Trồng cây chanh leo colombia chưa bao giờ dễ đến thế. Dành cho bạn nào chưa biết thì giống chanh leo colombia là giống mới được nhập vào nước ta. Với hương vị ngon và ngọt hơn tất cả loại chanh leo nào bạn từng ăn. Giống chanh leo Colombia sẽ đem lại một trải nghiệm mới từ việc ăn trực tiếp, không cần pha chế lằng nhằng mà chỉ với một chiếc ống hút. Nếu như loại chanh leo thường có giá chỉ từ 25 – 30.00/kg cho 10 quả thì chỉ với 2 quả chanh leo Colombia đã có giá 100.000 rồi. Tuy với giá cao ngất ngưởng như thế nhưng loại quả này bán khá chạy và được nhiều người tìm mua về thưởng thức. Tất nhiên vẫn còn đâu đó một số bạn hơi e ngại khi thèm lắm nhưng giá cao quá. Đúng là xa thì thấy thiên đàng, lại gần thì chỉ có cây bàng mà thôi. Vậy muốn được free thì có học cách trồng thôi cả nhà ạ. Nếu thế thì cùng Nhà vườn Hải Đăng đi tìm hiểu kỹ thuật trồng cây chanh leo Colombia qua bài viết dưới đây nhé.
Phải nói trước là chanh leo colombia được đánh giá là loại cây dễ trồng và thích nghi nhanh với điều kiện đất đai và khí hậu khác nhau. Khả năng chịu hạn và chống chọi được mọi loại sâu bệnh khá tốt. Và chỉ sau 9 tháng gieo trồng là đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Năng suất ra quả cũng thuộc hàng top 30 – 40 tấn/ha. Nhiều nơi trên nước ta đang tích cực áp dụng trồng và nhân giống loại cây này vì hiệu quả kinh tế vô cùng lớn mà em nó mang lại.
Sau đây là hướng dẫn cách trồng cây chanh leo colombia bằng hạt.
1. Thời vụ trồng
Với chanh leo colombia thì có thể áp dụng trồng quanh năm ở những nơi có khí hậu mát mẻ. Tuy nhiên thích hợp nhất nên trồng vào vụ thu đông khoảng tháng 10 đến tháng 2 dương lịch.
2. Tiêu chuẩn chọn giống
Hiện nay thì có hàng tá các gói hạt giống loại chanh leo Colombia được bày bán khá nhiều và do là được đóng gói cẩn thận nên rất tiện lợi để trồng. Chỉ cần bạn khéo tay chọn lựa những loại hạt giống chắc, mẩy, không dập nát sẽ giúp tăng tỉ lệ nảy mầm và giúp cây chanh sau này được khỏe mạnh hơn.
3. Tiêu chuẩn đất để trồng cây chanh leo colombia
Cây Chanh dây Colombia trồng được trên mọi địa hình. Thích hợp nhất với các loại đất thoáng xốp, giàu chất hữu cơ như đất thịt nhẹ, đất đỏ Bazan … Đất quá chua hoặc quá kiềm sẽ làm cây còi cọc và khó phát triển.
– Tiến hành làm sạch cỏ dại, cào san cho mặt đất bằng phẳng.
– Trên các địa hình đất dốc nên làm các rãnh thoát nước để tránh hiện tượng rửa trôi, xói mòn.
– Đào hố kích thước 60 x 60 x 60cm, bỏ lớp đất mặt 1 bên. Bón vôi 0,5 kg/hố sau đó tiến hành bón lót bằng phân chuồng từ 10 – 15kg + 0,5 kg lân/hố. Trộn đều với lớp đất mặt.
Mật độ khoảng cách trồng
Tùy theo điều kiện đất đai và khả năng thâm canh, có thể trồng với các mật độ sau:
+ 400 cây/ha: khoảng cách 5 x 5m
+ 500 cây/ha: khoảng cách 5 x 4m
+ 625 cây/ha: khoảng cách 4 × 4m
4. Xử lý hạt giống
Tiến hành ngâm hạt giống vào nước ấm khoảng từ 30 – 40oC trong khoảng 4 – 5 tiếng là được ( nếu có thời gian thay nước hằng ngày thì ngâm từ 24 – 36 tiếng sẽ giúp hạt nhanh nảy mầm hơn ).
Sau đó vớt hạt giống ra và để vào chậu ươm mầm đã chuẩn bị sẵn, vùi lớp đất mỏng giữ ẩm lên trên và đợi nảy mầm. Khoảng một tuần sau là ra cây con.
Khi hạt đã nảy mầm thì nên tiếp tục chăm sóc bằng cách cung cấp đủ nước và ánh sáng cho cây. Khi cây con được hai tuần tuổi, chiều cao trung bình đã đạt được khoảng 10 – 15cm và đã có lá non. Lúc này tiến hành chọn lựa những cây khỏe mạnh nhất để đem trồng ở những nơi rộng rãi hơn.
* Xử lý bằng viên nén ươm hạt
Đối với viên nén ươm hạt ( hay còn được gọi là viên nén kích thích nảy mầm ). Trước tiên tiến hành ngâm viên nén vào nước sạch khoảng 5 phút cho viên nén hút nước và nở lớn ra. Sau đó vớt viên nén ra để vào khay.
Nhẹ nhàng thả hạt giống vào lỗ tròn trên viên nén. Lấy đất lấp lỗ lại.
⇒ Lưu ý: Mỗi viên nén sử dụng được cho 1 – 2 hạt giống Chanh leo ngọt Colombia cao sản ). Sau đó để khay hạt giống ra nơi mát mẻ. Hằng ngày xịt nước xung quanh viên nén 2 lần vào buổi sáng và chiều. Có thể bóp viên nén kích thích nảy mầm chung với đất ươm mầm.
5. Trồng cây chanh leo colombia ra đất
Tiến hành tách phần đất chứa cây con ra khỏi chậu, tránh không động đến rễ cây. Sau đó đặt cây con xuống giữa hố ( đã được xử lý ), lấp đất nhẹ xung quanh gốc. Sau trồng cần tưới nước nhẹ để giữ ẩm ( nếu không có mưa ).
6. Làm giàn cho cây chanh leo colombia
Do là loài cây leo nên nhất thiết cần phải làm giàn. Có thể làm theo kiểu giàn mướp hoặc kiểu chữ T. Giàn kiểu chữ T sẽ lợi thế hơn trong việc giúp chanh dây phát triển tốt do ánh sáng sẽ tiếp xúc bề mặt tán lớn, hạn chế được nhiều chỗ u tối dễ phát sinh nấm bệnh. Nên làm giàn cao 1,8 – 2m với các trụ tre, gỗ hoặc bê tông, bên trên căng lưới thép với khoảng cách ô vuông 40 x 40cm để cho cây leo.
7. Quy trình bón phân
– Bón thúc: Từ khi trồng ra đất đến lúc cây con 2 tháng tuổi, tiến hành bón như sau: 0,1 – 0,2 kg NPK 15-9-13 + TE Đầu trâu chuyên chanh dây / cây cho mỗi lần bón. Tháng bón 2 lần.
– Từ 2 tháng tuổi – 6 tháng tuổi: Bón 0,2 – 0,3 kg NPK 15-9-13 + TE Đầu trâu chuyên chanh dây / cây cho mỗi lần bón. Một tháng bón 2 lần.
– Chanh dây thời kỳ kinh doanh: Bón 0,1 – 0,2 kg NPK 15-9-13 + TE Đầu trâu chuyên chanh dây / cây cho mỗi lần bón, kết hợp 0,5 – 1 kg phân Hữu cơ chanh dây Đầu trâu/cây. Cũng với định kỳ tháng bón 2 lần.
8. Chăm sóc cây chanh leo colombia
- Tưới nước
Cây chanh dây là loại cây cần độ ẩm cao, cần lượng nước nhiều và thường xuyên vì vậy thường sẽ phải tưới 2 ngày 1 lần, nhất là vào mùa khô thì cần tưới lượng nước nhiều hơn sẽ giúp cho cây ra chồi, ra hoa và đậu quả liên tục, yêu cầu nước nhiều nhất là ở giai đoạn làm trái và phát triển trái do vậy nếu thiếu nước sẽ làm rụng hoa, trái hoặc trái teo lại.
- Cắt tỉa, tạo tán
Việc cắt tỉa tạo tán nên làm thường xuyên sẽ giúp tạo ra các cành thứ cấp mới phân bố đều trên mặt giàn tăng khả năng đậu trái được tốt hơn.
Khi cây đã lên giàn cần tạo hình, tỉa cành thường xuyên, đặc biệt là tỉa bớt lá vào thời kỳ mùa mưa vừa để hạn chế nấm bệnh phát triển gây hại đồng thời nhằm ức chế sinh trưởng, giúp cho cây ra nhiều nụ, đậu nhiều trái.
Việc cắt tỉa được tiến hành thường xuyên. Sau thu hoạch cần tiến hành cắt hết tất cả các cành trên mặt giàn đã cho trái. Để lại thân và các cành từ mặt đất tới giàn. Sau đó cây sẽ ra chồi mới, phân cành cấp 2, cấp 3 và các cành quả. Nếu chanh dây không được đốn tỉa hoàn toàn vào cuối năm, sang năm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển, đặc biệt làm giảm năng suất.
9. Phòng trừ sâu bệnh hại khi trồng chanh leo colombia
- Bệnh hại
– Không kể chanh leo colombia mà đa phần Chanh leo ( chanh dây ) thường gặp một số bệnh hại như bệnh đốm nâu ( brown spot ) là loại bệnh phổ biến nhất, do nấm Alternaria passiflorae gây nên, bệnh ghẻ ( scab ) do nấm Cladosporium horbarum, bệnh đốm do Septoria gây nên.
– Bệnh đốm vi khuẩn do vi khuẩn Pseudomonas passiflorae;
– Bệnh sần sùi: Gây ra bởi nấm Septoria passiflorae.
– Bệnh phấn trắng: gây ra bởi nấm Sclerotinia sclerotiorum
⇒ Phòng trừ: Đối với các bệnh do nấm gây ra có thể dùng các lọai thuốc: Daconil, Derosal, Tilt, Ridomil Gold… Bệnh sần sùi, phấn trắng có thể sử dụng các loại thuốc như Viaphos 80BTN, carbenzim 50HP Vicuron 250SC, Workup 9SL
Bệnh do vi khuẩn: dùng các loại thuốc gốc đồng, New Kasuran, Starner…
- Sâu hại
– Các loại ruồi đục trái như Dacus dorsalis, Dacus cucurbitae cũng gây thiệt hại không nhỏ cho vườn chanh leo. Sử dụng thuốc diệt ruồi SOFRI protein, chỉ cần phun dưới tán mỗi cây một khoảng 30 cm x 30cm cách mặt đất 0,8 – 1,0m, hoặc mật độ ruồi ít thì 1 cây phun 1 cây chừa, sẽ dẫn dụ ruồi ăn và ruồi chết tại đó.
– Nhện đỏ, rệp: Dùng các loại thuốc Nissoran, commite, Bifentox 30ND, Vibamec 1.8EC, Vineem 1500EC, supracide 40EC … liều lượng sử dụng theo khuyến cáo được ghi trên bao bì sản phẩm.
– Bọ trĩ ( Thips ), rầy các loại: Vertimec, Tập kỳ, Mospilan, Vineem1500EC, Confidor…để có thể phòng trừ.
Khi phun thuốc chú ý tránh thời gian cây nở hoa vào sáng sớm, sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng thụ phấn của hoa.
Cần thăm đồng ruộng thường xuyên để phát hiện sâu bệnh hại kịp thời để phòng trừ có hiệu quả tốt. Nên áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp.
10. Thu hoạch và bảo quản
Thu hoạch nên tiến hành đồng loạt, thu tất cả các trái gần chín và chín hoàn toàn nhằm đạt trọng lượng trái tối đa cho năng suất cao. Lưu ý lúc thu hoạch tránh làm cho vỏ quả bị trầy xước cơ học làm ảnh hưởng đến mẫu mã và dễ dàng tạo kẽ hở cho vi sinh vật gây hại xâm nhập vào trong quả.
Bảo quản nơi thoáng mát, chọn phân loại quả trước khi đóng hộp vận chuyển.
Chúc các bạn thành công!