Rafflesia arnoldii – cũng là hoa xác thối nhưng vĩ đại hơn nhiều.
Lần cập nhật nội dung gần nhất: 12/10/2021.
Khi nhìn bức ảnh trên, bạn thấy đó là một bông hoa bình thường đúng không, ừ nhìn cũng giống hoa lắm, có chăng nó hơi chút kì lạ ở “hoa văn” trên cánh và phần giữa hõm sâu đầy mờ ám mà thôi. Nhưng thực tế chút nhé, bỏ qua hình dáng có chút kì lạ kì kia, bông hoa mà bạn đang nhìn thấy qua ảnh chụp thực chất có đường kính gần mét đó, cứ tưởng tượng là nó có thể trải rộng cái bàn đang ngồi để xem bài viết này đấy.
Tên thường gọi | Hoa xác thối |
Tên gọi khác trong Tiếng Việt | Đang tìm hiểu |
Tên Tiếng Anh | Giant padma |
Tên gọi khác tại một số quốc gia, lãnh thổ, khu vực, dân tộc, bộ lạc, … | cendawan biriang ( tiếng Minangkabau ) |
Danh pháp khoa học ( hiện tại ) | Rafflesia arnoldii R.Br. |
Danh pháp đồng nghĩa | Rafflesia titan Jack [Illegitimate] |
Bộ thực vật | Sơ ri ( Malpighiales ) |
Họ thực vật | Rafflesiaceae |
Chi thực vật | Rafflesia |
Hoa của R. arnoldii được ghi nhận là hoa đơn tính lớn nhất trên Trái Đất ( the largest individual flower on Earth ). Một số loài cây khác cũng có cấu trúc hoa lớn như chân bê khổng lồ ( Amorphophallus titanum (Becc.) Becc. ) và cọ quạt ( Corypha umbraculifera ).
Đặc trưng của R. arnoldii chính là hoa khi nở sẽ phát ra mùi hôi thối nồng nặc và khủng khiếp y hệt mùi thịt thối rữa. Được biết đây là loài đặc hữu tại các khu rừng mưa của Sumatra và có thể là cả Borneo.
Hiện R. arnoldii được coi là một trong ba quốc hoa của Indonesia, hai loài còn lại là nhài trắng ( Jasminum sambac (L.) Aiton ) và phong lan mặt trăng ( Phalaenopsis amabilis (L.) Blume ). Dù có mùi kinh khủng là vậy, R. arnoldii vẫn chính thức được công nhận là “loài hoa quý hiếm” quốc gia ( tiếng Indonesia: puspa langka ) theo Sắc lệnh số 4 của Tổng thống vào năm 1993.
A. Phân loại học
Người châu Âu đầu tiên tìm ra Rafflesia là nhà thám hiểm xấu số người Pháp Louis Auguste Deschamps ( 1765 – 1842 ). Ông là thành viên trong đoàn thám hiểm khoa học Pháp trên đường du hành sang Châu Á và Thái Bình Dương; từng bị người Hà Lan bắt giữ 3 năm trên đảo Java. Tại đây, vào năm 1797, ông đã thu thập được một mẫu vật mà ngày nay người ta gọi nó là Rafflesia patma Blume. Trong chuyến hành trình trở về vào năm 1798, tàu của ông bị người Anh chiếm đoạt bởi nước này đang có chiến tranh với Pháp, toàn bộ giấy tờ và ghi chép của ông đều bị tịch thu. Joseph Banks, nhà tự nhiên học người Anh được cho là đã khích động đòi giới cầm quyền trả lại các tài liệu bị đánh cắp, nhưng vô ích. Các tài liệu sau đó bị thất lạc và được rao bán vào khoảng năm 1860, tiếp đó được chuyển đến Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh và rồi nhanh chóng bị thất lạc tại đây một lần nữa. Rất nhiều người đã không được tiếp cận với những tri thức mới này mãi cho đến năm 1954, khi chúng được phát hiện lại tại Bảo tàng. Trước sự ngạc nhiên của tất thảy mọi người, những ghi chú và hình vẽ của Louis Auguste Deschamps đều khẳng định ông đã tìm thấy và nghiên cứu các loài thực vật này từ rất lâu trước người Anh. Một lần nữa đặt ra nghi vấn rằng rất có thể người Anh đã cố tình giấu nhẹm đi các ghi chú của Deschamps để tự hào nhận “vinh quang” của “khám phá” này về phía mình.
Vào năm 1818, bác sĩ phẫu thuật người Anh Joseph Arnold đã thu thập mẫu vật của một loài Rafflesia khác được tìm thấy bởi một người hầu Mã Lai trên một phần lãnh thổ của Sumatra, thời đó vốn là thuộc địa của Anh nên có tên là British Bencoolen ( nay là Bengkulu ) trong một cuộc thám hiểm dẫn đầu bởi Trung Úy ( Lieutenant ) mới được bổ nhiệm – Thống đốc của Bencoolen, Stamford Raffles. Thật không may, Arnold đã lên cơn sốt và qua đời ngay sau phát hiện mới của mình, tài liệu khi đó được bảo quản và gửi đến Joseph Banks. Sau đó Banks tiếp tục chuyển giao các tài liệu, và Robert Brown là người vinh dự được tận tay nghiên cứu chúng. Họa sĩ thường trú tại Bảo tàng Anh, Franz Bauer được giao nhiệm vụ phác thảo hình minh họa cho các loài thực vật mới. Sau cùng thì Brown cũng đã có một bài phát biểu hoàn thiện trước cuộc họp vào tháng 6 năm 1820 của Hiệp hội Linnean London ( Linnean Society of London ), nơi ông lần đầu tiên giới thiệu về chi và hai loài của chi ngay sau đó. Chính Brown đã đặt tên chi là Rafflesia để vinh danh Raffles.
William Jack, người nối nghiệp Arnold ở thuộc địa Sumatran Bencoolen, đã sưu tầm lại loài thực vật này và là người đầu tiên chính thức mô tả loài mới dưới tên là R. titan vào năm 1820. Người ta cho rằng Jack đã vội vàng công bố cái tên này vì ông sợ rằng Người Pháp có thể công bố những gì họ biết về loài này và do đó cướp đi ‘vinh quang’ tiềm năng của người Anh. Như linh tính được công việc của Jack, Brown cuối cùng đã có bài báo đăng trên tạp chí Transactions of the Linnean Society một năm sau đó, chính thức giới thiệu cái tên R. arnoldii ( ông bỏ qua công việc của Jack trong bài báo của mình ).
Do tên của Jack được ưu tiên ( priority ), R. arnoldii chính xác mà nói nên là một danh pháp đồng nghĩa của R. titan; nhưng ít nhất ở Anh, vào thời điểm đó, người ta thường ngầm thừa nhận những cái tên được giới thiệu bởi các nhà khoa học nổi tiếng như Brown về mặt phân loại là chính xác. Điều này đã được chuyên gia Rafflesia người Hà Lan, Willem Meijer bổ sung thêm trong chuyên khảo của mình về bộ sách Flora Malesiana vào năm 1997. Tuy nhiên, thay vì nhấn mạnh R. arnoldii thành danh pháp đồng nghĩa, ông tuyên bố thẳng cái tên R. titan là “incompletely known” ( “chưa được biết đến nhiều” ) với dẫn chứng: Vật liệu thực vật mà Jack sử dụng để mô tả cây đã bị mất.
Năm 1999, nhà sử học thực vật người Anh David Mabberley, đáp lại những phát hiện của Meijer, đã cố gắng trong một nỗ lực “giải cứu” tên của Brown khỏi danh pháp đồng nghĩa. Điều này được gọi là ‘bảo tồn’ ( ‘conservation’ ) trong phân loại học, theo thông lệ thì điều này đòi hỏi phải đưa ra một đề xuất chính thức cho ủy ban của Bộ luật quốc tế về danh pháp thực vật ( ICBN hay International Code of Botanical Nomenclature ). Mabberley nghĩ rằng ông đã tìm thấy lỗ hổng xung quanh một bản đánh giá chính thức như vậy bằng cách lưu ý rằng mặc dù Brown nổi tiếng là chậm chạp trong việc xuất bản các bài báo của mình, nhưng ông thường có một số trang in trước được in riêng để trao đổi với các nhà thực vật học khác: Một trong những bản in trước này gần đây được vườn bách thảo Hortus Botanicus của Leiden mua lại, trên đó có ghi là tháng 4 năm 1821. Do đó, Mabberley đề xuất rằng tài liệu này nên được coi là ấn phẩm có hiệu lực ( effective publication ) chính thức, chính điều này sẽ làm mất hiệu lực cái tên trước đó của Jack. Vì lý do nào đó, Mabberley sử dụng năm 1821, vài tháng sau bản in trước của Brown làm ngày xuất bản của Jack, thay vì ngày xuất bản năm 1820 ở Singapore.
Mabberley cũng chỉ ra rằng chi Rafflesia lần đầu tiên được xác nhận bởi một báo cáo ẩn danh về cuộc họp được công bố trong tác phẩm Biên niên sử triết học ( Annals of Philosophy ) vào tháng 9 năm 1820. Mabberley cũng khẳng định tác giả là Samuel Frederick Gray. Tuy nhiên, vì điều đó không được nêu trong Biên niên sử, theo Điều 46.8 của mã ICBN, Mabberley đã sai. Do đó, việc công nhận tên gọi này là do Thomas Thomson, người biên tập Biên niên sử vào năm 1820, bởi IPNI. Mabberley đã thừa nhận lỗi của mình vào năm 2017. Thomson này không phải là nhà thực vật học Thomas Thomson, người được ba tuổi vào năm 1820, mà là cha của ông, một nhà hóa học, và do đó Rafflesia là đơn vị phân loại thực vật duy nhất mà người đàn ông này từng công bố.
B. Miêu tả
Mặc dù các đại diện trong chi Rafflesia đều là thực vật có mạch ( vascular plant ), nhưng kì lạ là người ta không hề quan sát thấy được thân, lá, thậm chí cả rễ; và cũng hề có sự xuất hiện của diệp lục; bởi chúng vốn là loài kí sinh bắt buộc ( holoparasite ) trên một số cây dây leo thuộc chi Tetrastigma. Tương tự như nấm, các cá thể Rafflesia phát triển độc lập dưới hình thức các đám mô sợi giống sợi chỉ nằm hoàn toàn bên trong và tiếp xúc mật thiết với các tế bào cây chủ xung quanh, từ đó hấp thụ dinh dưỡng và nước. Phần nhìn thấy duy nhất bên ngoài cây chủ của R. arnoldi được nhận dạng giống thực vật chính là những bông hoa, khi chúng bước vào thời kỳ sinh sản; với các đặc điểm khác thường như tỷ lệ cực lớn, màu nâu đỏ và mùi hương phát ra như mùi thịt thối.
Theo ghi nhận, hoa của R. arnoldii có đường kính khoảng 1 m, nặng tới 11 kg ( 24 lb ); được hình thành từ những nụ cũng lớn không kém, hệt như bắp cải, màu hạt dẻ hoặc nâu sẫm và đa số rộng khoảng 30 cm ( 12 in ). Trong đó nụ hoa lớn nhất ( hay nụ hoa lớn nhất từng được ghi nhận ) được tìm thấy ở Núi Sago, Sumatra vào tháng 5 năm 1956 với đường kính vào khoảng 43 cm ( 17 in ).
C. Sinh sản
R. arnoldii vô cùng hiếm và khá khó xác định vị trí chính xác trong tự nhiên, nhất là ở trong rừng, vì nụ hoa phải mất nhiều tháng trời để phát triển và hoa cũng chỉ có thể tồn tại trong vài ngày. Do là hoa đơn tính nên vị trí và khoảng cách giữa hoa đực và hoa cái được coi là yếu tố tối quan trọng để có thể thụ phấn thành công và qua đó duy trì sự tồn tại của loài. Chính các nhà khoa học cũng phải thừa nhận quá trình thụ phấn thành công của R. arnoldii là một sự kiện vô cùng hiếm thấy.
Khi Rafflesia bắt đầu sinh sản, một nụ nhỏ xíu mọc lên bên ngoài rễ hoặc gốc của cây chủ và phát triển trong khoảng một năm. Đầu hoa khi chưa bung ra nhìn khá giống bắp cải. Đầu nhụy hoặc nhị được gắn trực tiếp vào một đĩa có mấu nhọn ẩn bên trong hoa. Để thụ phấn thành công, ruồi hoặc bọ cánh cứng phải ghé thăm theo thứ tự hoa đực trước, rồi mới đến hoa cái.
Đối tượng thụ phấn cho hoa là các loài ruồi Drosophila colorata, Chrysomya megacephala ( oriental latrine fly hay ruồi nhà xí phương Đông ) và Sarcophaga haemorrhoidalis. Kiến đen thuộc chi Euprenolepis có thể tấn công các nụ hoa đang phát triển, thậm chí là giết chết chúng.