Trồng cây rau má cho thu nhập gần 400 triệu đồng/ha, mỗi năm, Nhơn Phú cung ứng ra thị trường khoảng 5.000 tấn rau má. Những năm qua, hàng trăm hộ nông dân phường Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn (Bình Định) duy trì diện tích trồng rau má ổn định bởi trồng rau má cho lợi nhuận gấp 3 – 4 lần trồng lúa, hầu hết các hộ dân trồng rau má đã có cuộc sống khấm khá và giàu có.
Theo ông Nguyễn Văn Bùi – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp số 1 Nhơn Phú, cây rau má là một loại rau trước đây mọc hoan dã và mọc khắp nơi ở bờ rào, bờ ruộng, không có nơi cung cấp giống. Do đó, khi trồng rau má người dân phải tự tìm kiếm, tuyển chọn và nhổ gốc rau má tốt về để nhân giống. Sau khi chăm sóc đến lúc lá rau má cao khoảng 10 – 12 cm thì thu hoạch, 1 sào cho sản lượng từ 500 – 700 kg.
1 ha sản xuất rau má thu hoạch 1 năm được khoảng 80 tấn rau, với giá bình quân 5.000 đồng/kg thì người trồng rau đạt doanh thu 400 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí thì còn lãi không dưới 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Bùi – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp số 1 Nhơn Phú, cho biết: “Chúng tôi cũng đã hạch toán về sản xuất rau má hiệu quả hơn cây lúa để tổ chức hội thảo đó là: mỗi 1 ha sản xuất lúa 2 vụ/năm, mỗi vụ khoảng 65 tạ/ha thì cho tổng doanh thu khoảng 80 – 85 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi 30% thì nông dân chỉ có lãi từ 28 – 30 triệu đồng. Còn trồng cây rau má 1 ha chúng tôi hạch toán trên 1 ha thì cho thu nhập gần 400 triệu đồng, sau khi từ chi phí khoảng 70 – 75% thì người trồng rau má lãi khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Như vậy làm cây rau má lãi gấp 3 – 4 lần so với sản xuất lúa”.
Nhờ trồng rau má mà hầu hết các hộ dân ở phường Nhơn Phú khấm khá hẳn lên. Hộ anh Nguyễn Văn Hòa – 53 tuổi, chuyên trồng 5.500 m2 cây rau má, mỗi năm cho lợi nhuận không dưới 100 triệu đồng. Từ một hộ khó khăn với 2 bàn tay trắng lúc lập gia đình, nhờ cây rau má mà vợ chồng anh có nhà cao cửa rộng, vật dụng và phương tiện sinh hoạt trong gia đình chẳng thiếu thứ gì. Anh Hòa phấn khởi nói: “Nói chung cây rau má ban đầu có chi phí đầu tư cao khoảng 3,5 triệu đồng/sào 500 m2, nhưng cây rau má cho thu nhập cao nên tôi quyết định đầu tư cho câu rau má. Từ ngày canh tác cây rau má đến nay thì cho thu nhập ở mức cao, nhờ vậy mà tôi lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, kinh tế ổn định.”
Theo các hộ nông dân trồng rau má, trồng rau má nhọc công phục vụ cho làm cỏ, cắt rau. Mỗi 1 sào thì cần phải thuê khoảng 7 – 8 công lao động làm việc. Do đó các hộ trồng rau má đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Với diện tích trồng cây rau má ở HTX Nông nghiệp số 1 Nhơn Phú, mỗi năm, các hộ trồng rau má ở Nhơn Phú cung ứng ra thị trường khoảng 5.000 tấn rau má. Rau má chủ yếu được các thương lái thu mua và vận chuyển đi các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Phú Yên, Gia Lai, Kom Tum… tiêu thụ. Chính vì vậy, đầu ra của cây rau má không sợ bị… “ế”.
Từ năm 2013, Trạm Khuyến nông TP. Quy Nhơn phối hợp với HTX Nông nghiệp số 1 Nhơn Phú đã xây dựng mô hình “trồng rau má an toàn sử dụng phân bón sinh học” trên quy mô 1 ha, với 6 hộ nông dân ở khu vực 5, phường Nhơn Phú tham gia thực hiện. Việc triển khai mô hình khuyến nông trồng rau má an toàn này nhằm giúp cho nông dân áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng sinh học cho vùng rau má của thành phố, cung cấp rau xanh sạch, an toàn cho người sử dụng. Đây cũng cơ sở để HTX Nông nghiệp số 1 Nhơn Phú hướng đến sản xuất nguồn rau má an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời tăng thêm thu nhập cho các hộ trồng rau má ở đây khi được cơ quan chứng năng công nhận.
“Chúng tôi sản xuất chỉ dùng phân bón sinh học WEHG và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy mà dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong rau má hạn chế và được các cơ quan cho phép”, ông Nguyễn Văn Bùi chia sẻ.
Kinh Nghiệm Trồng Rau Má: Rau má là một loại rau rất quen thuộc với nhiều người dân ở nước ta. Do tính thích nghi của loại rau này rất rộng nên từ vùng miền núi, trung du, đến đồng bằng đâu đâu cũng có thể thấy mặt cây rau má.
Trước đây, do nhu cầu về loại rau này không nhiều nên người ta thường chỉ tận dụng những cây rau má mọc hoang dã trong tự nhiên để sử dụng, nhưng sau này, do nhu cầu sử dụng ngày một nhiều, nên để đáp ứng được nhu cầu, người ta phải gieo trồng chúng như những loại rau khác, đặc biệt là đã có những nơi trồng trên diện rộng bạt ngàn ở nhiều cánh đồng với diện tích hàng chục, hàng trăm ha theo hướng tập trung chuyên canh để sản xuất hàng hoá. Xã Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành, Tiền Giang cũng là một địa phương có vùng chuyên canh cây rau má hàng chục năm nay. Do trồng chuyên canh đã từ lâu nên bà con ở đây có rất nhiều kinh nghiệm canh tác loại rau này.
Sau đây là một số kinh nghiệm của bà con mà chúng tôi đã thu lượm được nhân dịp về tham quan tìm hiểu loại cây này. Theo bà con ở đây thì rau má có thể sống trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng loại đất thích hợp nhất cho chúng vẫn là loại đất phèn. Nếu được trồng trên loại đất này rau má sẽ phát triển rất tốt, cho năng suất cao và ăn cũng ngon hơn. Hiện ở vùng này đang có hai giống: một giống có lá lớn, lá tròn, dầy, có răng cưa hoặc không, gốc trắng hoặc tím, sinh trưởng mạnh, chịu phân, cho năng suất cao, giống này được ưa thích và đang được trồng phổ biến ở đây; một giống có lá nhỏ, mỏng, thân trắng, phát triển chậm, cho năng suất thấp, ít được trồng hơn. Rau má có thể trồng quanh năm, nhưng trồng vào cuối mùa mưa, thường cho năng suất cao hơn, và đặc biệt là khi thu hoạch sẽ vào mùa khô nên bán được giá cao hơn.
Về cách trồng, bà con tiến hành như sau: Lên liếp rộng khoảng 5-8 mét, để mương rộng khoảng 2,5-3m, đào mương sâu 1,2-1,5m. Lên liếp theo kiểu cuốn chiếu đưa tầng đất mặt lên trên mặt liếp. Băm đất cho thật nhỏ. Trước khi trồng một tuần, rải cho mỗi công (1.000m2) khoảng 80-100 kg vôi bột, tưới nước cho vôi lọt xuống các kẽ đất, trước khi trồng tưới nước rồi băm lại đất cho thật nhỏ.
Trồng với khoảng cách 20x20cm, mỗi khóm trồng 3-4 đoạn thân, mỗi đoạn dài 15-20cm. Muốn cho tỷ lệ sống cao và cây nhanh ra rễ nên tưới nước tạo cho đất ẩm trước khi trồng.