Bí quyết trồng rau không cần đất của “nông dân phố” cho bạn nào muốn tìm hiểu.
Lần lọc nội dung gần nhất: 17/11/2020.
A. Bí quyết trồng rau lạ mà quen
Thời gian gần đây, thông tin về thực phẩm bẩn, đặc biệt là các loại rau phun hóa chất, tưới nước thải, … đã khiến người tiêu dùng hoang mang không ít. Bởi trên thực tế, bằng mắt thường rất khó phát hiện, phân biệt đâu là rau bẩn, đâu là rau sạch. Trong khi những kẻ hám lợi vẫn không từ mọi thủ đoạn để kiếm lời, không ít người dân đã từ bỏ hẳn thói quen mua rau ngoài chợ, thay vào đó, họ tự trồng rau sạch để sử dụng cho bữa ăn hàng ngày.
Tuy nhiên, ở thành thị đất chật người đông, dân gian hay gọi cho sang là “tấc đất, tấc vàng”, thì việc có được một mảnh đất đủ rộng để có thể trồng đủ rau cho cả gia đình ăn không phải là điều dễ dàng. Có lẽ vì thế, nhiều người đã không ngần ngại đầu tư cho mình công nghệ “trồng rau không cần đất” để thỏa mãn nỗi lòng.
Chỉ cần diện tích 2 m2 nhưng vườn rau xanh mướt có hơn chục loại rau như: rau muống, mùng tơi, rau húng, xả, tía tô, … khiến ai đến thăm nhà bà Nguyễn Minh An ( khu đô thị Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội ) cũng phải ngỡ ngàng. Điều đặc biệt, dù vườn rau ngự ở tầng 4 nhưng bà An cho biết, vườn rau này không lấy đi của bà nhiều công sức chăm bón, tưới tiêu bởi rau không trồng bằng đất. Hơn nữa, việc thu hoạch rau cũng rất dễ bởi cây có bộ rễ sạch, không dính chất bẩn hay đất, chỉ việc rút cây khỏi giỏ trồng, cắt gốc và đưa vào sử dụng. Với mô hình mới này, các hộ gia đình có thể yên tâm tận dụng được gần 100% những khoảng sân nhỏ trên sân thượng nhà mình. Những thùng xốp hay ống nhựa bỏ đi được sử dụng triệt để thành vật liệu độc đáo để trồng rau. Không tốn nhiều diện tích, không tốn công làm đất, không mất thời gian làm cỏ, tưới nước, … đối với nhiều người dân thủ đô, cách trồng rau đặc biệt này một phần nào đó đã tỏ rõ những ưu thế vượt trội so với cách thức trồng rau truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Ly ( Khu đô thị Xa La, Hà Đông ), người sở hữu một trong những vườn rau trồng theo công nghệ “không cần đất” này cũng cho biết: “Mình thì đôi khi có thể ăn uống tùy tiện nhưng nhà có con nhỏ, nên mình muốn tự trồng rau để có được nguồn thực phẩm đảm bảo nhất cho con”. Bà An cũng chia sẻ thêm: “Tôi đã chi khoảng 4 triệu đồng để đầu tư cho vườn rau này. Về cơ bản, vườn rau đáp ứng được nhu cầu ăn uống cho cả gia đình tôi. Nhiều khi rau mọc nhanh quá không kịp ăn, tôi còn phải mang đi cho nhà hàng xóm. Rau già thì tôi tận dụng để nuôi gà”.
Cũng với khoảng 2 m2 đất và mới trồng được khoảng 3 tháng nay nhưng vườn rau của chị Ly đã khá tươi tốt. Chị chia sẻ: “Không cần đến đất mà trồng hoàn toàn trong các giá thể có sẵn, được bơm nước pha sẵn dung dịch dinh dưỡng nên rau không bị ô nhiễm các kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật có hại, … tồn dư trong đất. Hơn nữa, toàn bộ quá trình gieo hạt, trồng rau đến thu hoạch mình đều làm nên có thể yên tâm hoàn toàn”.
B. Trồng rau thủy canh vẫn chưa thể nhân rộng
Thực chất, hệ thống trồng rau “không cần đất” này tên gốc là “trồng rau thủy canh tự động hồi lưu”. Với diện tích chiều rộng khoảng 2 m, chiều dài khoảng 1 m. Vườn rau được lắp ghép từ những ống nhựa thành một khối nhiều tầng thông với nhau. Cây rau được trồng trên những cốc hay giỏ khoét lỗ thông với ống nước. Với thiết bị hẹn giờ tự động, việc tưới nước sẽ được tự động hóa. Nguồn nước được bơm vào có pha sẵn dung dịch dinh dưỡng sẽ nuôi sống cây. Bởi vậy, việc chăm sóc cây giờ đây chỉ còn là “thú vui” chứ không hề nặng nhọc.
Chia sẻ về mô hình trồng rau độc đáo này, anh Trần Anh Tuấn ( Giám đốc Công ty TNHH Hướng Xanh ) cho biết: “Cách đây 10 năm, phương pháp thủy canh hồi lưu đã xuất hiện ở Hà Nội. Nhưng lúc đó, thủy canh còn xa vời với người Việt từ khái niệm cho tới vật tư. Năm 2012, thủy canh khá phát triển ở miền Nam. Một năm trở lại đây, khái niệm “thủy canh” đã dần “thân thiện” với người Hà Nội và đã có khoảng 20 hộ gia đình áp dụng”.
Anh Tuấn chia sẻ, phương pháp này vừa tiết kiệm diện tích trồng lại có tính thẩm mỹ cao, giảm thiểu công chăm sóc, hạn chế sâu bệnh. Đặc biệt, cây có thể hút trực tiếp dinh dưỡng từ môi trường nước để phát triển nên các hộ gia đình chỉ cần nước sạch để trồng cây. Thậm chí, có hộ gia đình ở các tầng cao như tầng 20, tầng 30 cũng có thể áp dụng phương pháp thủy canh hồi lưu để trồng rau sạch cho gia đình.
Rau được trồng trong nhà có mái che, được tưới bằng hệ thống nhỏ giọt tự động hoặc bán tự động, vừa đảm bảo độ đồng đều vừa tiết kiệm nước, nhờ đó, các công việc nặng nhọc của người trồng rau được giải phóng. Ngoài ra, với công nghệ này, người trồng rau còn có khả năng trồng ổn định quanh năm ( cả trong điều kiện trái vụ ), nâng điều kiện canh tác lên 4 – 11 vụ/năm; ngăn chặn được các vi sinh vật có hại từ các nguồn phân chuồng, phân bắc, từ đất và nguồn nước ô nhiễm giải quyết tận gốc các nguyên nhân nhiễm bẩn rau, đảm bảo rau sạch. Cây được cung cấp đầy đủ các nguyên tố đa, vi lượng trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển nên các giống đem trồng có thể phát huy được tiềm năng về năng suất và chất lượng.
Tuy nhiên, công nghệ trồng rau thủy canh tự động hồi lưu hiện cũng đang bộc lộ những yếu điểm nhất định, anh Anh Tuấn nói: “Công nghệ này thì ít nhất là ba yếu tố: có một bể chứa, thùng chứa dung dịch; ống và kệ đỡ ( phần để trồng cây ); hệ thống ống nước hồi lưu và hẹn giờ”.
Hơn nữa, thủy canh cũng hay bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của môi trường và điều kiện nguồn nước nên đòi hỏi người trồng phải có kiến thức nhất định, kỹ thuật trồng cây luôn phải linh động theo từng mùa, từng thời điểm chứ không cứng nhắc và máy móc trong cách trồng.
Trên thực tế, bí quyết trồng rau này vẫn còn khá mới và khá phức tạp nên các gia đình khó có thể tự chuẩn bị hoàn toàn mà phải sử dụng các dịch vụ có sẵn của các công ty chuyên nghiên cứu, cung cấp dịch vụ trồng rau thủy canh. Đồng thời, nhân viên phải luôn có mặt để hỗ trợ khi điều kiện môi trường, nhiệt độ, thời tiết thay đổi khiến cây bị khô, héo, thiếu dinh dưỡng.