Cách làm thạch đen từ cây sương sáo sẽ được giới thiệu ngay dưới đây. Mời quý vị bạn đọc tham khảo.
Nhắc lại, cách sử dụng sương sáo chủ yếu ở các nước Đông Nam Á là thân và lá được thu hoạch ( phơi khô để tồn trữ ), xay nát, nấu trong nước, lược và thêm bột ( sắn, gạo ). Sản phẩm để nguội sẽ đông lại, có màu đen tuyền được ăn với nước đường và tinh dầu ( thường là tinh dầu chuối được tổng hợp ).
Cách làm thạch đen từ cây sương sáo
1. Cách làm thạch đen từ thân lá khô
– Chuẩn bị:
+ Phần thân lá sương sáo khô: Thu hoạch khi cây xuất hiện nụ hoa ở ngọn là năng suất cao nhất. Cần tiến hành cắt sát gốc, thân và lá thu về rải đều. phơi nắng nhẹ một ngày sau đó gói lại 1 – 2 ngày mới đem ra phơi tiếp, liên tục khoảng 2 – 3 ngày phơi là thu được thành phẩm. Thường 10 kg thân lá sương sáo tươi thì thu được 1 kg khô.
+ Nước lấy khoảng 2,3 lít; đường 50 gram ( tùy độ ngọt mong muốn ), bột lọc 50gram ( có thể sử dụng bột sắn dây thay thế ).
– Tiến hành:
+ Nấu nước lá sương sáo: Rửa sạch nguyên liệu để loại bỏ bớt bụi bẩn, chú ý rửa đi rửa lại nhiều lần, vớt ra và vẩy cho ráo nước. Sau đó cắt nhỏ, cắt càng nhỏ càng tốt vì sẽ chóng nhừ. Với 100 gram nguyên liệu thì lượng nước tương ứng khoảng 2,3 lít là đủ. Tiến hành đun sôi trong khoảng 2 tiếng, càng đun lâu càng tốt, nếu nước cạn lại tiếp tục chế vào cho cây sương sáo sẽ nhừ và vò dễ hơn. Sau khi đun nhừ tiếp đến dùng máy say sinh tố say nhuyễn. Đợi hỗn hợp nguội dùng rổ lỗ nhỏ lọc sơ qua. Xong ta tiếp tục cho thêm nước vào vò cho cây thạch hết nhớt và nước trong. Lọc lại bằng vải, lọc xong cho lên bếp đun cho tới khi còn khoảng 1 lít nước.
+ Nấu và đổ thạch: Lấy 1 gáo dịch lọc, thêm đường, khoảng 50 gram bột lọc vào hòa đều. Đun dịch lọc còn lại đến khi ấm thì cho dịch lọc đã hòa bột vào, khuấy đều tay theo một chiều đến khi sôi và thạch đông lại rồi ủ với lửa nhỏ trong khoảng 10 phút nữa. Đổ thạch ra khuôn, để nguội tự nhiên hoặc cho vào tủ mát.
+ Khi ăn thạch, thái miếng nhỏ cho vào chén, thêm nước đường, tinh dầu thơm, dùng ăn như các loại thạch khác.
2. Cách làm thạch đen từ lá sương sáo tươi
Theo công thức: 1kg lá tươi và 10 lít nước. Trước tiên cho 1kg lá sương sáo với 8 lít nước và thêm 2 muỗng canh nước tro tàu. Đem nấu đến khi sôi và thấy có xuất hiện dịch nhớt thì ngừng lại và tiến hành đem lọc. Sau khi lọc xong cho thêm vào 2 lít nước còn lại và thêm 2 muỗng canh bột mì tinh rồi đem dịch này nấu trên ngọn lửa nhẹ. Trong quá trình nấu nếu thấy dịch đông lại thì phải khuấy đều. Nấu khoảng 5 phút rồi để nguội. Sau một thời gian, ta thu được thạch sương sáo có màu đen.
3. Cách làm thạch đen từ bột sương sáo
Với cách này thì sử dụng gói bột sương sáo sạch, trong mỗi gói đều có hướng dẫn sử dụng và kèm thêm một ống dầu chuối. Mỗi bịch gồm 50g bột sương sáo có thể nấu với 100g đường và khoảng 1 lít nước ( tùy thích đặc, lỏng mà tăng giảm lượng nước ), nấu sôi cho tan đường, khuấy đều tay, sau đó đổ ra khuôn ( hoặc ly, chén… ), chờ từ 15 – 20 phút, hỗn hợp trên sẽ đông lại thành khối có màu đen tuyền ( sương sáo ). Ưu điểm của bột sương sáo là người nấu sẽ dễ dàng chủ động trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trồng cây sương sáo ở Việt Nam
1. Mô hình trồng cây sương sáo của Chi Hội Phụ nữ ấp Nhơn Thuận 1
Ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, các hội viên phụ nữ ấp đã mạnh dạn xây dựng mô hình “trồng sương sáo” như một mô hình trồng màu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bước đầu đem lại hiệu quả…
Bà Đoàn Thị Mai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Nhơn Thuận 1, cũng là tổ trưởng Tổ “trồng sương sáo”, cho biết:
“Trước đây, có vài gia đình trong ấp trồng sương sáo dọc theo bờ mẫu để bán cho những người xung quanh mua về nấu làm thức uống giải khát. Thấy trồng sương sáo nhẹ công chăm sóc, nhưng hiệu quả cao, Chi hội Phụ nữ ấp vận động hội viên trồng sương sáo để cải thiện thu nhập trong lúc nông nhàn.
Khi mới bắt đầu trồng sương sáo, đa số hội viên còn thiếu kinh nghiệm chăm sóc, nên ruộng sương sáo chưa phát triển tốt, lá sâu nhiều… Dần dần, chị em có thêm kinh nghiệm nên năng suất khi thu hoạch được nâng lên. Đầu năm 2009, chúng tôi đã mạnh dạn mở rộng thành mô hình ‘trồng sương sáo’, coi như thực hiện thí điểm mô hình trồng ‘màu’ xen giữa 2 vụ lúa. Hiện tại, mô hình trồng sương sáo được các chị em tích cực tham gia, tổng diện tích trồng trên 3,5ha”.
Theo các hội viên Hội Phụ nữ ở ấp Nhơn Thuận 1, sương sáo là loài cây trồng ngắn ngày, từ lúc giâm cành đến khi thu hoạch chỉ khoảng 4 tháng. Các chị trồng sương sáo thay cho lúa vụ 2, sau khi thu hoạch vụ đông xuân. Loại cây này ít bệnh nên chăm sóc cũng không mấy vất vả, chủ yếu là làm cỏ, xịt sâu lá. Chi phí khoảng hơn 2 triệu đồng/công, chủ yếu là tiền cho cây giống. Đối với bà con ở đây, yên tâm nhất vẫn là đầu ra ổn định. Đến vụ thu hoạch, thương lái từ Hậu Giang, Vĩnh Long,… đến tận nhà mua sương sáo khô với giá 7000 – 8000 đồng/kg, mùa nghịch giá bán lên đến 14000 – 15.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi công đất trồng sương sáo, sau khi trừ hết chi phí, chị em còn lãi khoảng 10 – 11 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Thành công bước đầu của mô hình đã giúp nhiều chị em có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhờ vậy mà phong trào hướng dẫn trồng cây sương sáo làm kinh tế của chị em đang ngày càng phát triển.
Dù mô hình “trồng sương sáo” của chị em phụ nữ ấp Nhơn Thuận 1 tuy khá mới mẻ, nhưng đã giúp nhiều chị em phụ nữ có thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Thiết nghĩ, mô hình này cần được nghiên cứu, nhân rộng để tạo điều kiện giúp chị em vươn lên trong cuộc sống…
2. Một số hộ dân xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp (Cần Thơ) thoát nghèo nhờ trồng cây sương sáo
Khoảng 3 năm trước, trong một lần đến thăm nhà người quen ở kênh Ngang ( xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp ), ông Lương Ngọc Hưu đã tình cờ phát hiện ra người dân ở đây trồng cây sương sáo có hiệu quả và ông quyết định mua giống về trồng thử trên một vài liếp mía. Trên diện tích khoảng 3 công đất liếp dùng để trồng mía cho thu nhập thấp ngày nào, thì giờ đây đã trở thành mảnh đất “đẻ” ra tiền, cũng nhờ ông Hưu tận dụng tất cả phần đất này để trồng cây sương sáo. Chỉ tính ở hai vụ sương sáo của năm qua, gia đình ông Hưu đã thu nhập trên chục triệu đồng.
Anh Đỗ Thành Hoàng, ở ấp Long Trường 2 phấn khởi: “Sương sáo khô đang ở mức giá từ 14000 – 15000 đồng/kg, một số thương lái còn đến gặp người dân đặt hàng trước vì lo không có hàng để mua”.
Mỗi công đất ( khoảng 1.300 m2 ) cho thu hoạch được khoảng 600 – 700 kg sương sáo khô. Như thế, với mức giá trên, sau khi trừ xong các khoản chi phí, người trồng sương sáo cầm chắc trong tay số tiền lời 7 – 8 triệu đồng/công. Ông Hưu chia sẻ: “Trồng sương sáo cho lợi nhuận cao gấp 3 – 4 lần mà lại không cần phải nhọc công chăm sóc nhiều như cây mía”.
Cây sương sáo có thời gian sinh trưởng ngắn ( trong vòng 3 tháng ), nên mỗi năm, người dân có thể làm hai vụ sương sáo và tiếp tục làm thêm một vụ lúa. Trong khi trồng sương sáo không cần phải đầu tư nhiều chi phí mà lại dễ trồng. Ông Hưu cho biết, giống như trồng cỏ vậy, cắt xong một đợt, sương sáo lại đâm chồi và phát triển tiếp, lại thêm ít bị sâu bệnh tấn công nên chỉ tốn tiền mua hạt giống lần đầu, thuê nhân công làm cỏ, phân thuốc chút đỉnh là có thể yên tâm chờ ngày thu hoạch.
Một lợi thế khác của việc trồng sương sáo là ở khâu thu hoạch, vì sau khi cắt xong, rồi tiếp tục phơi khô khoảng 3 nắng là có thể đóng thành bánh thì có thương lái đến mua. Anh Hoàng cho biết: “Cắt sương sáo xong, dù gặp mưa cũng không sợ, có thể để ngoài ruộng 3 – 4 ngày rồi vận chuyển về nhà phơi tiếp, khi không cần thiết bán thì cũng có thể dự trữ trong nhà”.
Nhiều người dân trong xã Long Thạnh có xu hướng chuyển dần những diện tích trồng mía kém hiệu quả để trồng cây sương sáo. Vì thế, lúc đầu khoảng vài hecta thì đến nay, ước tính diện tích sương sáo của xã tăng lên khoảng 16 ha, chủ yếu ở 2 ấp Long Trường 2 và Long Trường 3.