Các loài cây kỳ lạ của Việt Nam mà bạn chưa biết, cùng điểm danh xem có những loại nào qua bài viết dưới đây nhé.
Lần cập nhật nội dung gần nhất: 8/2/2021.
1. Cây biết “sinh con” và “nuôi con”
Đó là loài vẹt dù hay còn gọi vẹt rễ lồi ( danh pháp khoa học Bruguiera gymnorrhiza (L.) Lam. ); một loài cây ngập mặn thuộc họ Đước Rhizophoraceae; cây thường cao từ 7 – 20 m, có khi lên tới 35 m.
Các khu vực được coi là bản địa của loài bao gồm: Quần đảo Caroline, Samoa, Tonga, Wallis và Futuna, Fiji, Quần đảo Marshall, Quần đảo Gilbert, Nauru, Vanuatu, Quần đảo Solomon, Queensland, New Guinea, Lãnh thổ phía Bắc, Quần đảo Lesser Sunda, Sulawesi, Nansei- shoto, Borneo, Jawa, Hải Nam, Đảo Christmas, Đông Nam Trung Quốc, Campuchia, Sumatra, Bán đảo Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Bangladesh, Quần đảo Nicobar, Quần đảo Andaman, Ấn Độ (bao gồm Andhra Pradesh), Sri Lanka, Maldives, Mauritius, Madagascar , Aldabra, Seychelles, Somalia, Djibouti, Kenya, Quần đảo Mozambique Channel, Tanzania, Mozambique, KwaZulu-Natal, Tỉnh Cape và trong đó có Việt Nam.
Được biết đây là loài cây nhỏ, cao đến 10 m. Cây mọc ven biển hoặc trong rừng ngập mặn, thường sinh sống cùng với các cây thuộc chi Đước. Vỏ cây xù xì, màu nâu đỏ. Hoa có màu trắng kem và sớm chuyển màu nâu. Các lá đài được kéo dài, hẹp và hơi nhọn. Khi trưởng thành, quả hình thoi rơi xuống bùn theo vị trí thẳng đứng, sau đó nó nhanh chóng mọc rễ.
Cây vẹt phân bố chủ yếu ở các nước châu Á có khí hậu nhiệt đới. Ở nước ta, cây vẹt thường mọc ở các địa phương ven biển như khu vực duyên hải miền Trung, các tỉnh Nam Bộ từ Đồng Nai đến Cà Mau.
Điều khiến cây vẹt trở nên đặc biệt và kỳ lạ mà hiếm có loài thực vật nào làm được đó chính là khả năng “sinh con” thần kỳ của mình. Về cơ bản, cũng giống như các loài cây cỏ thực vật khác, cây vẹt đen cũng sinh sản, duy trì nòi giống bằng cách ra hoa, thụ phấn để tạo nên hạt giống. Tuy nhiên, trong khi hạt giống của các loài thực vật khác tách ra khỏi cơ thể mẹ, rơi xuống đất, từ trong lòng đất tự hấp thụ chất dinh dưỡng và bén rễ, nảy mầm thành cây con thì hạt giống của cây vẹt lại nảy mầm thành cây con ngay trên thân của cây mẹ.
Khi được cây mẹ “nuôi dưỡng”, phát triển đến một mức độ nhất định và có khả năng tự sinh sống độc lập thì lúc này vẹt đen con mới tách ra khỏi thân mẹ, rơi xuống lớp bùn, cắm rễ và tự nuôi sống bản thân. Hay nói cách khác, cách “sinh con” và “nuôi con” kỳ lạ này của cây vẹt đen cũng tương tự như hiện tượng sinh sản của các loài động vật: sau khi mang thai, sinh con, những “bà mẹ” sẽ nuôi nấng, chăm sóc những đứa con của mình cho đến khi chúng “đủ lông đủ cánh”, đủ khả năng sinh sống độc lập mới để chúng rời đi.
Đây là một hiện tượng vô cùng hiếm gặp ở các loài thực vật trên thế giới và ở Việt Nam, và cây vẹt hiện nay chính là điển hình cho khả năng kỳ lạ này. Sở dĩ cây có đặc tính này cũng là để thích nghi với môi trường sinh sống ở vùng ngập mặn, nếu như sinh sản theo cách bình thường, hạt cây sẽ bị cuốn trôi, không thể bén rễ và phát triển được.
2. Các loài cây kỳ lạ của Việt Nam – Đào lộn hột
Đào lộn hột hay Điều, tên tiếng anh là Cashew ( Danh pháp khoa học Anacardium occidentale L. ). Tên gọi đặc biệt này xuất phát từ quả của cây này có hình dáng vô cùng độc đáo, gồm 2 phần riêng biệt, phần ở bên dưới hơi giống quả đào, nạc và mọng nước, đính ở trên đó là một cái “hột” hình hạt đậu có vỏ cứng, màu sẫm. Nếu nhìn trực diện cả hai phần chẳng khác nào một quả đào có hạt nằm lộn ra bên ngoài chứ không nằm ở bên trong như các loại quả thông thường khác. Nhưng thực chất “hột” này mới chính là quả thật sự, còn cái “quả” hình quả đào mọng nước kia là do đế hoa biến đổi thành.
Ở Việt Nam, cây điều được trồng rất nhiều ở các tỉnh miền núi phía nam như Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước.
3. Cây chỉ có duy nhất một lá
Vâng, đó chính là cây lan một lá, hay Thanh thiên quỳ; Chân trâu trắng; Trân châu trắng; Trân châu diệp; Lan một lá; Lan cờ; Bơ toọc; Bâu thoọc ( Nervilia fordii Schultze ), là một loài thực vật có hoa trong họ Lan. Loài này được (Hance) Schltr. mô tả khoa học đầu tiên năm 1911. Cây này vừa làm cảnh vừa có tác dụng chữa bệnh.
Lan một lá thường mọc trong các hốc đá hoặc trên lớp đất có nhiều thảm mục dưới tán rừng ẩm hoặc rừng trên núi đá vôi các tỉnh phía bắc và ở Kon Tum, Lâm Đồng. Củ của cây được dùng làm thuốc giải độc, làm mát phổi, chữa ho lâu ngày, ho lao, viêm phế quản, nhai củ tươi có thể làm giảm khát nước, bồi dưỡng cơ thể. Do có giá trị lớn nên cây thường xuyên bị khai thác nhiều để bán qua biên giới.
Xem chi tiết về Cây một lá
4. Các loài cây kỳ lạ của Việt Nam – Hoa “3000 năm mới nở một lần”
Bạn không nghe lầm đâu, loài hoa “3.000 năm mới nở một lần” này chính là loài hoa Ưu Đàm ( tiếng Phạn: uḍumbara ), theo Phật giáo đây là hoa của cây sung ( Ficus racemosa ). Trong kinh điển Phật giáo và Vệ Đà, đây là một loài hoa hiếm hoi và mang lại điềm lành. Loài này được tìm thấy ở nhiều nơi của Việt Nam như Phú Yên, Hải Phòng. Theo truyền thuyết kể lại, hoa Ưu Đàm là một loài hoa huyền thoại, phải mất 3.000 năm loài hoa này mới nở hoa một lần và đó cũng là điềm báo cho một vị vua sắp ra đời.
Về đặc điểm, hoa có hình dáng mong manh như những sợi tóc. Những bông hoa này nở vào sáng sớm, sau đó cụp lại vào giữa trưa nắng. Mỗi bông hoa có đường kính dài 1 mm. Với khả năng kỳ diệu, nó có thể sinh sống trên bất kỳ bề mặt nào mà nó vô tình bám được. Cây hoa có nhiều nhánh, nở ra những bông hoa bé xíu có màu trắng hoặc xanh nhạt, nụ hoa có hình dáng của một quả trứng tí hon, hoa có mùi hương nhẹ nhàng của gỗ đàn hương.
Tại Việt Nam, loài hoa này vẫn còn đang gây tranh cãi trong giới khoa học. Có chuyên gia sinh học cho rằng có thể là một loài nấm; nhiều giả thiết nói rằng đó là “trứng côn trùng”, còn hòa thượng Thích Nguyên Đức nói Ưu Đàm chỉ mang tính biểu tượng.
5. Ngoại lệ – Cây lạc
Cây có quả nằm trong đất – cây lạc hay Đậu phộng, đậu phụng ( phương ngữ Miền Nam ) ( danh pháp khoa học Arachis hypogaea ). Khá khó tin là cây lạc lại nằm trong danh sách này, nhưng bạn có để ý, ở cây Lạc, một số hoa mọc phía trên thường không cho quả, chỉ những hoa mọc phía dưới, mọc chúc xuống đất mới cho quả. Mà người Việt Nam thường quen gọi những phần của cây không giống rễ mà nằm ở dưới đất là “củ” như củ khoai, sắn, cà rốt, hay củ lạc, dù nó là phần nào của cây biến đổi thành. Vậy theo bạn nên gọi là “quả Lạc” hay “củ lạc” mới đúng nhỉ.