 cm; sắc hoa từ màu đỏ sẫm đến màu nâu sẫm, với một vòng gồm sáu đến mười ( thường sẽ là tám ) hoa tia ( ray floret ) rộng và một đĩa hoa ( disc floret ) trung tâm; hoa có một mùi thơm vanillin nhẹ ( giống như hỗn hợp sôcôla ).
Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1861 bởi William Hooker, với danh pháp là Cosmos diversifolia var. atrosanguineus. Sau này, Eduard Ortgies đã tách nó ra thành một loài độc lập, và đặt vào chi Bidens. Tiếp đó Andreas Voss đã chuyển loài trở lại chi Cosmos, giữ được vị thế là một loài độc lập.
Năm 2008, Oku, T.; Takahashi, H.; Yagi, F.; et al. đã phân tích hoa của Chocolate Cosmos bằng cách sử dụng chuỗi PSID ( plastid subtype identity ) để làm rõ mối quan hệ phát sinh loài của loài thực vật này. Kết quả cho thấy loài thực sự có mối quan hệ gần gũi với chi Cosmos hơn là chi Bidens hay Dahlia.
Mặc dù có báo cáo cho rằng Cosmos atrosanguineus vốn đã tuyệt chủng từ lâu trong tự nhiên, thì một dự án nghiên cứu về chi Cosmos bắt đầu vào năm 2007 bởi nhà thực vật học người Mexico Aarón Rodríguez đã tìm thấy những ghi chép hiện đại bắt đầu từ năm 1986. Nghiên cứu thực địa cho thấy C. atrosanguineus thực sự sinh trưởng và phát triển ở các bang Guanajuato, Querétaro và San Luis Potosí; nơi loài được tìm thấy chủ yếu trong hỗn hợp rừng thông và rừng sồi, ở độ cao khoảng 1.800 – 2.450 m.
7. Các loài hoa hiếm và đẹp – Cypripedium calceolus
Cypripedium calceolus L. là một loài phong lan thuộc phân họ Cypripedioideae, và là loài tiêu biểu của chi Cypripedium.
Được biết đây là loài phong lan lớn nhất ở châu Âu, cao tới 60 cm và đường kính hoa rộng tới 9 cm. Trước khi ra hoa, C.calceolus được phân biệt với các loài lan khác bởi kích thước lớn và chiều rộng của các lá hình trứng. Mỗi nụ có tối đa bốn lá và một số lượng nhỏ ( 1 – 2 ) hoa, với những cánh hoa dài có xu hướng xoắn lại, màu sắc thay đổi từ nâu đỏ đến đen ( hiếm khi thấy màu xanh lá cây ) và một cánh môi ( labellum ) màu vàng hình chiếc hài của phụ nữ, bên trong có thể nhìn thấy rõ các chấm đỏ.
C. calceolus khi không ra hoa có thể gây nhầm lẫn với Allium ursinum L., Convallaria majalis L. hoặc một số loài phong lan thuộc chi Epipactis.
Số lượng nhiễm sắc thể đã được đưa ra là 2n = 20 nhưng cũng có ghi là 2n = 22.
C. calceolus có khu vực phân bố rộng khắp từ châu Âu sang phía đông châu Á từ Tây Ban Nha đến Thái Bình Dương, bao gồm hầu hết mọi quốc gia ở châu Âu cộng với Nga ( Nga thuộc Châu Âu, Siberia và Viễn Đông Nga ), đông bắc Trung Quốc ( Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Nei Mongol ), Mông Cổ, Hàn Quốc và đảo Rebun ở Nhật Bản.
C. calceolus được thụ phấn bởi một số loài côn trùng khác nhau, bao gồm ít nhất bảy loài ong thợ mỏ ( mining bee ) trong chi Andrena và Colletes, cũng như ít nhất hai loài thuộc chi Lasioglossum ( furrow bee ). Loài cây này rất dễ bị động vật ăn thực vật tấn công như sên trần và ốc sên.
C. calceolus được biết là có cộng tác với nấm rễ cộng sinh trong chi Tulasnellaceae. Mối quan hệ cộng tác với nấm rễ cộng sinh được coi là chìa khóa cho khả năng tiếp cận dinh dưỡng của phong lan. Các “đối tác” nấm rễ cộng sinh khác được đề xuất bao gồm Alternaria sp.; Ceratorhiza sp.; Chaetomium sp.; Cylindrocarpon sp.; Epicoccum purpureum; Epulorhiza sp.; Moniliopsis sp.; Mycelium radicis atrovirens; Phoma sp. và Rhizoctonia subtilis sp.;
Dù tình trạng bảo tồn toàn cầu của C. calceolus vốn bị coi là ít được quan tâm theo Danh sách đỏ của IUCN, nhưng ở nhiều quốc gia ( bao gồm cả Vương quốc Anh và Đan Mạch ), loài cây này bắt đầu được xếp vào dòng hiếm và có đủ điều kiện để được bảo vệ hợp pháp. C. calceolus tuy phổ biến ở Ba Lan và Áo nhưng ở Hy Lạp thì C. calceolus đã bị tuyệt chủng.
Về phân loại học, Cypripedium có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp Κυπρισ πεδιον ( Kupris pedion ), mang nghĩa Venus’ foot ( bàn chân của thần vệ nữ ). Tính ngữ chỉ loài calceolus là tiếng Latin tức một đôi giày nhỏ.
8. Hoa xác thối
Hoa xác thối là loài hoa vô cùng đặc biệt; khi thay vì phát ra hương thơm ngây ngất, thì em nó lại phát ra mùi thịt thối rất hăng để thu hút ruồi và bọ cánh cứng đến để thụ phấn. Tuy không phải thuộc dạng đẹp đến hút hồn nhưng đây lại là loài hoa này hiếm vì chỉ có thể được tìm thấy ở Sumatra. Vì được cho là loài hoa hiếm nhất, lớn nhất nên nó cũng rất hay bị xếp vào danh mục loài hoa dễ bị tuyệt chủng nhất thế giới.
Xem chi tiết về loài cây này tại bài viết về cây Hoa xác thối
9. Chỉ tên các loài hoa hiếm và đẹp – Juliet rose
David Austin là người đã chăm sóc và nuôi trồng những bông Juliet rose trong 15 năm với chi phí tiêu tốn lên tới 3 triệu bảng Anh. Juliet rose lần đầu tiên được giới thiệu tại Chelsea Flower Show vào năm 2006, và đã tạo nên 1 cơn bão bởi sự sang trọng và vẻ đẹp quá ư là quý phái của nó. Được biết đây là sự kết hợp giữa kiểu hình hoa truyền thống, cánh hoa dày đan xen nhau tròn trịa với một màu sắc trẻ trung hiện đại, nên loại hoa hồng rất được ưa chuộng trong các buổi tiệc cưới, bản thân tên gọi Juliet cũng đã ám chỉ đến cô dâu rồi. Chính vì sự kỳ công trong tạo kiểu và chăm sóc mà hồng Juliet có giá đến hàng triệu USD.
10. The Shenzhen Nongke Orchid ( phong lan Nongke tỉnh Thâm Quyến )
Nếu như các loài hoa kể trên là sản phẩm của tự nhiên thì loài hoa này lại là một sản phẩm được lai tạo 100% trong phòng thí nghiệm bởi bàn tay của các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm thuộc công ty Nongke, Thâm Quyến, Trung Quốc. Được biết phải mất tới 8 năm ròng rã quan sát và nuôi dưỡng, các nhà nghiên cứu mới phát triển được giống hoa phong lan tuyệt đẹp này. Trong đó, cũng phải đợi từ 4 – 5 năm để cây nở hoa và tỏa hương thơm dịu. Đồng thời, chỉ có những cây hoa đẹp nhất, quyến rũ nhất mới được phép đưa ra ngoài thị trường. Vì thế, không phải ai và không phải lúc nào người ta cũng được chiêm ngưỡng loài hoa tuyệt đẹp này trong phòng thí nghiệm. Và cũng bởi vậy, giá của nó là vô cùng đắt đỏ, trung bình mỗi bông hoa lan Thâm Quyến được giao bán với mức giá giật mình: 200.000 USD/cây ( ~ 4,5 tỷ đồng ). Với mức giá cao khủng khiếp như vậy, sẽ không có gì lạ khi nói đây là loài hoa khiến người Trung Quốc cảm thấy tự hào.
11. The Gold of Kinabalu Orchid ( phong lan vàng của Kinabalu )
Paphiopedilum rothschildianum (Rchb.f.) Stein là một loài phong lan thuộc chi Paphiopedilum trong họ Lan Orchidaceae. Tên gọi phổ biến khác của loài là Gold of Kinabalu orchid hoặc Rothschild’s slipper orchid. Cây ra hoa với một cụm hoa lên tới 6, 7 hoa lớn. Được biết đây là loài duy nhất trong nhóm Corypetalum bằng cách giữ các cánh hoa của nó gần như theo chiều ngang, mang lại cho hoa một vẻ ngoài rất đặc biệt. Thời kỳ ra hoa đỉnh điểm là từ tháng 4 đến tháng 5.
P. rothschildianum được tìm thấy chủ yếu trong các khu rừng mưa nhiệt đới quanh núi Kinabalu ở phía bắc Borneo, ở độ cao từ 500 đến 1200 mét so với mực nước biển. Loài hoa này rất hiếm, 15 năm mới nở một lần và khoảng giữa tháng tư và tháng năm. Giá của một trong những loài hoa hiếm nhất thế giới này lên tới 6.000 USD/cây ( ~ 136 triệu đồng ).
Xem thêm bài viết >>>các loài hoa hiếm và đẹp ( phần 1 )<<< tại đây.