5 loại cây cảnh phòng khách có tác dụng thanh lọc không khí, giảm bụi, chắn tiếng ồn, giúp không gian sống được trong lành và bình yên.
Trang trí cây cảnh ở phòng khách ngoài việc xem xét về mặt thẩm mỹ tổng thể, chọn loại phù hợp với phong cách của ngôi nhà thì còn phải tính đến tính thiết thực của cây. Chúng không chỉ là những loại cây sinh ra đã có giá trị làm cảnh mà còn phải phù hợp với phong cách trang trí phòng khách, sao cho thật sang trọng và quan trọng nhất là phải có khả năng thanh lọc không khí, khử bụi, khử trùng, giảm tiếng ồn, … qua đó bảo vệ sức khỏe của gia chủ.
1. Các loại cây giúp thanh lọc không khí
a. Cỏ lan chi / dây nhện ( Chlorophytum comosum (Thunb.) Jacques )
Nhiều người yêu cây cảnh cho rằng phòng khách có rất nhiều không gian, muốn trồng hoa, cây cảnh thì cần trồng 1 số loại cây lớn. Ý tưởng thì hay nhưng nếu bạn bày toàn cây to thì cũng rất chi là đơn điệu.
Trong khi đó, cây dây nhện ( cỏ lan chi ) bề ngoài nhìn rất xinh xắn, dễ trồng, phát triển nhanh, không cần chăm sóc nhiều thì lại không được ưa chuộng máy. Nhưng nếu thấy thích thì bạn có thể sắm cho mình 1 em nhé, cây chịu bóng khá tốt, ra hoa đẹp, thích hợp trồng ở phòng khách và là một trong những loại có tác dụng thanh lọc không khí cực tốt.
b. Lưỡi hổ ( Sansevieria trifasciata Prain )
Khả năng thanh lọc không khí của lưỡi hổ rất lớn khi cây có thể hấp thụ hầu hết các loại khí gây ô nhiễm mà chúng ta rất khó nhận ra thấy hàng ngày. Chưa kể cây còn có giá trị cảnh quan rất tốt với nhiều giống nổi bật, từ cao đến thấp, có viền hay không viền, màu đậm hay bạc, … cứ liên tục được “ra lò”. Không gian phòng khách dù khó tính đến mấy cũng không thành vấn đề với lưỡi hổ.
2. Cây cảnh giảm tiếng ồn
a. Đa búp đỏ ( Ficus elastica Roxb. ex Hornem. )
Đa búp đỏ hay còn được biết đến với cái tên đa cao su, có tác dụng rất tốt trong việc giảm tiếng ồn. Kích thước lá sẽ quyết định đến khả năng hấp thụ tiếng ồn của chúng.
Khi được đem trồng trong nhà, nhất là phòng khách, nơi có ánh sáng chiều gần như thông suốt, đa búp đỏ dễ dàng phát triển cao hơn 1 mét và tán lá có thể sinh trưởng rộng tới hơn 0,5 mét. Cây cũng rất dễ chăm và không mấy khắt khe trong việc bón phân.
b. Bàng Singapore ( Ficus lyrata Warb. )
Điều khiến bàng Singapore gây ấn tượng cực mạnh với người xem chính là ở những chiếc lá lớn có hình dạng tương tự như đàn vĩ cầm. Cây càng lớn, bộ lá càng to và đẹp, nên khi đặt gần cửa sổ phòng khách thì có thể lọc bớt đi tiếng ồn rất nhiều, rất đáng để bạn tự tay tậu cho mình một chậu.
Thắc mắc: Nhiều bạn cho rằng trồng cây cảnh để giảm tiếng ồn là điều viển vông nhưng thực ra điều này không khó lý giải.
Nguyên lý giảm tiếng ồn của cây trồng là âm thanh được sóng âm truyền đi và mở rộng ra bên ngoài, khi sóng âm đập vào thân và lá cây thì sóng sẽ bị phá vỡ và trở nên tán xạ. Đồng thời thân và lá cây cũng tạo ra một số sóng âm ngược lại với tiếng ồn, có tác dụng triệt tiêu.
3. Cây cảnh có khả năng giảm bụi
a. Trầu bà lá xẻ / cây quái vật ( Monstera deliciosa Liebm. )
Ấn tượng đầu tiên về trầu bà lá xẻ là những chiếc lá to, bóng, phiến lá xuất hiện nhiều lỗ và “vết rách” lớn, cảm giác như có một thứ gì đó tác động vào vậy. Mới đầu nhìn sẽ thấy lạ nhưng lâu dần sẽ thấy khoái.
Ngoài việc dùng để ngắm, trầu bà lá xẻ còn có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho việc khử bụi, loại bỏ một số hạt bụi vô hình trong không khí và cải thiện chất lượng không khí nhà ở, bảo vệ sức khỏe cách thành viên trong gia đình.
Cây càng tươi tốt thì khả năng khử bụi càng mạnh và gia đình bạn tất nhiên cũng sẽ được hưởng lợi !.
b. Lan ý / bạch môn / vỹ hoa trắng ( Spathiphyllum wallisii Regel )
Sức sống của lan ý rất mãnh liêt, chỉ cần nhìn vào bộ lá xanh mướt của cây là bạn có thể nhận ra điều này, khi gặp bất lợi cây ít ra lá, nhưng khi gặp thuận lợi nhất là khi đứng trong không gian phòng khách thì cây sẽ tỏa lá thứ thiệt. Lá lan ý bám bụi nhiều chứng tỏ cây đang “làm việc” rất chăm chỉ đấy, nên trong lúc rảnh rỗi nếu có thể thì bạn hãy mạnh mẽ báo đáp sự ‘ân cần’ của cây bằng việc vệ sinh và tưới tăm nhé.
4. Cây cảnh có tác dụng cân bằng độ ẩm không khí
a. Cau vàng ( Dypsis lutescens (H.Wendl.) Beentje & J.Dransf. )
Độ ẩm không khí lý tưởng nên đạt khoảng từ 30 – 50 %, nếu thấp hơn hay cao hơn khoảng này thì chúng ta có máy tạo độ ẩm, nhưng dù sao máy móc cũng chỉ là máy móc, chúng ta càng tác động nhiều thì sẽ càng gặp bất lợi. Còn một khi đã tận dụng tốt cây cảnh trang trí rồi thì độ ẩm sẽ chẳng còn là vấn đề rườm rà nữa.
Thiệt đấy, nếu bạn giữ một chậu cau vàng trong nhà, độ ẩm môi trường xung quanh phòng khách có thể được cải thiện rất nhiều. Thật tuyệt phải không ?. Cây càng lớn thì khả năng tạo ẩm càng mạnh, bạn có thể làm thí nghiệm để biết điều mình nói là đúng nhé !.
b. Dương xỉ
Dương xỉ chịu bóng râm tương đối nên rất thích hợp để trồng trong nhà. Ngoài ra chúng còn có một đặc điểm khác là khả năng thoát hơi nước rất mạnh, giúp cải thiện chất lượng không khí trong phòng khách. Tuy nhiên, vào mùa khô, độ ẩm xung quanh quá thấp, dương xỉ thường sẽ rất khó sinh trưởng, khi này thường sẽ phải phun sương nhân tạo để tăng độ ẩm.
5. Cây cảnh giúp không khí thêm trong lành
a. Bạc hà
Bạc hà rất hay để trưng trong phòng khách, khi lại gần có thể ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng, giúp tinh thần thêm sảng khoái và hưng phấn lạ thường. Hầu hết các giống bạc hà là rau gia vị ăn được nên bạn vừa có thể ngắm vừa có thể thưởng thức hương vị của chúng.
Tuy nhiên, muốn để bạc hà sinh trưởng thuận lợi trong phòng khách thì bạn cần đặt chúng gần cửa sổ vì đây là loài cây ưa sáng.
b. Nha đam
Trong tất cả các bài viết, lời khuyên về loài cây có tác dụng lọc không khí và cải thiện không khí trong nhà đều rất hay nhắc đến cây nha đam.
Nha đam rất thích hợp trồng trong nhà, với phòng khách là lựa chọn tốt nhất do đây vốn là không gian rộng, thoải mái cho nha đam “bung lụa”. Đặt một chậu nha đam tại phòng khách là cả nhà sẽ thấy chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt.
Kết, 5 loại cây cảnh nói trên đều là những lựa chọn tốt, vừa là đồ trang trí phá cách, vừa là “thứ thuốc” bổ trợ có lợi cho sức khỏe, rất khó để mà chối từ.